DS. Nguyễn Hương Thảo

    Khoa Dược

    Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo tránh dùng metformin ở những bệnh nhân tăng huyết áp, tiền sản giật hoặc có nguy cơ thai nhi hạn chế tăng trưởng trong tử cung vì metformin ức chế hô hấp của ty thể, điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến chức năng, sự tăng trưởng hoặc sự biệt hóa của các mô bào thai hoặc nhau thai. Tuy nhiên, các tác động lâm sàng trên không được quan sát thấy ở phụ nữ mang thai. Trong các khuyến cáo của Hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) và Hiệp hội Y học Bà mẹ - Thai nhi (SMFM) không bao gồm cảnh báo này.

    Một nghiên cứu quy mô lớn cho thấy không có mối lo ngại về an toàn khi sử dụng metformin trên phụ nữ có thai. Metformin hiện có thể được cân nhắc sử dụng trong thai kỳ hoặc khoảng thời gian thụ thai, làm thuốc bổ sung hoặc thay thế cho insulin nếu cần thiết. Kết luận này ủng hộ hướng dẫn lâm sàng hiện hành. 

    Nguy cơ của bệnh đái tháo đường không được điều trị trong thai kỳ

    Tăng đường huyết không kiểm soát tiền thai kỳ và trong thai kỳ có liên quan đến tăng nguy cơ trên thai nhi và sản phụ. Kiểm soát tốt đường huyết làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh, sẩy thai, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật và tử vong chu sinh.

    Hướng dẫn điều trị của Anh khuyến cáo sử dụng metformin điều trị đái tháo đường trong thời gian mang thai và đái tháo đường thai kỳ nếu cần thiết.

    Đánh giá dữ liệu an toàn mới

    Sau khi Châu Âu đánh giá dữ liệu từ một nghiên cứu thuần tập không can thiệp tại Phần Lan (nghiên cứu CLUE), tờ thông tin sản phẩm của metformin đang được cập nhật thêm thông tin cho phép sử dụng thuốc trong thai kỳ hoặc khoảng thời gian thụ thai như thuốc bổ sung hoặc thay thế cho insulin nếu cần thiết. Nhóm Cố vấn Chuyên môn về Thuốc cho Sức khỏe Phụ nữ của Ủy ban Thuốc dành cho Người (CHM) cũng đã xem xét dữ liệu từ nghiên cứu và đồng ý rằng thông tin sản phẩm nên được cập nhật.

    Nghiên cứu khảo sát các tác dụng tức thời và lâu dài đối với trẻ được sinh ra từ những sản phụ mắc đái tháo đường týp 2, đái tháo đường thai kỳ hoặc hội chứng buồng trứng đa nang sử dụng metformin. Các kết quả của nghiên cứu cho thấy không có mối lo ngại về an toàn khi sử dụng metformin trong thai kỳ đối với sản phụ và con của họ.

    Trong các tiêu chí phụ, tỉ lệ trẻ sinh nhẹ cân so với tuổi thai tương đương giữa nhóm sử dụng metformin và nhóm không điều trị đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên, tỉ lệ trẻ sinh nhẹ cân cao hơn ở nhóm sử dụng metformin so với nhóm sử dụng insulin, điều này có thể liên quan đến việc tăng trọng lượng cơ thể do sử dụng insulin.

    Cập nhật khuyến cáo

    Khuyến cáo trong tờ thông tin sản phẩm và thông tin cho người bệnh của các thuốc chứa metformin đang được cập nhật.

    Một số thuốc phối hợp metformin có chứa các hoạt chất khác cần tránh sử dụng trong thai kỳ. Tờ thông tin sản phẩm của những thuốc này sẽ được đánh giá và xem xét cập nhật khuyến cáo nếu cần thiết.

    Khuyến cáo phụ nữ mắc đái tháo đường đang mang thai, nghi ngờ mang thai hoặc dự định mang thai đến gặp bác sĩ để được tư vấn, trong trường hợp liệu pháp điều trị cần thay đổi hoặc theo dõi đường huyết.

    Phụ nữ mắc đái tháo đường týp 1 cần tiếp tục sử dụng insulin trong thai kỳ.

     

    Tài liệu tham khảo:

    1. Medicines and Healthcare products Regulatory Agency. Metformin in pregnancy:
      study shows no safety concerns. 15 March 2022. https://www.gov.uk/drug-safety-update/metformin-in-pregnancy-study-shows-no-safety-concerns (Truy cập ngày 14/6/2022).
    2. American Diabetes Association. 14. Management of Diabetes in Pregnancy: Standards of Medical Care in Diabetes-2021. Diabetes Care. 2021;44(Suppl 1):S200-S210.
    3. Barbour LA, Scifres C, Valent AM, et al. A cautionary response to SMFM statement: pharmacological treatment of gestational diabetes. Am J Obstet Gynecol. 2018;219(4):367.e1-367.e7.
    4. Durnwald C, David M Nathan DM, Werner EF. Gestational diabetes mellitus: Glucose management and maternal prognosis. Post TW, ed. UpToDate. Waltham, MA: UpToDate Inc. http://www.uptodate.com (Truy cập ngày 14/06/2022).
    Ds. Nguyễn Hương Thảo

    Connect with Tu Du Hospital