ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
P. Công tác xã hội
Bệnh lý truyền nhiễm trong thai kỳ có thể gây ra nhiều tác động xấu đến bạn và con bạn. Do đó, dự phòng lây nhiễm có vai trò quan trọng, bảo vệ sức khoẻ của bạn và thai nhi. Rất may, bạn có thể tăng khả năng sinh con khoẻ mạnh bằng cách áp dụng một số biện pháp dự phòng sau đây để bảo vệ bản thân và thai nhi tránh các bệnh lý truyền nhiễm.
1. Giữ vệ sinh:
Rửa tay thường xuyên có thể giúp bạn loại bỏ nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm một số vi khuẩn có hại trong môi trường xung quanh. Bạn nên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch rửa tay nhanh, đặc biệt là trước hoặc sau một số hoạt động như sử dụng nhà vệ sinh, hắt hơi, ăn hoặc nấu ăn.
2. Nấu chín các món ăn từ thịt:
Thịt là thành phần chứa đạm không thể thiếu trong dinh dưỡng của mẹ bầu. Tuy nhiên nếu ăn không đúng cách, đó sẽ là một nguy cơ lớn với thai kỳ. Khuyến cáo dành cho mẹ bầu là tất cả các loại thịt đều phải được nấu chín trước khi ăn.
Khi ăn thịt sống hoặc chưa nấu chín kĩ, bạn có nguy cơ nhiễm một số vi khuẩn và ký sinh trùng như Toxoplasma, E. coli, Listeria và Salmonella. Nhiễm các vi sinh vật này có thể khiến em bé của bạn tổn thương thần kinh, bao gồm khuyết tật trí tuệ, mù lòa và động kinh cùng với nguy cơ xấu cho thai kỳ như sảy thai, sinh non, thai lưu ... Ngoài ra, các loại thịt đóng hộp, chế biến sẵn, qua quá trình bảo quản có thể không còn sạch khuẩn. Do đó, các mẹ bầu cũng cần hạn chế ăn.
3. Mẹ bầu nên lựa chọn các sản phẩm sữa đã qua xử lý (thanh trùng hoặc tiệt trùng)
Hầu hếu sản phẩm từ sữa được tiệt trùng đều an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên khi chưa tiệt trùng, sữa có thể chứa vi khuẩn Salmonella, E. coli, Campylobacter, đặt biệt là Listeria. Nhiễm phải vi khuẩn này có khả năng dẫn đến sinh non, sảy thai, thai lưu hoặc các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng (theo CDC). Thanh trùng là cách hiệu quả nhất để tiêu diệt bất kỳ vi khuẩn có hại nào mà không làm thay đổi giá trị dinh dưỡng của sản phẩm.
4. Xét nghiệm tìm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) ở những tuần cuối thai kỳ:
Theo thống kê, cứ 4 phụ nữ thì có 1 người mang loại vi khuẩn này, nhưng hầu hết họ không có bất kỳ triệu chứng gì. Tuy nhiên, đây là vi khuẩn thường gặp nhất gây nhiễm trùng cho trẻ sơ sinh. Do đó, rất quan trọng khi biết liệu bạn có nhiễm GBS hay không. Xét nghiệm này được thực hiện dễ dàng ở gần cuối thai kỳ. Nếu bạn bị nhiễm GBS, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về cách bảo vệ em bé trong quá trình chuyển dạ.
5. Tiêm ngừa:
Một số loại vắc-xin được khuyên dùng trước khi mang thai, trong khi mang thai hoặc ngay sau sinh. Tiêm phòng đúng cách vào đúng thời điểm có thể giúp bạn phòng ngừa được một số bệnh truyền nhiễm thường gặp. Ngoài ra, tiêm vắc-xin có thể giúp em bé của bạn không bị ốm hoặc không bị triệu chứng nặng nếu bị ốm. Ví dụ, vắc-xin cúm sử dụng trong thai kỳ đặc biệt quan trọng với sức khoẻ của bạn và con bạn trong những tháng đầu đời, các vắc-xin như viêm gan B, thuỷ đậu, rubella... nên tiêm trước khi mang thai.
6. Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI):
Một số phụ nữ bị nhiễm các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục nhưng không cảm thấy bị bệnh hoặc không có biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Điều quan trọng là phải biết liệu bạn có bị STI khi mang thai hay không vì điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến bạn và thai nhi.
Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn nếu bạn có bệnh STI trong thai kỳ. Một số bệnh STI có thể điều trị được trong lúc mang thai.
Hãy đảm bảo rằng bạn đang sử dụng các phương pháp tình dục an toàn để ngăn ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục.
7. Tránh tiếp xúc với những bệnh nhân đang bị bệnh truyền nhiễm:
Những bệnh nhân bị thuỷ đậu hoặc rubella có khả năng cao lây cho người tiếp xúc, đặc biệt khi mẹ bầu chưa có miễn dịch với bệnh này. Nhiễm thuỷ đậu hoặc rubella có thể gây ra các biến chứng của thai kỳ và dị tật bẩm sinh. Mẹ bầu hãy tránh xa bất kỳ ai mắc các bệnh này nếu bản thân bạn chưa bị nhiễm hoặc chưa tiêm các loại vắc-xin trước mang thai.
Trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, hãy đảm bảo tuân thủ các biện pháp an toàn được khuyến cáo: đeo khẩu trang, khử khuẩn, tránh xa đám đông và thực hành giãn cách xã hội.
8. Tránh côn trùng mang mầm bệnh:
Vi-rút Zika có thể truyền qua vết cắn của những con muỗi mang mần bệnh. Mẹ bầu nhiễm vi-rút này có thể liên quan đến dị tật bẩm sinh của thai nhi.
Vết cắn của bọ ve cũng có thể lây lan các bệnh như bệnh Lyme, có thể gây ra các biến chứng khi mang thai nếu không được điều trị.
Do đó, mẹ bầu nên sử dụng các biện pháp tránh côn trùng và tránh đi du lịch đến những vùng có dịch bệnh.
9. Tránh chạm vào hoặc thay phân mèo và tránh tiếp xúc với đất có khả năng bị ô nhiễm:
Hãy nhờ người khác làm việc này thay bạn. Đất ô nhiễm và phân mèo có thể chứa một loại ký sinh trùng gây hại là Toxoplasma.
10. Tránh các loài gặm nhấm hoang dã hoặc vật nuôi:
Một số loài gặm nhấm có thể mang một loại vi-rút có hại gọi là vi-rút viêm màng não tế bào Lympho (LCMV). Hãy loại bỏ các loài gặm nhấm gây hại xung quanh hoặc trong nhà bạn. Nếu bạn có nuôi hamster, hãy nhờ người khác chăm sóc chúng cho đến khi bạn sinh.