Chẳng mấy mẹ bầu muốn chia sẻ về chứng bệnh “khó nói” này, nhưng nó thật sự là nỗi ám ảnh âm thầm nhưng dai dẳng của không ít mẹ bầu, bởi có đến 20-50% phụ nữ trải nghiệm bệnh trĩ khi mang thai ở mức độ nặng hay nhẹ. Và hầu hết họ đều chưa từng mắc chứng này cho đến khi họ mang thai.

     Bệnh trĩ là gì?

    Hình minh họa - nguồn internet

    Bệnh trĩ đơn giản là chứng giãn tĩnh mạch ở trực tràng, khi các tĩnh mạnh bên trong hoặc bên ngoài hậu môn bạn trở nên to và sưng lên. Chúng thường có kích thước từ nhỏ như hạt đậu đến lớn như quả nho, và có thể phát triển bên trong trực tràng hoặc nhô ra qua hậu môn.

    Bệnh trĩ có thể gây ngứa và khó chịu nhẹ - hoặc hết sức đau đớn. Đôi khi chúng thậm chí gây chảy máu trực tràng, đặc biệt là khi bạn đi tiêu.

     Tại sao bệnh trĩ phổ biến hơn khi mang thai?

    -          Khi em bé trong bụng bạn ngày càng phát triển, tử cung lớn dần lên sẽ gây áp lực ngày càng nhiều lên các tĩnh mạch chậu và tĩnh mạch chủ dưới, đặc biệt là tĩnh mạch gần hậu môn và trực tràng, khiến chúng giãn ra hoặc sưng lên.

    -          Nồng độ nội tiết tố progesterone gia tăng trong thai kỳ làm các cơ giãn ra, khiến các thành tĩnh mạch dễ bị phình lên. Đây cũng là nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng táo bón, bởi progesterone làm chậm nhu động ruột. Khi bị táo bón, bạn thường có xu hướng rặn mỗi khi khó đi tiêu, càng rặn thường xuyên có thể gây ra hoặc làm nặng thêm bệnh trĩ.

    -          Khi mang thai, lượng máu trong cơ thể bạn tăng lên, làm tăng thêm gánh nặng lên tĩnh mạch.

    Ngoài ra, những yếu tố sau cũng tác động lên hậu môn làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ ở mẹ bầu:

    -          Tăng cân quá nhiều trong thai kỳ.

    -          Ngồi hoặc đứng một chỗ quá lâu.

    Bệnh trĩ đặc biệt phổ biến trong tam cá nguyệt thứ ba, tức là từ tuần 28 tuổi thai trở đi, khi bạn đã trở nên nặng nề bởi sự phát triển của bé yêu trong bụng. Trong hầu hết trường hợp, nó có thể biến mất hoàn toàn mà không cần điều trị sau khi bạn sinh em bé, khi nồng độ nội tiết tố, lượng máu và áp lực trong ổ bụng bạn giảm về mức bình thường.

     Điều trị trĩ trong thai kỳ

    * Điều trị tại nhà: Có nhiều cách bạn có thể làm tại nhà để giảm bớt và ngăn ngừa trĩ.

    -          Sử dụng giấy mềm để lau nhẹ nhàng khi bạn đi vệ sinh. Bạn có thể  dùng giấy ướt, vòi sen hoặc một miếng vải mềm để cảm thấy thoải mái hơn.

    -          Ngâm nước ấm khoảng 10 phút, vài lần mỗi ngày.

    -          Chườm đá.

    -          Tránh đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu.

    -          Gác chân trên bục thấp khi ngồi làm việc hoặc khi đi vệ sinh để làm giảm áp lực lên khung chậu.

    -          Uống nhiều nước, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ để giúp phân mềm.

    -          Không rặn khi đi vệ sinh hay ngồi quá lâu trong nhà vệ sinh.

    -          Đi tiêu ngay khi bạn cảm thấy cần, đừng giữ quá lâu.

    -          Thực hiện bài tập Kegel để tăng cường cơ bắp vùng chậu.

    -          Tránh khiêng vác hoặc nâng vật nặng.

    -          Ngủ nghiêng để tránh áp lực lên vùng chậu/ hậu môn.

    -          Vận động thường xuyên để tăng lưu thông máu, cải thiện tiêu hóa.

    -          Tránh tăng cân quá nhiều trong thai kỳ.

     

    Hình minh họa - Nguồn internet

     

    * Điều trị bằng thuốc: Trong khi mang thai, hãy hỏi ý kiếni bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả loại bôi trên da. Điều này sẽ đảm bảo phương pháp điều trị không gây nguy hiểm cho em bé của bạn.

    Tùy theo tình trạng của bạn, bác sĩ có thể đề nghị một loại thuốc nhuận tràng hoặc thuốc nhét hậu môn. Hoặc cũng có thể bạn cần các phương pháp điều trị khác theo chỉ định của bác sĩ.

     Một số lưu ý:

    Đừng cố gắng chịu đựng, bởi bệnh trĩ không được điều trị có thể tồi tệ hơn theo thời gian, gây ra các biến chứng khiến đau đớn ngày càng tăng, thậm chí có thể gây thiếu máu nếu bạn bị chảy máu quá nhiều.

    Đừng ngại đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị bệnh trĩ. Trĩ không phải là nguyên nhân duy nhất gây chảy máu gần hậu môn của bạn, nên hãy nói chuyện với bác sĩ ngay nếu bạn phát hiện có máu trong giấy lau hoặc trong phân.

     

    Hoa Phượng tổng hợp từ:

    https://www.babycenter.com/0_hemorrhoids-during-pregnancy_244.bc

    https://www.healthline.com/health/pregnancy/pregnancy-hemorrhoids#takeaway

    Hoa Phượng

    Connect with Tu Du Hospital