TS. BS. Ngô Minh Xuân
Trưởng khoa Sơ sinh - BV Từ Dũ

>> Chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (Phần 1)
>> Chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (Phần 2)

7. Theo dõi nhiệt độ cho trẻ:


Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

- Bạn nên luôn luôn có dụng cụ đo nhiệt độ cho trẻ trong nhà để có thể theo dõi nhiệt độ cho trẻ bất cứ lúc nào.

- Có thể dùng dụng cụ đo nhiệt kế qua lỗ tai, dụng cụ đo nhiệt dán lên trán nhưng tốt nhất vẫn là nhiệt kế thủy ngân, vừa đơn giản, rẻ tiền lại chính xác.

- Trước khi quyết định dùng thuốc hạ nhiệt cho trẻ bạn nên đo nhiệt độ và tiếp tục theo dõi sau đó. 

- Nhiệt độ bình thường của trẻ sơ sinh là 36,5  đến 37,50 C:

  • Nếu lấy nhiệt độ ở nách: đặt nhiệt kế ở nách trong khoảng 2 phút, nhiệt độ ở nách cộng thêm 0,5 độ mới là nhiệt độ thật của bé.
Ví dụ: nhiệt độ ở nách là 36,50 C thì nhiệt độ của bé là 370 C.
  • Nếu lấy nhiệt độ ở hậu môn: nhẹ nhàng đặt nhiệt kế ở hậu môn trong 1 phút, nhiệt độ bình thường ở hậu môn chính là thân nhiệt của bé ( 36,5 - 37,50C)

- Nếu nhiệt độ của bé thấp hơn 36,50C thì bạn cần ủ ấm ngay cho trẻ sơ sinh.

- Nếu nhiệt độ của trẻ cao hơn  37,50 C thì nên để trẻ thoáng, bỏ bớt chăn cũng như các quần áo dày, lau mát, cho trẻ bú nhiều hơn, uống thêm nước nếu cần và theo dõi nhiệt độ cho trẻ.

- Nếu nhiệt độ cao hơn 380C, trẻ bị sốt, thì cần lau mát ngay và dùng thuốc hạ sốt và cần sớm đưa trẻ đến khám và điều trị ngay tại các cơ sở y tế.

8. Chăm sóc mắt: Cần thực hiện việc chăm sóc mắt thường xuyên hàng ngày:
- Trẻ sơ sinh thường bị chảy nước mắt và chảy ghèn trong những ngày đầu sau sinh. Tình trạng viêm kết mạc mắt có thể xảy ra ngay trong tuần đầu nếu việc chăm sóc mắt không được thực hiện. Do vậy:

  • Ngay sau sinh, nên lau sạch mắt bé bằng gạc vô trùng hay bằng khăn riêng. Khăn này phải được nhúng nước chín và mát.
  • Trẻ thường được các nữ hộ sinh nhỏ mắt hay tra thuốc mỡ mắt sau khi lau mắt trong vòng một giờ sau sinh. Chú ý không được để đầu chai thuốc hay đầu ống thuốc chạm vào mắt bé.

- Bất cứ người nào chạm đến em bé đều phải rửa tay trước và sau chăm sóc bé

- Trong một số trường hợp trẻ sơ sinh có thể mắc các bệnh nhiễm khuẩn mắt nặng và có thể dẫn đến mù trong ngay tháng đầu sau sinh. Ba tác nhân thường gây nhiễm khuẩn mắt nhất là Neisseria  gonorrhoea (vi trùng gây bệnh lậu), Chlamydia  trachomatis (trùng roi) (bé có thể mắc phải hai tác nhân này trong khi sinh từ đường sinh dục của mẹ) và Staphylococcus  aureus (mắc phải cả từ đường sinh dục mẹ hay sau khi sinh, từ người chăm sóc).

- Trong ba tác nhân trên, nguy hiểm nhất là lậu cầu Neisseria gonorrhoea vì nó có thể gây mù nếu không được điều trị. Chlamydia, là nguyên nhân thường gặp nhất của nhiễm khuẩn mắt sơ sinh, tuy có thể dẫn đến giảm thị lực nhưng hiếm khi gây mù. 

- Trong cả ba trường hợp trên, hình ảnh điển hình là cả hai  mí mắt sẽ bị sưng đỏ và chảy mủ, thường bắt đầu từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 sau sinh. Tuy nhiên, triệu chứng có thể bắt đầu sớm hơn hay muộn hơn. Nếu chỉ dựa trên biểu hiện lâm sàng, rất khó nói nhiễm khuẩn do tác nhân nào gây ra. Ở những vùng có tỷ lệ nhiễm lậu cầu trùng cao, nhân viên y tế nên điều trị ngay bất kỳ trường hợp nhiễm khuẩn mắt nào vì nó có thể do lậu cầu gây ra, chứ không nên chờ đợi kết quả xét nghiệm hay chẩn đoán chắc chắn rồi mới điều trị. Nhân viên y tế nên lưu ý tầm soát và điều trị trong thời gian mang thai những thai phụ có thể bị bệnh lây truyền qua đường tình dục. 

- Ước tính có 3% trẻ em bị bệnh mắt do lậu cầu không được điều trị sẽ bị mù.

Tỷ lệ mắc bệnh và yếu tố nguy cơ

Lậu và chlamydia là những nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai. Tổ chức Y tế thế giới ước tính có khoảng 32 triệu trường hợp viêm kết mạc do lậu cầu mới mắc và 46 triệu trường hợp phụ nữ mới nhiễm chlamydia trên thế giới hàng năm. Một phần ba đến một nửa trẻ do những phụ nữ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục này sinh ra sẽ bị nhiễm khuẩn mắt.

Nhiễm tụ cầu trùng Staphylococcus aureus xảy ra trong 10 đến 20% những trẻ sơ sinh và có thể lây lan rất nhanh từ trẻ này sang trẻ kia, nhất là tại các cơ sở y tế. Tụ cầu cũng là nguyên nhân thường gặp của nhiễm trùng rốn và rốn có thể là nơi tích trữ vi  trùng này.

Điều trị dự phòng nhiễm khuẩn mắt do lậu cầu trùng và chlamydia

WHO khuyến cáo rằng mọi trẻ sơ sinh phải được lau mắt ngay sau sinh và phải được nhỏ nitrate bạc 1% hay tra thuốc mỡ mắt tetracycline 1% trong vòng 1 giờ sau sinh. Ba chất kháng khuẩn được khuyến cáo trong nguyên nhân điều trị dự phòng nhiễm khuẩn mắt thất bại thường gặp nhất là do tiến hành quá trễ sau sinh. Vì nhiễm khuẩn mắt do lậu rất nặng nên mọi trường hợp viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh nên được điều trị với kháng sinh như là viêm kết mạc do lậu cầu trùng. Hầu hết những nhiễm khuẩn do chlamydia gây ra đều có thể phòng ngừa bằng cách khử khuẩn mắt ngay sau sinh, thậm chí khi mẹ chưa được điều trị trước sinh.

Những biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn mắt do Staphylococcus aureus

Tất cả nhân viên y tế và cả những người chăm sóc trẻ đều phải rửa tay thường xuyên, sử dụng dụng cụ và thiết bị sạch, giữ môi trường xung quanh sạch sẽ là những biện pháp căn bản để phòng ngừa nhiễm khuẩn mắt và những nhiễm khuẩn khác ở trẻ sơ sinh.

Do vậy nếu bà mẹ bị viêm nhiễm đường sinh dục mà chưa được điều trị hay điều trị chưa ổn định thì trẻ sinh qua đường dưới thường có nguy cơ viêm kết mạc mắt. Khi thấy mắt trẻ bị sưng hay đổ ghèn thì phải báo ngay cho bác sĩ hoặc cho bé đi khám ngay để bé được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Việc sử dụng kháng sinh nhỏ mắt phải do bác sĩ chỉ định.

9. Chăm sóc da:

- Việc chăm sóc da cho trẻ là rất cần thiết vì da trẻ sơ sinh rất dễ bị tổn thương và rất dễ bị nhiễm trùng. Việc chăm sóc da cũng như việc chọn các sản phẩm để săn sóc da cần tuân thủ một số nguyên tắc sau: 
  • Tránh tíếp xúc với tác nhân kích thích:
    Chọn quần áo may bằng các loại vải mềm.
    Sự cọ xát nhẹ mà lặp đi lặp lại cũng có thể gây nên tổn thương cho da của trẻ.
    Tránh cho trẻ tiếp xúc với các loại xà phòng thô vì độ kiềm cao sẽ làm kích ứng da bé. 
  • Hn chế tiếp xúc với các tác nhân kích ứng có hại từ môi trường:
Phân, nước tiểu ở khu vực mang tã -> Cần thay tã ngay cho trẻ mỗi khi tã ướt.
Nên dùng các sản phẩm nhẹ dịu đã được kiểm chứng trên lâm sàng để chống lại sự kích thích, giảm cọ xát và ngăn ngừa sự kích thích gây ra từ việc chăm sóc. Chọn loại tã phù hợp cho bé. 
  • Tránh để các chất có thể ảnh hưởng độc hại đến mắt bé (từ mẹ hay từ người chăm sóc trẻ)
    Vì trẻ sơ sinh chưa có phản xạ nhắm mắt và bài tiết nước mắt, do đó:
    Cần giữ bé tránh xa khói thuốc lá hoặc nơi môi trường bị ô nhiễm.
    Dùng các sản phẩm chăm sóc da và tóc nhẹ dịu, không gây cay mắt.
    Tránh các sản phẩm làm sạch có chứa cồn hoặc xà phòng.
  • Luôn giữ cho bé có độ ẩm thích hợp: 
Khí hậu khô hanh hoặc tắm rửa nhiều quá có thể làm da mất nước: nên thoa kem dưỡng da sơ sinh ở vùng da khô, thiếu nước.
Tuy nhiên, việc không thay tã thường xuyên và điều kiện nóng ẩm có thể gây nhiễm trùng và nhiễm nấm. Do vậy cần rửa sạch vùng mang tã với chất làm sạch nhẹ dịu. 
  • Hạn chế làm thay đổi sự cân bằng của các loại vi khuẩn thường trú trên da của trẻ:

Các chủng vi khuẩn thường trú trên da này bắt đầu có ngay sau khi bé sinh ra. Chúng hiếm khi gây bệnh trừ khi da có vết thương hở hoặc  độ axit tự nhiên trên da bị phá hủy. Do vậy, cần phải: 

Giữ sạch các vết thương hở, cuống rốn.
Làm sạch da bé với sữa tắm nhẹ dịu và có độ pH thăng bằng phù hợp với sinh lý của da.

10. Chăm sóc miệng lưỡi:

- Bình thường chỉ cần dùng gạc vô trùng thấm nước chín để nguội hay nước muối sinh lý để rơ miệng cho trẻ hàng ngày.

- Chú ý là luôn luôn rửa tay sạch trước và sau khi rơ miệng cho trẻ và nên rơ miệng lúc trẻ đang đói để tránh làm trẻ ói ọc.

- Trẻ sơ sinh thường bị nhiễm nấm Candida albicans từ đường sinh dục của mẹ khi sinh ra. Do vậy một số trẻ thường bị nấm vùng miệng lưỡi.

- Khi miệng và lưỡi bé có những chấm trắng lốm đốm, rải rác, bám khá chặt vào niêm mạc là trẻ đã bị nấm vùng miệng lưỡi.

- Có thể một số loại sản phẩm kháng nấm để rơ miệng, lưỡi cho trẻ.

11. Theo dõi bé sơ sinh vàng da:
- Gặp ở 25-30% ở trẻ đủ tháng, gần 100% trường hợp ở trẻ non tháng <1500g.

- Rất nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời vì dễ gây ra biến chứng vàng da nhân do tình trạng nhiễm độc thần kinh: tỷ lệ tử vong cao, di chứng nặng nề.

- Ở các trẻ đủ tháng vàng da thường bắt đầu từ vùng đầu mặt, lan xuống cổ, ngưc, bụng rồi ra chân tay. Khi vàng da lan đến đùi thì cần phải chú ý vì nếu trẻ bị vàng da lan đến cẳng tay cẳng chân thì phải đưa bé đi khám ngay, còn khi vàng da lan đến lòng bàn tay bàn chân thì trẻ có thể bị nguy hiểm và cần nhập viện để điều trị ngay.

- Chú ý rằng một trẻ sơ sinh chỉ được coi là vàng da sinh lý tại thời điểm được khám nếu có đầy đủ các tiêu chuẩn sau:

Xuất hiện sau 24 giờ tuổi.
Hết trong vòng 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng.
Mức độ vàng da nhẹ (chỉ vàng da ở vùng mặt, cổ, ngực).
Vàng do đơn thuần không kết hợp các triệu chứng bất thường khác (thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ...).
Nồng độ Billirubin/máu không quá 12 mg% ở trẻ đủ tháng và không quá 14mg% ở trẻ non tháng.
Tốc độ tăng Billirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ.

- Chỉ cần bất thường từ một trong số các tiêu chuẩn trên thì phải được coi là vàng da bệnh lý và trẻ cần được theo dõi và điều trị càng sớm càng tốt.

- Việc tắm nắng cho trẻ chỉ có thể điều trị được các trường hợp vàng da nhẹ nhưng có thể  giúp các bậc phụ huynh theo dõi được mức độ vàng da được dễ dàng hơn.

 

TS. BS. Ngô Minh Xuân

Connect with Tu Du Hospital