ThS. BS. Trần Thị Liên Hương (Dịch)

P. Kế hoạch tổng hợp - BV Từ Dũ

Theo một nghiên cứu được đăng online trên tạp chí Obstetrics & Gynecology ngày 6 tháng 11, phụ nữ có thai trong vòng 12 tháng sau khi được khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP) có nguy cơ sẩy thai cao gấp gần 6 lần so với người có thai sau khoảng thời gian này.

Để đánh giá ảnh hưởng tiềm ẩn của LEEP trên thai kỳ sau đó, Tiến sĩ Shayna N. Conner, một nhà lâm sàng tại Đại học Washington ở St. Louis, Missouri và cộng sự đã thực hiện phân tích dựa trên các dữ liệu y khoa và dữ liệu thu được qua phỏng vấn trên điện thoại từ một nghiên cứu bệnh chứng hồi cứu đa trung tâm trong 10 năm từ 1996 đến 2006.

596 phụ nữ tham gia có khoảng trung vị từ lúc làm LEEP đến lúc có thai là 30,8 tháng (IQR 18,4 – 50,7 tháng); 56 phụ nữ (9,4%) có thai trong vòng 12 tháng và 540 (90,6%) người có thai sau đó 1 năm hoặc hơn. Tỷ lệ chung của sẩy thai tự phát, sinh non dưới 34 tuần và sinh non dưới 37 tuần lần lượt là 6%, 8,7% và 18,1%. Đa số các trường hợp sẩy thai xảy ra dưới 12 tuần (30/35).

Các nhà nghiên cứu nhận thấy có mối liên hệ giữa việc có thai trong vòng 12 tháng sau làm LEEP với tỷ lệ sẩy thai 17,9% so với tỷ lệ sẩy thai 4,6% khi khoảng cách này là 1 năm hoặc hơn (OR hiệu chỉnh 5,6; CI 95% 2,5 – 12,7), trong đó nguy cơ cao nhất là trong 6 tháng đầu tiên (OR 16,8; CI 3,5 – 81,6).

Cụ thể hơn, có mối liên hệ giữa tình trạng sẩy thai từ 12 đến 20 tuần với khoảng trung vị ngắn hơn đáng kể giữa LEEP và thời điểm có thai (20,3 tháng (IQR 11,2 – 40,9 tháng) và 17,9 tháng (IQR 8,9 – 40,9 tháng; p < 0,01)) khi so với không sẩy thai (31,2 tháng; IQR 18,7 – 51,2 tháng; p=0,01). Không có khác biệt có ý nghĩa trong 5 trường hợp sẩy thai trong khoảng 12 đến 19 tuần tuổi thai (p=0,85).

Một điều thú vị là các tác giả không nhận thấy có mối liên hệ giữa việc rút ngắn khoảng thời gian có thai sau LEEP với tăng nguy cơ sinh non trước 37 tuần (26,2% so với 19,1%; OR hiệu chỉnh 1,5; CI 95% 0,7 – 3,1) hoặc trước 34 tuần (16,2% so với 9,7%; OR hiệu chỉnh 1,8; CI 95% 0,7 – 4,5) sau khi đã tính đến tuổi, BMI, tiền căn sẩy thai/sinh non, chủng tộc (trong trường hợp sinh non) và hút thuốc lá.

Các nghiên cứu trước đây đã đưa ra nhiều kết quả về mối liên hệ giữa khoảng thời gian có thai sau làm LEEP và các biến chứng thai kỳ như sinh non nhưng chưa nghiên cứu nào đánh giá mối liên hệ tiềm ẩn với sẩy thai, các tác giả nhấn mạnh.

“Về mặt lý thuyết, việc cắt bỏ một phần cổ tử cung sẽ để lại nhiều nguy cơ biến chứng đối với tương lai sản khoa liên quan đến sự đảm bảo toàn vẹn cổ tử cung. Bên cạnh đó, cổ tử cung cần thời gian phục hồi và tái cấu trúc nên cũng hợp lý nếu cho rằng khoảng thời gian từ lúc làm LEEP đến lúc mang thai là một yếu tố quan trọng xác định nguy cơ xảy ra các biến chứng”.

Các hạn chế của nghiên cứu bao gồm: thiết kế hồi cứu, tỷ lệ sẩy thai tự phát thấp trong dân số nghiên cứu và sai lệch tiềm ẩn do nhớ lại qua các cuộc phỏng vấn trên điện thoại.

“Những kết quả chưa tốt tìm được trong nghiên cứu liên quan đến sinh non và sẩy thai trong khoảng 12 – 19 tuần có thể do thiết kế nghiên cứu chưa đủ mạnh”, tác giả kết luận. Cần những nghiên cứu lớn hơn để xác nhận các kết quả này và lượng giá nguy cơ trong những quần thể khác nhau.

Nguồn:

http://www.medscape.com/viewarticle/814344

 

ThS. BS. Trần Thị Liên Hương

Connect with Tu Du Hospital