Bộ nhớ dự phòng cho các máy tính không còn là điều xa lạ đối với bất kỳ ai đang tiếp cận với công nghệ thông tin hiện nay. Cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, các nhà khoa học hàng đầu tại Vienna - Áo đang hướng tới một ý tưởng mới. Trong tương lai không xa, bộ nhớ dự phòng ghi lại toàn bộ trí nhớ của một bộ não sống sẽ ra đời.  

    Theo các nhà khoa học tham dự hội thảo khoa học diễn ra tại thủ đô Vienna - Áo, trong vòng 2 thập kỷ tới, nhân loại sẽ được chứng kiến một thành tựu đột phá của khoa học: toàn bộ ký ức được lưu giữ trong não của một con người sẽ có thể sao chép được thành một bộ nhớ dự phòng. TS. Raymond Kurzweil - người tham gia chương trình nghiên cứu này tại Vienna - Áo đã cho biết: điều này sẽ đơn giản như một quá trình sao chép dữ liệu dự phòng của máy tính. Trước hơn 500 khách mời dự hội thảo khoa học diễn ra tại Vienna - Áo trong năm vừa qua, tiến sĩ Kurzweil, đồng thời là người từng đạt nhiều giải thưởng cho các ứng dụng máy tính vào công nghệ nhận diện giọng nói khẳng định: đây là điều hoàn toàn có thể thực hiện trong vòng 20 năm tới. 

     Sao ký ức cho bộ não.
     Từ ý tưởng đến thực tiễn 

    Xuất phát từ ý tưởng về việc tạo ra một chương trình cho phép tạo lập lại các bản nhạc theo phong cách của các nhà soạn nhạc nổi tiếng của TS. Kurzweil  khi mới 15 tuổi, cậu thanh niên trẻ đầy sáng tạo này đã gây được sự chú ý trong giới khoa học Mỹ. Nhờ đó, cậu bé đã may mắn được diện kiến Tổng thống Mỹ khi đó là Lydon B. Johnson để nói chuyện về những ý tưởng khoa học táo bạo vượt thời gian của mình.

    Không lâu sau đó, Kurzweil đã bắt đầu chế tạo thành công cỗ máy đầu tiên cho phép đọc và ghi lại các bài phát biểu dành cho người mù để tặng riêng cho một người bạn thân bị khiếm thị của cậu. Phát minh này của Kurzweil ngay sau đó đã tạo nên một cuộc cách mạng về công cụ âm nhạc.  

    Sau nhiều thành công trong các lĩnh vực chuyên ngành, Raymond Kurzweil bắt đầu đưa ra ý tưởng về việc tạo ra một "bộ não dự phòng". "Mọi người có thể cho tôi là điên, song tôi hoàn toàn tin rằng trong tương lai, điều đó sẽ trở thành hiện thực"- Ông nói. Trong thực tế, ngày nay đã có rất nhiều thành tựu khoa học có thể hỗ trợ con người tiến dần đến việc biến ý tưởng này thành hiện thực. Với việc giải mã được các tín hiệu não bộ thông qua thiết bị quét cộng hưởng từ trường fMRI; thành tựu phát triển trí tuệ nhân tạo; và đặc biệt là các công nghệ tiên tiến hiện đại như: công nghệ nano, công nghệ đọc suy nghĩ não bộ... khoa học đang dần biến những điều không tưởng thành sự thật. Trong vòng một vài thập kỷ tới, toàn bộ cơ sở dữ liệu trong não bộ của một con người có thể được ghi lại và lục lại một cách dễ dàng. Điều này sẽ góp phần lưu lại ký ức của con người, hoặc có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như: để giải quyết các vụ án, hỗ trợ điều trị chứng suy giảm trí nhớ (Alzheimer) hoặc nhằm phục hồi trí nhớ cho những người bị mất trí nhớ do thương tổn não bộ.

     Đến các nanobot 

    Việc  đưa ra một ý tưởng về ký ức dự phòng từ lâu đã được nhắc đến nhiều trong giới khoa học, song chỉ khi có sự xuất hiện của công nghệ nano, ý tưởng này mới có hi vọng trở thành hiện thực. TS. Kurzweil cho biết: trong vòng 20 năm tới, trong cơ thể mỗi người chúng ta sẽ có hàng nghìn cỗ máy nanobot siêu nhỏ trong cơ thể, thậm chí trong các mạch máu. Chúng sẽ giúp con người hàn gắn một cách nhanh chóng các tổn thương trong các mạch máu bên trong cơ thể, giải quyết dễ dàng mọi vấn đề "hỏng hóc" trong cơ thể chúng ta, góp phần bảo vệ sức khoẻ, cải thiện vẻ bề ngoài của con người và thậm chí là tiến hành việc sao chép lại các nội dung được lưu trong vùng não kiểm soát trí nhớ của mỗi người. Có thể hiểu một cách đơn giản nhất quá trình sao chép nội dung kí ức của não bộ là việc: Các nanobot có thể sẽ xâm nhập vào hệ thống não bộ, cụ thể là tại vùng não kiểm soát trí nhớ và thông tin, sau đó tiến hành ghi lại các   thông tin trong não bộ dưới dạng các tín hiệu điện não. Những thông tin này sẽ được truyền về bộ xử lý trung tâm của một máy tính. Tại đây, máy tính sẽ tiến hành tập hợp thông tin, cập nhật chúng thường xuyên, ghi chép và lưu giữ lại. Khi cần lục lại một kí ức nào đó, các nhà khoa học chỉ việc tiến hành giải mã các thông tin đã được lưu lại và chuyển chúng thành thông tin về sự kiện đã xảy ra. TS. Kurzweil tiết lộ: từ những năm đầu thập niên 80, ông từng dự báo điều này sẽ xảy ra do tác động của quá trình phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ sẽ bắt đầu từ giữa những năm 1990. Và thực tế, những gì được dự đoán đang diễn ra đúng như tính toán của các nhà khoa học.

    Cùng với thời gian, con người có thể tạo ra nhiều công trình khoa học vĩ đại và biến nhiều ý tưởng thành sự thật. Chắc chắn, việc tạo ra một bộ nhớ dự phòng cho não bộ con người là điều khoa học đang và sẽ hướng tới. Với công nghệ nano, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào tương lai của ý tưởng này.

    Theo Sức khỏe và đời sống

    Connect with Tu Du Hospital