Khoa Sanh - BV Từ Dũ
 
Chuyển dạ là gì ? Làm sao biết đã vào chuyển dạ ?

Chuyển dạ là từ khi bạn bắt đầu có những cơn co tử cung thưa và từ nhẹ đến mạnh dần.
Nếu có những dấu hiệu sau, bạn cần đi khám ngay:

- Cảm thấy đau mỗi khi bụng gò cứng.

- Ra nhớt hồng âm đạo.

- Ra nước loãng ở âm đạo (nước ối).

Thời gian từ lúc chuyển dạ đến lúc sanh là bao lâu ?

Con so: khoảng 16 - 24 giờ.

Con rạ: khoảng 8 -16 giờ.

Khi nào được đưa lên bàn sanh ?

Khi cổ tử cung bạn mở được 4cm cũng là lúc bạn đang chuẩn bị vào giai đoạn tích cực của cuộc chuyển dạ rồi đấy !

Phải rặn sanh như thế nào ?

Bạn nên làm theo sự hướng dẫn của Bác sĩ và Nữ hộ sinh thì cuộc chuyển dạ sanh thuận lợi và nhẹ nhàng hơn cho bạn.

- Chỉ rặn trong cơn co tử cung (cơn đau bụng ).

- Hít vào thật sâu, ngậm miệng, dồn hơi xuống bụng, rặn hơi càng dài càng tốt, khi hết hơi này, hít thật sâu hơi khác và tiếp tục rặn như vậy cho đến khi hết đau bụng.

Ngoài cơn đau bạn hít thở đều, chờ cơn đau kế tiếp và rặn...tốt lắm! như thế cho đến khi em bé chào đời.

Vỡ ối là gì ? Làm thế nào để nhận biết vỡ ối ?

- Thai phụ đột ngột thấy ra nước nhiều ở âm đạo, nước loãng, màu trắng đục, có mùi tanh (khác với nước tiểu). Sau lần ra nước đầu tiên vẫn tiếp tục ra nước rỉ rả sau đó.

- Sản phụ cần phân biệt với dịch nhầy cổ tử cung: chất dịch nhầy dai và thường có lẫn ít máu hồng.

Khi vỡ ối mẹ và em bé có những nguy hiểm gì ?

Màng ối có tác dụng che chở không cho vi khuẩn từ âm hộ, âm đạo xâm nhập vào buồng tử cung. Do đó khi vỡ ối cả mẹ và con đều có nguy cơ nhiễm trùng.

Nên làm gì khi đã vỡ ối ?

Khi vỡ ối bạn cần phải:

- Báo ngay cho Bác sĩ hoặc Nữ hộ sinh.

- Đóng băng vệ sinh và giữ vệ sinh sạch sẽ.

- Hạn chế đi lại.

Cách xử trí của chúng tôi là:

- Sau mỗi 6 giờ bạn sẽ được dùng kháng sinh để phòng nhiễm trùng và được thử máu lại.

- Thường khi vỡ ối non (vỡ ối khi chưa có cơn đau tử cung) chuyển dạ sẽ xảy ra sau khoảng 8 -12 giờ. Trường hợp nếu chuyển dạ không xảy ra, Bác sĩ sẽ tiêm thuốc giục sanh cho bạn.

 



Khoa Sanh

Connect with Tu Du Hospital