ThS BS Lê Võ Minh Hương - Phòng Công tác xã hội

Trước đây, thai bám sẹo mổ lấy thai là một bệnh hiếm gặp nhưng gây nên những hậu quả rất nặng nề cho người phụ nữ, thậm chí là mất khả năng sinh sản trong tương lai. Những năm gần đây, cùng với sự gia tăng tỉ lệ mổ lấy thai, số trường hợp bị thai bám sẹo mổ cũng tăng lên đáng kể. Áp dụng rộng rãi siêu âm ngả âm đạo để đánh giá các thai kỳ sớm đã góp phần giúp chẩn đoán sớm bệnh lý này, nhờ vậy giảm các rủi ro khi điều trị.

Thai bám ở sẹo mổ lấy thai là gì?

Thai bám ở sẹo mổ lấy thai là một tình trạng khi bạn mang thai nhưng vị trí túi thai cấy vào là ở sẹo mổ lấy thai mà không phải là vị trí bình thường trong lòng tử cung.

Bình thường túi thai phát triển trong buồng tử cung. Ở những phụ nữ có vết mổ trên tử cung, cụ thể là sau mổ lấy thai, sẽ có nguy cơ túi thai bám lên vị trí vết mổ. Vị trí này bị xơ sẹo và có nhiều khiếm khuyết so với những vị trí bình thường của buồng tử cung. Do đó, khi túi thai phát triển ở đây, nó có nguy cơ vỡ gây chảy máu ồ ạt và nguy hiểm đến tính mạng của người phụ nữ.

Phụ nữ có tiền căn sinh mổ đều có nguy cơ bị thai bám sẹo mổ lấy thai.

Khi bạn sinh mổ, bác sĩ bắt em bé ra thông qua một vết rạch ngang ở đoạn eo tử cung (ít gặp trên thân tử cung) và sẹo sẽ hình thành tại vị trí này của tử cung. Khi bạn mang thai lần sau, túi thai có nguy cơ cấy vào vị trí vết sẹo này và gây ra nhiều hậu quả nguy hiểm cho người mẹ như tổn thương bàng quang, vỡ tử cung, xuất huyết nội, băng huyết, rối loạn đông máu, thậm chí là tử vong mẹ.

Nguyên nhân gây nên tình trạng thai bám sẹo vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, nguy cơ thai bám sẹo mổ sẽ càng tăng nếu số lần mổ lấy thai càng nhiều. Khoảng 0,15% phụ nữ trải qua 1 lần mổ lấy thai bị thai bám sẹo. Song hành với sự gia tăng của tỉ lệ mổ lấy thai trên toàn thế giới, ngày càng có nhiều trường hợp thai bám ở sẹo mổ lấy thai được chẩn đoán và báo cáo.

Tại bệnh viện Từ Dũ, thai bám ở sẹo mổ lấy thai là một bệnh lý không mới, tuy nhiên tần suất bệnh đã tăng đáng kể trong những năm gần đây do số lượng phụ nữ sinh mổ ngày càng tăng. Bệnh viện Từ Dũ là cơ sở tiếp nhận và điều trị cho phần lớn các bệnh nhân thai bám sẹo mổ ở khu vực phía Nam và con số này tăng lên rõ rệt qua các năm. Năm 2012 có 287 trường hợp điều trị thai bám sẹo mổ cũ ở bệnh viện Từ Dũ, tăng lên 827 trường hợp năm 2014, 949 trường hợp năm 2016, năm 2017 bệnh viện điều trị cho 1358 trường hợp và trong giai đoạn năm 2018 ghi nhận có đến 2295 trường hợp nhập viện vì thai bám sẹo mổ lấy thai.

Thai bám sẹo mổ lấy thai cần được chẩn đoán và điều trị sớm.

Biến chứng nguy hiểm nhất là khi khối thai phát triển ngày càng to lên tại vị trí sẹo mổ, chúng sẽ có nguy cơ vỡ gây xuất huyết vào ổ bụng hoặc xuất huyết âm đạo ồ ạt. Khi chảy máu không được kiểm soát ngay, người mẹ có thể tử vong vì sốc mất máu.

Ngoài ra, khi bánh nhau bám vào sẹo mổ và phát triển nhiều hơn sẽ có thể xâm lấn vào mặt trước tử cung gây tổn thương bàng quang. Việc điều trị sẽ càng khó khăn nếu bánh nhau xâm lấn vào bàng quang càng nhiều.

Vì những biến chứng nguy hiểm này, thai bám sẹo mổ cần được chẩn đoán và điều trị chấm dứt thai kỳ sớm trước khi có biến chứng xảy ra. Tỉ lệ điều trị thành công và bảo tồn được tử cung sẽ cao hơn nếu bạn được chẩn đoán và điều trị sớm.

Triệu chứng sớm của thai bám sẹo mổ đôi khi chỉ là trễ kinh giống như một thai kỳ bình thường. Do đó, để chẩn đoán sớm, bạn cần đi khám để được xác định vị trí thai thông qua các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm. Ngoài ra bạn có thể bị đau bụng, ra huyết âm đạo bất thường. Nếu có chảy máu vào ổ bụng ở giai đoạn trễ, bạn có thể gặp phải các triệu chứng nặng của mất máu như da xanh, niêm nhạt, mạch nhanh, huyết áp tụt, vật vã…

Hiện nay, để điều trị cho bệnh lý thai bám sẹo mổ, bệnh viện Từ Dũ đã áp dụng nhiều phương pháp từ nội khoa cho đến phẫu thuật và được cá nhân hóa cho từng trường hợp. Tuy nhiên, đây là một bệnh lý có nhiều nguy cơ biến chứng, điều trị phức tạp và người bệnh thường mất khá nhiều thời gian theo dõi sau điều trị cho đến khi hồi phục hoàn toàn.

Vậy tôi nên làm gì khi có sẹo mổ lấy thai?

Khi đã có sẹo mổ lấy thai, bạn nên ngừa thai có hiệu quả nếu không có kế hoạch sinh thêm con. Nên triệt sản trong khi mổ lấy thai nếu bạn đã lớn tuổi, đủ con và có vết mổ cũ nhiều lần.

Khi có kế hoạch mang thai, bạn không thể dự phòng được bệnh lý này do không có biện pháp can thiệp nào có thể làm thay đổi vị trí làm tổ của khối thai.

Có một số lời khuyên dành cho bạn như sau:

  • Nên ngừa thai ít nhất 6 tháng sau mổ lấy thai. Tốt nhất, bạn nên để có thai lại sau mổ 24 tháng.

  • Khi trễ kinh hoặc nghi ngờ có thai, bạn nên đến bệnh viện khám ngay để xác nhận vị trí khối thai. Phát hiện bệnh sớm sẽ góp phần giảm các nguy cơ khi điều trị.

  • Khi quyết định thực hiện việc nạo hút thai, uống thuốc phá thai... (do thai ngoài ý muốn hay do thai lưu, thai bệnh lý), nếu thai phụ đã từng có mổ lấy thai, cần được khảo sát cẩn thận về việc thai có bám vào sẹo mổ cũ hay không, tránh nguy cơ bị băng huyết do can thiệp không phù hợp.

  • Nên sinh thường (ngả âm đạo) khi không có chỉ định mổ lấy thai.

 

ThS BS Lê Võ Minh Hương

Connect with Tu Du Hospital