1. Que cấy tránh thai là gì?

    Là những ống nhỏ bằng chất dẻo chứa nội tiết progestin, được cấy dưới da, mặt trong của cánh tay không thuận của người phụ nữ, và có tác dụng ngừa thai. Hiệu quả ngừa thai lên đến 99,95% và kéo dài từ 3-5 năm.


    2. Đối tượng nào sử dụng được que cấy:

    Que cấy tránh thai phù hợp với tất cả Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản muốn có biện pháp tránh thai lâu dài và hiệu quả cao. Đặc biệt là các nhóm phụ nữ sau: Phụ nữ không sử dung được thuốc ngừa thai chứa Estrogen, phụ nữ đang cho con bú, người mắc bệnh đái tháo đường hoặc tăng huyết áp, người hay quên uống thuốc hàng ngày.

    3. Thời điểm cấy que cho phụ nữ đang không sinh con và không cho con bú?

     Bạn có thể cấy que ở bất kỳ thời điểm nào nếu chắc chắn không có thai. Nếu cấy que trong 7 ngày đầu của chu kỳ kinh, bạn không cần dùng thêm biện pháp ngừa thai hỗ trợ. Nếu cấy ở thời điểm khác của chu kỳ, bạn cần dùng thêm biện pháp ngừa thai hỗ trợ (như bao cao su) trong vòng 7 ngày đầu sau cấy que.


    4. Que cấy tránh thai có dùng được cho phụ nữ sau sinh (cả sinh thường và mổ) và cho con bú?


     Que cấy tránh thai là biện pháp phù hợp dùng được cho phụ nữ sau sinh (cả sinh thường và mổ) và cho con bú:
    - An toàn, hiệu quả tránh thai cao (99,95%)

    - Chỉ chứa progestin nên dùng được cho cả phụ nữ cho con bú và không cho con bú.

    - Que cấy tránh thai được cấy dưới da ở mặt dưới cánh tay không thuận, không cấy vào tử cung nên không gây tăng nguy cơ viêm nhiễm âm đạo như dụng cụ tử cung.
    - Chỉ 1 lần cấy que cho hiệu quả tránh thai lâu dài tới 3-5 năm.

    5. Sau khi sinh xong, kể cả sinh mổ xong thì khi nào cấy que được?

    Phụ nữ sau sinh có thể cấy que bất cứ lúc nào nếu chắc chắn không có thai.

    Nếu phụ nữ đã có hành kinh, cấy que trong 7 ngày đầu của chu kỳ kinh, bạn không cần dùng thêm biện pháp ngừa thai hỗ trợ. Nếu cấy ở thời điểm khác của chu kỳ, bạn cần dùng thêm biện pháp ngừa thai hỗ trợ (như bao cao su) trong vòng 7 ngày đầu sau cấy que.

    6. Nên thực hiện cấy hoặc rút que cấy ở đâu?

     Que cấy tránh thai nên được cấy ở những nơi uy tín, đã được cấp phép như các bệnh viện Sản phụ khoa lớn, các bệnh viện có khoa sản, khoa kế hoạch hóa gia đình, các trung tâm, phòng khám bác sĩ sản uy tín, và chỉ nên được cấy bởi các chuyên gia y tế có kinh nghiệm. Tránh mua nhầm hàng giả, không chính hãng và thực hiện cấy hoặc rút que ở những nơi không có giấy phép.

     

     


    7. Thủ thuật cấy que được tiến hành thế nào và khi nào?

    Thủ thuật cấy que mất vài phút để thực hiện: Bác sỹ sẽ định vị vị trí cấy, vị trí này thường là mặt trong cánh tay không thuận. Sau đó bác sỹ sẽ gây tê vùng cấy. Sau đó sử dụng một dụng cụ chuyên biệt để luồn que cấy vào ngay dưới da. Thông thường dụng cụ chuyện biệt này sẽ được đóng gói cùng với que cấy, vô khuẩn, thiết kế hiện đại để bác sỹ dễ dàng định vị que cấy ngay dưới da.
    Nếu cấy trong vòng 7 ngày đầu của chu kỳ kinh thì que cấy sẽ có hiệu quả tránh thai ngay lập tức.
    Nếu cấy ngoài thời gian đó nên đảm bảo bạn không có thai trước đó, và cần dùng phương pháp bảo vệ khác trong vòng 7 ngày đầu sau cấy que.
    Còn các trường hợp đặc biệt như vừa mới nạo phá thai, mới sinh con, ...các  chuyên gia sẽ có lời khuyên cụ thể cho từng trường hợp.


    8. Phụ nữ có thể quay lại làm việc ngay sau khi cấy que cấy phải không?

    Cấy que tránh thai chỉ là một thủ thuật rất nhỏ, thực hiện nhanh chóng. Vì thế người phụ nữ có thể làm việc ngay sau khi rời khỏi trung tâm y tế.
    Tuy nhiên nên lưu ý chăm sóc chỗ cấy que như sau:
    Giữ vị trí cấy que khô.
    Nên giữ băng ép bằng gạc vô khuẩn để  giảm thiểu bầm tím.
    Có thể tháo bỏ băng ép sau 24 giờ và miếng băng dính nhỏ che trên vị trí cấy sau 3-5 ngày.

    9. Người sử dụng que cấy tránh thai có bắt buộc đi tái khám không?

    Không bắt buộc, nhưng nên tái khám tùy trường hợp
    Tái khám định kỳ không bắt buộc cho người dùng que cấy

    Tần suất và tính chất của những lần khám định kỳ sau đó nên được điều chỉnh phù hợp với từng phụ nữ, tùy theo đánh giá lâm sàng của bác sỹ.


    10. Que cấy có thể được để lại vĩnh viễn trong cánh tay phụ nữ không?

     Que cấy là phương pháp tránh thai lâu dài, tùy loại que cấy mà có thời hạn sử dụng là 3-5 năm kể từ ngày cấy que. Que cấy không tự phân hủy sinh học và nên được rút ra sau khi hết thời hạn sử dụng.
    Bạn cần ghi nhớ ngày hết hạn của que cấy đã được cấy vào cơ thể để đến cơ sở có chuyên môn để rút que ra.


    11. Rút que có đau không , tôi có cần nghỉ dưỡng không? Sau rút que có đi làm được ngay không?

    Rút que cũng là một thủ thuật đơn giản, được gây tê vùng rút nên khi tiên hành thủ thuật bạn không cảm thấy đau đớn, bạn không cần nghỉ dưỡng và có thể đi làm ngay.
    Sau rút que, bạn sẽ có một vết thương nhỏ tầm 2mm trên bề mặt da, sẽ có một miếng băng ép bằng gạc vô khuẩn để giảm bầm tím, bạn có thể tháo bỏ băng ép này trong vòng 24h.
    Rút que tuy đơn giản nhưng vẫn cần được thực hiện bởi chuyên gia y tế có chứng chỉ Cấy, Rút que.


    12. Tôi muốn rút que trước 3 năm có được không?

    Hoàn toàn được, bạn có thể rút que bất cứ khi nào bạn muốn kể cả trước khi thuốc hết hiệu lực.


    13.Rút que ra thì bao lâu tôi hồi phục khả năng có thai như trước?

    Sau khi rút que bạn sẽ hồi phục khả năng sinh sản như trước nhanh chóng.
    Trong các thử nghiệm lâm sàng, quan sát thấy có thai xảy ra sớm nhất là từ 7 đến 14 ngày sau khi rút que cấy tránh thai .
     Sự rụng trứng được quan sát thấy ở hầu hết phụ nữ trong vòng 3-4 tuần sau khi tháo que cấy.
     Như vậy sau rút que, khả năng có thai trở lại bình thường như trước là rất sớm. Một người phụ nữ nên bắt đầu lại biện pháp tránh thai ngay sau khi loại bỏ que cấy nếu muốn tiếp tục tránh thai.

    14. Tác dụng phụ vô kinh có gây ứ máu kinh và có nguy hiểm cho sức khỏe hay không?

    Trước tiên cần làm rõ vô kinh do sử dụng thuốc tránh thai không phải là máu kinh sẽ đọng lại trong bụng mà do niêm mạc tử cung sẽ không bong tróc và không gây hiện tượng chảy máu. Nên không có tình trạng ứ máu nào cả.
    Theo chuyên gia y tế, việc không ra kinh nguyệt hàng tháng của một phụ nữ khi cấy que tránh thai là chuyện hết sức bình thường và không cần lo lắng.
    Điều này đôi khi tốt cho sức khỏe, vì vô kinh giúp phụ nữ không bị mất máu, làm giảm thiếu máu.


    15. Que cấy tránh thai có gây giảm mật độ xương không?

     Với que cấy chứa Eonogestrel thì đã có nghiên cứu chứng minh Không ảnh hưởng tới mật độ xương.


    16. Bệnh nhân bị u xơ tử cung thì có cấy que được không?

     Việc sử dụng progestin không làm gia tăng khối u xơ tử cung.
    U xơ tử cung không phải là chống chỉ định của que cấy . Như vậy bạn có thể sử dụng que cấy tránh thai.
    Tuy nhiên chống chỉ định của que cấy còn có các yếu tố khác như:
    - Đã biết hoặc nghi ngờ có thai
    - Đang bị rối loạn huyết khối tĩnh mạch.
    - Đã xác định hoặc nghi ngờ bị các bệnh ác tính mẫn cảm với steroid sinh dục.
    - Đang có hoặc tiền sử có khối u gan (lành tính hoặc ác tính).
    - Hiện tại hoặc tiền sử bệnh gan nặng với các thông số chức năng gan chưa trở lại bình thường.
    - Xuất huyết âm đạo không rõ nguyên nhân. 
    - Quá mẫn với hoạt chất hoặc bất kỳ tá dược nào của que cấy.
    Bệnh nhân nên đến cơ sở y tế, chuyên gia y tế sẽ thăm khám và có quyết định có thể sử dụng que cấy hay không.

    Nội dung này do Bệnh viện Từ Dũ thực hiện với sự tài trợ của Gigamed cho mục đích nâng cao ý thức cộng đồng.


     


     

    ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

    Connect with Tu Du Hospital