ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
Phòng Công tác xã hội
Ung thư nội mạc tử cung là loại ung thư phụ khoa thường gặp nhất. Ngày nay, với nguy cơ thừa cân và béo phì ngày càng tăng, người phụ nữ càng tăng khả năng mắc phải ung thư nội mạc tử cung. Xuất huyết âm đạo bất thường là triệu chứng sớm và thường gặp của bệnh lý này. Người bệnh có cơ hội điều trị triệt để và giảm thiểu nguy cơ tái phát nếu được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Hình minh họa - nguồn internet
Ung thư nội mạc tử cung là gì?
Nội mạc tử cung là lớp tế bào lót trong lòng tử cung. Chúng chịu sự chi phối của nội tiết tố nữ là Estrogen và Progesterone. Dưới sự tác động của các nội tiết này, sẽ xảy ra hiện tượng tăng sinh và bong tróc những tế bào nội mạc tử cung và gây ra hành kinh mỗi tháng ở người phụ nữ.
Ung thư nội mạc tử cung xảy ra là do sự tăng sinh quá mức của các tế bào nội mạc tử cung. Lớp nội mạc tử cung trở nên dày lên, lan tỏa hoặc khu trú tạo thành những khối u bên trong lòng tử cung. Khi ung thư nội mạc tử cung không được điều trị sớm, các tế bào ác tính sẽ có xu hướng xâm lấn các cơ quan khác xung quanh hoặc di căn theo đường máu và bạch huyết, được gọi là ung thư xâm lấn hoặc ung thư di căn (giai đoạn muộn).
Theo diễn tiến tự nhiên của một tình trạng ung thư nội mạc tử cung, người phụ nữ sẽ trải qua một giai đoạn có tăng sinh trong biểu mô nội mạc tử cung (tiền ung thư) trước khi đi đến giai đoạn ung thư. Ở giai đoạn tăng sinh nội mạc tử cung, lớp nội mạc tử cung cũng trở nên dày hơn và có sự thay đổi trong hình thái các tế bào nhưng chưa phải là ung thư. Chẩn đoán và điều trị sớm trong giai đoạn này có thể ngăn chặn nó tiến triển thành ung thư nội mạc tử cung. Xuất huyết âm đạo bất thường là triệu chứng thường gặp nhất của tăng sinh trong biểu mô nội mạc tử cung. Tuy nhiên cũng có một số ít trường hợp bệnh tiến triển âm thầm không có triệu chứng cho đến khi đã phát triển thành ung thư.
Tăng sinh nội mạc tử cung là gì?
Tăng sinh nội mạc tử cung được biết đến như một tình trạng tổn thương tiền ung thư. Dưới sự kích thích của hormone Estrogen mà không có sự điều hòa của Progesteron, nội mạc tử cung có những thay đổi trong tăng sinh biểu mô tuyến. Biểu mô tuyến nội mạc tử cung thay đổi trong thời gian dài sau một quá trình tiếp xúc lâu dài với Estrogen sẽ khiến chúng có những biến đổi bất thường và có nguy cơ phát triển thành ung thư nội mạc tử cung. Tùy theo mức độ biến đổi trong tế bào nội mạc tử cung, tăng sinh nội mạc tử cung được chia thành 2 nhóm dựa vào sự hiện diện của các tế bào không điển hình ở lớp nội mạc tử cung, phân loại của Tổ chức y tế thế giới (WHO) 2014:
- Nhóm 1: Tăng sinh nội mạc tử cung điển hình.
- Nhóm 2: Tăng sinh nội mạc tử cung không điển hình. Nguy cơ phát triển thành ung thư cao nhất ở nhóm này. Một nghiên cứu cho thấy người bệnh không được điều trị sẽ có nguy cơ ung thư tích lũy sau 4 năm là 8%, tăng lên 12.4% sau 9 năm và 27.5% sau 19 năm.
Để chẩn đoán tăng sinh NMTC cần phải có kết quả xét nghiệm mô học của mô nội mạc tử cung.
Liệu pháp nội tiết với Progestin được ưu tiên áp dụng để điều trị cho những phụ nữ trẻ, chưa đủ con, với mục tiêu khôi phục lại nội mạc tử cung bình thường hoặc làm giảm nguy cơ tiến triển thành ung thư. Người bệnh sẽ được theo dõi mỗi 3-6 tháng để đánh giá hiêu quả điều trị.
Bạn cũng có thể lựa chọn phẫu thuật cắt tử cung nếu đã lớn tuổi, đủ con và không muốn bảo tồn cơ quan sinh sản. Thống kê cho thấy khoảng 43% trường hợp cắt tử cung do tăng sinh nội mạc tử cung không điển hình có kết quả ung thư trên mẫu mô sinh thiết tử cung sau mổ.
Hình minh họa - nguồn internet
Những phụ nữ nào có nguy cơ cao bị ung thư hoặc tăng sinh nội mạc tử cung?
- Tuổi mãn kinh: hầu hết các trường hợp ung thư nội mạc tử cung được chẩn đoán ở phụ nữ đã mãn kinh. Tuy nhiên ung thư có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào trẻ hơn, đặc biệt nếu người phụ nữ có thêm các yếu tố nguy cơ khác dưới đây.
- Nồng độ hormone Estrogen trong máu cao: những phụ nữ có nồng độ Estrogen cao sẽ có nguy cơ ung thư nội mạc tử cung cao hơn bình thường. Hội chứng buồng trứng đa nang hoặc rối loạn phóng noãn tiền mãn kinh khiến cho cơ thể không có đủ lượng hormone Progesteron so với Estrogen, dẫn đến nguy cơ tăng sinh quá mức nội mạc tử cung.
- Béo phì khiến lượng Estrogen tăng cao hơn do được chuyển hóa từ mỡ, do đó họ có nguy cơ cao ung thư nội mạc tử cung.
- Do gen: hội chứng Lynch là một tình trạng di truyền làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng, ung thư vú và một số ung thư khác trong đó có ung thư nội mạc tử cung. Chúng gây ra do đôt biến gen và có tính di truyền trong gia đình.
- Do thuốc: Tamoxifen để điều trị hoặc dự phòng ung thư vú làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Liệu pháp nội tiết thay thế chỉ chứa Estrogen đơn thuần để điều trị các triệu chứng tiền mãn kinh sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung.
- Chế độ ăn nhiều mỡ động vật và thịt đỏ cũng làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
- Các yếu tố nguy cơ khác như: có kinh sớm trước 12 tuổi, mãn kinh trễ, vô sinh hoặc không sinh con.
Hầu hết ung thư nội mạc tử cung không thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, bạn có thể giảm bớt nguy cơ mắc ung thư này bằng cách thay đổi các thói quen, ăn uống lành mạnh, tập luyện và duy trì mức cân nặng chuẩn. Ngoài ra, những phụ nữ sử dụng thuốc ngừa thai hằng ngày sẽ giảm một nửa nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
Triệu chứng của ung thư nội mạc tử cung là gì?
Hầu hết phụ nữ ung thư nội mạc tử cung có triệu chứng từ rất sớm. Thường gặp nhất là xuất huyết tử cung bất thường, biểu hiện bởi ra huyết âm đạo kéo dài, ra huyết giữa chu kỳ kinh, hành kinh không đều hoặc ra huyết âm đạo sau mãn kinh. Một số triệu chứng muộn hơn bao gồm đau vùng chậu, chướng bụng, đầy bụng, thay đổi thói quen đi tiêu tiểu, sụt cân nhanh.
Làm thế nào để chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung?
Đối với những phụ nữ có các triệu chứng bất thường kể trên, đầu tiên bạn sẽ được kiểm tra bằng siêu âm vùng chậu qua ngả âm đạo. Siêu âm có thể gợi ý thêm những dấu hiệu như nội mạc tử cung dày khu trú hoặc lan tỏa. Tuy nhiên, siêu âm không phải là phương tiện để chẩn đoán. Bạn cần được lấy mẫu mô nội mạc tử cung để làm giải phẫu bệnh. Kết quả giải phẫu bệnh giúp xác định tình trạng ung thư nội mạc tử cung hoặc các bất thường tăng sinh nội mạc tử cung. Mẫu mô nội mạc tử cung được lấy thông qua một thủ thuật hút và nạo sinh thiết lòng tử cung. Người bệnh có thể thực hiện thủ thuật tại phòng khám hoặc sau khi nhập viện.
Sau khi kết quả sinh thiết đã khẳng định chẩn đoán, một xét nghiệm hình ảnh như MRI có thể được chỉ định để kiểm tra khả năng xâm lấn hoặc di căn của ung thư.
Hiện nay, không có xét nghiệm sàng lọc để phát hiện ung thư nội mạc tử cung ở những phụ nữ không có triệu chứng.
Điều trị ung thư nội mạc tử cung:
Phẫu thuật là điều trị tiêu chuẩn của ung thư nội mạc tử cung, nhất là ở những trường hợp chưa có di căn, qua đó tử cung và cổ tử cung sẽ được cắt bỏ hoàn toàn. Tùy vào độ tuổi của người bệnh để quyết định có cắt bỏ buồng trứng hay không. Mẫu mô hạch bạch huyết vùng chậu hoặc các mô cơ quan khác bị nghi ngờ di căn cũng được thu thập để giúp xác định giai đoạn của ung thư.
Sau phẫu thuật, các mẫu mô sẽ được gửi xét nghiệm giải phẫu bệnh và xác định giai đoạn của ung thư. Phân loại giai đoạn ung thư rất cần thiết để quyết định liệu người bệnh có cần được chỉ định thêm các liệu pháp điều trị bổ sung khác như hóa trị, xạ trị hoặc liệu pháp hormone, miễn dịch.
Ung thư nội mạc tử cung được phân giai đoạn bệnh từ I đến IV, với giai đoạn IV là ung thư giai đoạn muộn nhất. Hiệu quả và kết cục điều trị phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn ung thư. Người bệnh điều trị ung thư ở giai đoạn sớm (ung thư tại chỗ) sẽ có kết cục tốt hơn rất nhiều so với các ung thư giai đoạn muộn (ung thư xâm lấn hoặc di căn).
Liệu pháp hormone trong điều trị ung thư nội mạc tử cung:
Điều trị ung thư nội mạc tử cung bằng hormone Progestin là một lựa chọn cho người bệnh ung thư nội mạc tử cung giai đoạn sớm nhưng không muốn phẫu thuật cắt bỏ tử cung vì một số lý do như muốn bảo tồn cơ quan sinh sản để mang thai hoặc người bệnh không thể thực hiện phẫu thuật vì một số nguyên nhân y khoa. Đây là một phương pháp điều trị không triệt để, thuốc chỉ có tác dụng làm chậm sự tiến triển của ung thư và hiệu quả điều trị phụ thuộc vào mỗi người bệnh. Lợi ích của phương pháp này là người bệnh có thể tạm thời bảo tồn được tử cung và chức năng sinh sản để có thể lên kế hoạch sinh con trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, nếu đáp ứng với điều trị không tốt, ung thư vẫn có thể tiến đến giai đoạn muộn hơn trong quá trình điều trị. Chỉ định này chỉ nên áp dụng đối với bệnh nhân mong muốn bảo tồn chức năng sinh sản và thỏa mãn các điều kiện sau:
- Ung thư khu trú ở lớp nội mạc tử cung, tiến triển chậm và chưa xâm lấn vào lớp cơ tử cung.
- Không có ung thư ở ngoài tử cung.
- Người bệnh có tổng trạng sức khỏe tốt và có khả năng dung nạp với Progestin đường uống.
- Người bệnh phải hiểu rõ và chấp nhận nguy cơ ung thư có thể diễn tiến đến các giai đoạn muộn hơn trong thời gian điều trị.
Theo dõi sau điều trị ung thư nội mạc tử cung:
Người bệnh cần theo dõi sức khỏe định kỳ sau khi điều trị ung thư nội mạc tử cung. Mục đích là để theo dõi và phát hiện nếu có ung thư tái phát do di căn đến những cơ quan khác. Tuy vậy, nghiên cứu cho thấy với ung thư giai đoạn I, 90% người bệnh không tái phát ung thư sau hơn 5 năm.
Người bệnh được khuyến cáo áp dụng một lối sống lành mạnh sau khi điều trị ung thư. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng béo phì, cao huyết áp và đái tháo đường có thể góp phần gây ra các nguy cơ sức khỏe lâu dài cho phụ nữ mắc ung thư nội mạc tử cung. Một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm thiểu những nguy cơ này.
Tham khảo:
1. https://www.acog.org/womens-health/faqs/endometrial-cancer
2. Green-top Guideline No.67: Management of Endometrial Hyperplasia