CN. Nguyễn Kim Oanh
    K. Xét nghiệm – BV Từ Dũ

    Máu và các chế phẩm của máu được sử dụng rộng rãi trong trị liệu nội, ngoại, sản, nhi và các chuyên khoa khác với mục đích bồi hoàn thể tích tuần hoàn máu, bồi hoàn thành phần thiếu của máu hoặc để hồi sức cho bệnh nhân khi dùng thuốc hóa trị có ảnh hưởng đến tủy xương. Đặc biệt trong sản khoa, chảy máu khi chuyển dạ và khi sinh là một biến chứng thường gặp, rất nguy hiểm. Nếu không kịp thời xử lý và hồi sức tốt, sản phụ có thể tử vong rất nhanh.

    Ảnh do tác giả cung cấp.

    Trường hợp nào cần truyền máu?
    1. Thiếu máu cấp

    - Chỉ định truyền máu khi thiếu máu cấp ở mức độ nặng và mức độ trung bình nhưng vẫn còn chảy máu hoặc còn tán huyết.

    - Thiếu máu cấp được chia theo mức độ sau:

    Mất máu nhẹ: - < 500ml máu. 
    - Mạch và huyết áp bình thường.
    - Bệnh nhân tỉnh và tiếp xúc tốt.

    Mất máu trung bình: - 500 – 1000ml.
    - Mạch:100-120lần/phút, huyết áp > 90mmHg.
    - Bệnh nhân mệt, lơ mơ, nước tiểu giảm.

    Mất máu nặng: - > 1000ml máu.
    - Mạch > 120lần/phút hoặc không bắt được, huyết áp có thể bằng 0.
    -  Bệnh  nhân choáng, thiểu niệu hoặc vô niệu.

    2. Thiếu máu mãn
    Chỉ định truyền máu khi bệnh nhân thiếu máu nặng không bù trừ, chỉ cần nâng Hb lên để cải thiện lâm sàng, không  nâng lên đủ như bình thường. Khi huyết sắc tố >7 g% thì không cần truyền máu.

    Chỉ định truyền máu hợp lý với các chế phẩm của máu 
    1. Máu toàn phần
    - Một đơn vị máu toàn phần có 250ml, gồm 200ml máu và 50ml chất chống đông.
    - Truyền 1 đơn vị máu nâng Hct thêm 2%
    - Truyền máu phải được tiến hành trong vòng 30 phút từ khi lấy ra khỏi tủ lạnh. 

    • Chỉ định
      - Những trường hợp mất máu cấp có tụt huyết áp.
      - Truyền thay máu.
      - Thiếu máu tán huyết ở trẻ sơ sinh.

    2. Hồng cầu lắng
    - Một đơn vị hồng cầu lắng có 125ml hồng cầu, không có huyết tương.
    - Truyền 1 đơn vị hồng cầu lắng  cho người 60kg sẽ tăng thêm Hct từ 3-4 %. 

    • Chỉ định
    - Cần bù lượng hồng cầu cho bệnh nhân, không cần nâng thể tích máu.
    - Bệnh nhân thiếu máu nhưng dễ có nguy cơ tuần hoàn quá mức: người già, trẻ em, bệnh tim phổi mãn tính.

    3. Tiểu cầu đậm đặc
    - Lấy từ túi máu người cho,1 đơn vị tiểu cầu chứa 30ml tiểu cầu, 6 đơn vị tạo thành một cúp tiểu cầu.
    - Liều lượng: 1 đơn vị tiểu cầu đậm đặc / 10kg. 

    • Chỉ định
    Điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu, giảm chức năng tiểu cầu.

    4. Huyết tương đông lạnh
    - Được lấy trong vòng 6 giờ sau khi rút máu người cho và làm đông lạnh.
    - Trước khi sử dụng phải rã đông ở nhiệt độ 30-37oC, nếu vượt quá 37oC sẽ làm hủy các yếu tố đông máu và các protein.
    - Liều lượng: 15ml/kg. 

    • Chỉ định
    - Suy gan.
    - Thiếu các yếu tố đông máu.
    - Đông máu nội mạch lan tỏa.

    5. Kết tủa lạnh.
    Tách từ huyết tương tươi đông lạnh, chứa ½ hàm lượng yếu tố VIII và fibrinogen của người cho. 

    • Chỉ định
    - Thiếu yếu tố VIII.
    - Bệnh Von Willebrand.
    - Thiếu yếu tố XIII, fibrinogen.

    Tiêu chuẩn đối với người muốn cho máu

    Ảnh do tác giả cung cấp.
     

    - Nam: Tuổi từ 18 – 60, nặng > 45 kg.
    - Nữ  : Tuổi từ 18 –  55, nặng > 42 kg.
    - Người cho máu phải hoàn toàn tự nguyện và khỏe mạnh.
    - Mạch: 60 nhịp < Mạch <100 nhịp/ phút.
    - Huyết áp: 90mmHg < Huyết áp tối đa < 140mmHg.
    - Huyết sắc tố  >110g/l, tốt nhất > 125g/l.
    - Có kết quả xét nghiệm âm tính đối với 5 loại bệnh: HIV/AIDS, viêm gan B, viêm gan C, sốt rét và giang mai.          

     Tài liệu tham khảo:
    1. Giáo trình Huyết học, bộ môn xét nhiệm, ĐH Y Dược  TP.HCM (2005).
    2. Lâm sàng huyết học, chủ biên: PGS TrầnVăn Bé, nhà xuất bản Y học.

    CN. Nguyễn Kim Oanh

    Connect with Tu Du Hospital