U xơ tử cung là những khối u hình thành và phát triển từ lớp cơ tử cung, là bệnh lành tính.
Bệnh u xơ tử cung là bệnh lý phụ khoa hay gặp ở chị em phụ nữ độ tuổi sinh sản. U xơ tử cung không phải là bệnh ác tính gây tổn hại tính mạng, nhưng có thể gây ra các biến chứng và các vấn đề sức khỏe.
Với bệnh nhân u xơ tử cung, ngoài việc tuân thủ nguyên tắc điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ, thì chế độ ăn uống cũng có tác dụng giảm bớt một số triệu chứng và biến chứng của u xơ, làm ảnh hưởng đến kết quả của việc chữa bệnh.
Do vậy, để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh u xơ tử cung ở các chị em, một chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng đóng vai trò rất quan trọng,
Theo Infos nutrition (22/11/2011), một nghiên cứu trên 20.000 phụ nữ Mỹ cho thấy những người tiêu thụ nhiều trái cây và rau quả thì u xơ tử cung ít có khả năng phát triển hơn những người khác. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng: nguy cơ mắc bệnh u xơ tử cung giảm 10% đối với những phụ nữ sử dụng ít nhất 4 phần trái cây và rau quả trong ngày so với những người chỉ ăn một hoặc phần. Tùy theo sự chọn lựa của mỗi người trong nhóm trái cây, nếu mỗi tuần có 3 phần trái cây thuộc họ cam quýt, sẽ giảm 8% nguy cơ. Vitamin A có nguồn gốc động vật cũng có tác dụng tương tự. Đặc biệt, các loại vitamin C, E hoặc B9 cũng có khả năng hạn chế sự xuất hiện của u xơ tử cung. Điều nầy được các nhà nghiên cứu giải thích rằng các chất chống oxy hóa có trong trái cây có thể làm giảm nguy cơ bị u xơ, bằng cách tương tác với hoạt động của các hoocmon steroid như estrogen trong cơ thể, được chứng minh qua danh sách các loại trái cây và rau quả có lợi cho sức khỏe và phòng ngừa u xơ tử cung ở phụ nữ.
Một số thực phẩm có thể giúp phòng ngừa và làm chậm sự phát triển của u xơ tử cung
Chất xơ. Thực phẩm giàu chất xơ trong rau và quả tươi là nhóm thực phẩm có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, dồi dào vitamin và khoáng chất, giàu oxy tự nhiên giúp giảm cân và cân bằng nội tiết tố, đồng thời giúp giữ lượng đường trong máu ổn định. Bên cạnh đó, với hàm lượng calo thấp nên rau xanh và trái cây còn giúp chị em kiểm soát được cân nặng của mình. Các lọai rau củ có màu sắc đỏ, vàng và cam như ớt chuông, bí ngô, cà rốt, củ cải, cà chua, vá màu xanh đậm như tần ô, súp lơ xanh, bồ ngót, bó xôi, cải xoăn, cải thìa, bina, atiso…, các loại thực vật dưới biển như rong biển, rau câu.... rất giàu chất chống oxy hóa có thể giúp bảo khỏi bệnh tật, bao gồm một số bệnh ung thư
Kali giúp chống lại tác dụng của muối để cân bằng huyết áp. Các loại rau quả
giàu kali vào chế độ ăn uống hàng ngày như: trái bơ, chuối, cam quýt, dưa đỏ, khoai tây, cám yến mạch, các loại đậu lăng, đậu đỏ, đậu nành,…
Các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ và cá thu, dầu gan cá,…
Sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua và phô mai. Sữa rất giàu canxi, phốt pho và magnê. Những khoáng chất này có thể giúp ngăn ngừa u xơ và làm chậm sự tăng trưởng của chúng. Sữa tăng cường cũng chứa vitamin D.
Trà xanh. Trà xanh chứa một số chất chống oxy hóa (antioxydants), trong đó có epigallocatechin gallate (EGCG - chất chống oxy hóa hữu hiệu nhất hiện nay), có thể giúp làm chậm sự phát triển của u xơ bằng cách giảm viêm và nồng độ estrogen cao. Trà xanh cũng có thể cải thiện các triệu chứng chảy máu nặng do u xơ do thiếu chất sắt.
Những thực phẩm cần tránh
-Thịt có màu đỏ đậm như thịt heo, thịt bò, thịt cừu… vì có thể làm tăng mức estrogen và có khả năng kích thích khối u xơ phát triển mạnh. Người mắc u xơ tử cung được khuyên là nên ăn các loại thịt trắng như: thịt gà, thịt gia cầm...
- Nội tạng động vật
- Thức uống có caffein, nước ngọt, chocolate, thuốc lá (kể cả hút thuốc thụ động), cà phê…
- Hạn chế thực phẩm chế biến và đóng gói có hàm lượng natri cao.
Hãy thay đổi lối sống hàng ngày bằng cách để bảo vệ bản thân khỏi u xơ.
- Luyện tập thể dục đều đặn với cường độ nhẹ và vừa, có ích rất nhiều trong việc giảm nguy cơ mắc u xơ.
- Kiểm soát cân nặng, giảm cân, đặc biệt là quanh eo. Các Nghiên cứu chỉ ra rằng u xơ dễ phát triển ở phụ nữ thừa cân hoặc béo phì
- Cân bằng huyết áp bị huyết áp cao và nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế.
Minh Tâm
(Theo Nutrition aujourd’hui
& Asia Pacific Journal of Clinical Nutrition)