ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

    Phòng Công tác xã hội

    Tăng huyết áp là biến chứng nội khoa thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai. Chiếm khoảng 10% tổng số thai kỳ và là 1 trong 3 nguyên nhân quan trọng gây tử vong mẹ trên toàn thế giới. Những thay đổi sinh lý của cơ thể khi mang thai khiến cho người mẹ tăng khả năng phát triển tình trạng tăng huyết áp. Với một số mẹ bầu đã có tăng huyết áp từ trước khi mang thai, thai kỳ có thể khiến tình trạng này nặng thêm. Phụ nữ mang thai được chẩn đoán có tăng huyết khi huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90mmHg.

    Tăng huyết áp gây nên nhiều ảnh hưởng xấu đến mẹ và thai nhi

    Với thai nhi, tăng huyết áp trong thai kỳ có thể dẫn đến thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thiểu ối, nhau bong non, sinh non, suy thai...Huyết áp cao là một trong những yếu tố làm suy giảm lưu lượng máu đến nhau thai, dẫn đến thai nhi không thể nhận đủ chất dinh dưỡng và oxy cần thiết để phát triển.

    Với sản phụ, tăng huyết áp thai kỳ có thể diễn tiến đến tiền sản giật, sản giật, phù phổi, gây suy đa cơ quan và ảnh hưởng đến tính mạng của sản phụ. Huyết áp cao cũng làm tăng nguy cơ bệnh tim, bệnh thận và đột quị ở thai phụ.

    Mục tiêu của việc điều trị tăng huyết áp trong thai kỳ là cân bằng huyết áp để sản phụ không bị tai biến và thai nhi không bị suy giảm tuần hoàn nhau thai. Các can thiệp được áp dụng khi tình trạng tăng huyết áp gây nên các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ. Tình trạng huyết áp tăng có thể được ổn định bằng thuốc chống tăng huyết áp. Tuy nhiên, chỉ khi hoàn toàn kết thúc thai kỳ thì tình trạng tăng huyết áp mới có khả năng hồi phục trở về bình thường.

    Phụ nữ có các yếu tố sau đây sẽ tăng nguy cơ bị tiền sản giật:

    • Mang thai lần đầu
    • Mang đa thai.
    • Thụ tinh ống nghiệm (IVF)
    • Tuổi mẹ >35
    • Có tiền sản giật ở thai kỳ trước.
    • Có bệnh lý: tăng huyết áp mạn, bệnh thận, đái tháo đường, bệnh tự miễn như Lupus, hội chứng kháng Phospholipid.
    • Béo phì, BMI>30.
    • Tiền sử gia đình có mẹ hoặc chị em gái bị tiền sản giật.

    Mẹ bầu bị tiền sản giật có những dấu hiệu và triệu chứng gì?

    Thai phụ tiền sản giật có thể xuất hiện các triệu chứng sau:

    • Phù mặt hoặc tay.
    • Buồn nôn và nôn ở nửa cuối thai kỳ.
    • Tăng cân đột ngột.

    Khi có dấu hiện nặng, có thể có:

    • Đau bụng, đau đầu dữ dội
      Hình minh họa - nguồn internet
    • Nhìn mờ hoặc nhìn thấy đốm đen.
    • Huyết áp tâm thu ≥160mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥110mmHg.
    • Khó thở.
    • Chức năng gan, thận bất thường.
    • Số lượng tiểu cầu trong máu thấp.

    Tuy nhiên, tiền sản giật có thể phát triển âm thầm mà bạn không hề hay biết. Do đó, việc khám thai rất quan trọng cho dù bạn cảm thấy bình thường. Theo dõi huyết áp là phương pháp đơn giản để có thể phát hiện bệnh sớm và can thiệp kịp thời.

    Tôi được theo dõi huyết áp như thế nào khi mang thai?

    Bạn sẽ được bác sĩ hướng dẫn lịch trình khám thai, huyết áp sẽ được kiểm tra ở mỗi lần khám. Trong một số trường hợp, bạn có thể cần được hướng dẫn tự theo dõi huyết áp tại nhà. Siêu âm được thực hiện cùng lúc để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Nếu nghi ngờ có vấn đề về tăng trưởng, bạn có thể cần làm thêm một số xét nghiệm khác để đánh giá sức khỏe thai.

    Nếu phát hiện tăng huyết áp trong quá trình khám thai, thai phụ sẽ được điều trị để đảm bảo rằng huyết áp ổn định và không tăng quá cao, đồng thời, bác sĩ sẽ yêu cầu khám thai thường xuyên hơn để kịp thời phát hiện các dấu hiệu của tiền sản giật.

    Tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật có ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi sau này?

    Tăng huyết áp thai kỳ thường biến mất sau sinh, tuy nhiên, nó có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp mạn tính trong tương lai. Để ngăn ngừa điều này, bạn có thể áp dụng các biện pháp như giảm cân, tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh.

    Phụ nữ bị tiền sản giật cũng tăng nguy cơ mắc bệnh thận, bệnh tim, đột quị trong tương lai và nguy cơ tiền sản giật ở thai kỳ tiếp theo.

     

    Tài liệu tham khảo:

    1. https://www.acog.org/womens-health/faqs/preeclampsia-and-high-blood-pressure-during-pregnancy

    ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

    Connect with Tu Du Hospital