Nhóm các chuyên gia ở ĐH Rice và cao đẳng y khoa Baylor của Mỹ, gọi chung là nhóm đề tài đã lập kỷ lục nuôi cấy thành công mạch máu nhân tạo trong phòng thí nghiệm thông qua các mô cấy ghép, tạo ra các mạch máu, mao dẫn hoàn chỉnh giúp cho các mô luôn ở trạng thái sống hay còn gọi là mạng mạch hoặc hệ mạch.
Theo ông Diekinson, người tham gia nhóm nghiên cứu, để tạo được hệ mạch nói trên các nhà khoa học đã sử dụng dải polymer PEG tăng cường có khả năng mô phỏng tính năng ma trận ngoại bào cơ thể, đây là mạng các protein và polysaccharides giúp cho việc tạo ra phần lõi mô sau đó cho kết hợp PEG với hai loại tế bào, những vật chất gốc để tạo ra một mạch máu hoàn chỉnh. Bước tiếp theo là dùng ánh sáng để “khóa” các dải polymer PEG vào trong một chất gel để tạo ra các hydrogel cứng có chứa các tế bào sống và yếu tố tăng trưởng và sau 72 giờ phát triển thành màng hydrogel. Bằng cách dùng ánh sáng huỳnh quang đánh dấu tế bào, các nhà khoa học có thể phân biệt được quá trình các mao dẫn được hình thành hay nói cụ thể hơn là quan sát được quá trình hình thành tế bào trong gel plastic mềm. Sau khi có hệ mạch mới, các nhà khoa học đem cấy ghép hydrogel vào trong giác mạc của chuột và tiêm chất nhuộm màu vào máu của chuột. Kết quả, dòng máu lưu thông bình thường trong các mao mạch vừa được tạo ra và cấy ghép trong giác mạc của chuột.
Theo Sức khỏe & Đời sống