ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
P. Công tác xã hội
Chảy máu tử cung bất thường tuổi dậy thì là tên mà các bác sĩ sử dụng để mô tả khi có điều gì đó không ổn xảy ra với chu kỳ kinh nguyệt của một cô gái trong độ tuổi dậy thì (từ 10 đến 19 tuổi – theo WHO). Các bác sĩ đôi khi còn gọi là "chảy máu tử cung do rối loạn chức năng". Trong phần lớn trường hợp, chảy máu tử cung bất thường tuổi dậy thì không phải là điều đáng lo ngại.
Chảy máu tử cung bất thường có nghĩa là thời gian hành kinh kéo dài hơn hoặc ra máu nhiều hơn so với bình thường hoặc có thể ngược lại máu kinh ra ít hoặc không hề có kinh. Chảy máu giữa kỳ kinh cũng là dấu hiệu của chảy máu tử cung bất thường.
Chảy máu tử cung bất thường thường không phải là vấn đề lớn nên thông thường các bác sĩ sẽ không can thiệp gì mà chỉ tư vấn tình trạng rối loạn tạm thời này để các bé gái và gia đình yêm tâm theo dõi. Nhưng đôi khi sẽ cần điều trị nếu có một tình trạng bệnh lý gây ra chảy máu tử cung bất thường hoặc chảy máu tử cung bất thường gây ra những vấn đề khác như có tình trạng thiếu máu đi kèm, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của trẻ.
Nguyên nhân gây chảy máu tử cung bất thường tuổi dậy thì?
Hầu hết trường hợp, chảy máu tử cung bất thường tuổi dậy thì xảy ra do sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể.
Đối với các cô gái tuổi teen, một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra xuất huyết tử cung bất thường là do sự thay đổi hormone không theo chu kỳ khi buồng trứng không rụng trứng đều đặn mỗi tháng.
Sự “không rụng trứng” có nhiều khả năng xảy ra nhất sau khi cô gái bắt đầu có kinh nguyệt lần đầu tiên. Đó là do các tín hiệu từ não bộ đến buồng trứng chưa được phát triển đầy đủ trong độ tuổi dậy thì - có thể kéo dài vài năm cho đến khi kinh nguyệt của bé gái trở nên đều đặn.
Một số nguyên nhân khác có thể khiến một bé gái bị chảy máu tử cung bất thường. Một số bệnh (như bệnh tuyến giáp hoặc hội chứng buồng trứng đa nang, béo phì…) có thể gây rối loạn nội tiết tố của cơ thể. Các vấn đề như tập thể dục quá mức, ăn thực phẩm không lành mạnh hoặc quá căng thẳng có thể gây ra sự thay đổi hormone. Một số trường hợp chảy máu tử cung bất thường tuổi dậy thì nặng là do rối loạn chảy máu như bệnh von Willebrand.
Dấu hiệu và triệu chứng của chảy máu tử cung bất thường là gì?
Chỉ có bác sĩ mới có thể biết chắc chắn bạn có chảy máu tử cung bất thường hay không, nhưng có một số dấu hiệu cho thấy chảy máu có thể không bình thường mà bạn có thể tự nhận biết.
- Bạn sử dụng nhiều hơn 1 băng vệ sinh mỗi giờ.
- Thời gian hành kinh mỗi lần kéo dài hơn 10 ngày.
- Khoảng cách giữa hai kỳ kinh của bạn ít hơn 20 ngày.
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ điều nào trong số này, hãy đi khám phụ khoa để được kiểm tra. Chảy máu giữa kỳ kinh hoặc sau khi quan hệ cũng có thể là dấu hiệu của chảy máu tử cung bất thường.
Nếu kinh nguyệt của bạn không xuất hiện trong hơn 3 tháng, hãy hỏi bác sĩ về điều đó. Nếu bạn không hành kinh, niêm mạc tử cung có thể tiếp tục hình thành. Cuối cùng có thể dẫn đến chảy máu bất thường hoặc tăng sinh nội mạc tử cung.
Chẩn đoán chảy máu tử cung bất thường như thế nào?
Bác sĩ sẽ kiểm tra để loại trừ các tình trạng bệnh lý khác trước khi chẩn đoán một bé gái mắc “chảy máu tử cung do rối loạn chức năng”. Ví dụ, các bác sĩ có thể phát hiện chứng rối loạn chảy máu như bệnh von Willebrand ở một bé gái có kinh nguyệt nhiều.
Để chẩn đoán chảy máu tử cung bất thường, bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về chu kỳ kinh nguyệt, ngày bắt đầu kỳ kinh cuối cùng và đặc điểm chảy máu.
Bác sĩ cũng có thể hỏi những câu hỏi dường như không liên quan đến chảy máu - chẳng hạn như về sự thay đổi cân nặng gần đây hoặc liệu bạn đã từng quan hệ tình dục hay chưa - vì các tình trạng như hội chứng buồng trứng đa nang và một số bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây chảy máu bất thường. Nếu không được điều trị, chúng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, như vô sinh (không thể sinh con).
Những cô gái đã quan hệ tình dục và bị trễ kinh cần đi khám bác sĩ. Chậm kinh có thể là dấu hiệu mang thai cũng như dấu hiệu của chảy máu tử cung bất thường. Nếu bạn bị chảy máu nhiều hoặc chảy máu giữa kỳ kinh, đó có thể là do nhiễm trùng hoặc vấn đề khác. Ví dụ, thai ngoài tử cung (khi thai làm tổ ở một nơi nào đó không phải tử cung) có thể gây chảy máu và đe dọa tính mạng.
Bác sĩ sẽ khám sức khỏe và khám vùng chậu. Đôi khi bác sĩ yêu cầu xét nghiệm máu hoặc siêu âm. Xét nghiệm máu cho thấy cô gái có bị thiếu máu hay không.
Chảy máu tử cung bất thường được điều trị như thế nào?
Các bác sĩ điều trị chảy máu tử cung bất thường dựa trên nguyên nhân gây ra nó.
Nếu một cô gái bị chảy máu rất nhiều, bác sĩ có thể xét nghiệm bệnh thiếu máu và kê đơn thuốc sắt hoặc các phương pháp điều trị khác. Một chế độ ăn giàu chất sắt sẽ giúp giảm nguy cơ thiếu máu ở thanh thiếu niên.
Đối với trường hợp chảy máu rất ít hoặc chu kỳ kinh không đều kéo dài, các chuyên gia y tế thường kê đơn thuốc tránh thai. Thuốc tránh thai có chứa hormone có thể giúp cân bằng chu kỳ kinh nguyệt của bạn gái.
Hầu hết các cô gái chỉ cần thời gian để cơ thể tự điều chỉnh hormone. Hầu hết trường hợp, chu kỳ kinh nguyệt của họ trở nên đều đặn một cách tự nhiên sau dậy thì vài năm. Nếu bạn lo lắng rằng kinh nguyệt của mình có thể không bình thường, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn.