ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
Băng huyết sau sinh là tình trạng sản phụ bị mất một lượng máu rất lớn sau khi sinh con, có thể dẫn đến sốc mất máu. Tình trạng này có thể xảy ra sau khi sinh qua ngả âm đạo (gọi là "sinh thường") hoặc sau khi phẫu thuật để đưa em bé ra ngoài (gọi là "sinh mổ" hoặc "mổ lấy thai"). Đây là một trong 5 tai biến sản khoa thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong mẹ hàng đầu trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, cứ mỗi 4 phút có một sản phụ tử vong vì băng huyết sau sinh.
Phần lớn băng huyết sau sinh xảy ra sớm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, nhưng cũng có thể xảy ra cho đến 12 tuần sau sinh.
Nguyên nhân gây ra băng huyết sau sinh là gì?
Trong phần lớn trường hợp, băng huyết sau sinh xảy ra do tử cung không co bóp (siết chặt) tốt sau khi sinh.
Các nguyên nhân thường gặp khác gây băng huyết sau sinh là:
- Rách âm đạo, cổ tử cung hoặc vỡ tử cung.
- Các mảnh nhỏ của nhau thai hoặc màng nhau vẫn dính vào tử cung sau khi em bé chào đời.
- Bệnh lý rối loạn đông cầm máu.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị băng huyết sau sinh:
Sản phụ có các yếu tố sau đây sẽ có nguy cơ băng huyết sau sinh cao hơn bình thường:
- Béo phì, Đa sản, Thiếu máu, Bệnh lý của cơ tử cung (như U xơ tử cung to, lạc tuyến trong cơ tử cung), Tiền căn BHSS, tiền căn gia đình (mẹ, chị em gái) bị BHSS , đang sử dụng thuốc (thuốc cắt gò tử cung, thuốc kháng đông…)
- Thai kỳ hỗ trợ sinh sản (IVF)
- Nhau cài răng lược, nhau tiền đạo, vết mỗ cũ.
- Rối loạn tăng huyết áp trong thai kỳ (tiền sản giật, sản giật)
- Nhau bong non
- Thai lưu
- Con to > 4000 gram
- Đa ối
- Nhiễm trùng ối
- Thai già tháng
- Khởi phát chuyển dạ
- Chuyển dạ quá nhanh hoặc chuyển dạ kéo dài.
Các triệu chứng của băng huyết sau sinh là gì?
Triệu chứng chính là chảy máu lượng lớn từ âm đạo. Mất máu trong băng huyết sau sinh có thể ồ ạt hoặc chảy một cách từ từ, kín đáo, máu thường có màu đỏ tươi và chảy ra liên tục. Nếu mất quá nhiều máu, sản phụ có thể cảm thấy mệt, yếu, chóng mặt, choáng váng, vã mồ hôi, tay chân lạnh, da xanh xao. Kiểm tra mạch, huyết áp có thể thấy dấu hiệu đe dọa sốc hoặc sốc mất máu như mạch nhanh, huyết áp tụt.
Có thể thấy dấu hiệu tử cung mềm nhão, co hồi kém, tăng kích thước.
Băng huyết sau sinh được điều trị như thế nào?
Nếu băng huyết xảy ra do tử cung không co bóp tốt sau sinh, các phương pháp điều trị bao gồm:
- Xoa bóp tử cung – Y tá, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ dùng tay ấn xuống bụng dưới của bạn và xoa bóp tử cung. Điều này giúp tử cung co bóp.
- Thuốc giúp tử cung tăng co bóp và làm chậm quá trình chảy máu
- Kiểm tra xem có mảnh nhau thai và màng ối nào mắc kẹt trong tử cung không. Nếu có, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ lấy chúng ra.
- Các biện pháp chèn ép cơ học giúp cầm máu lòng tử cung.
Nếu xuất huyết xảy ra do chấn thương hoặc rách, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ khâu lại các vết rách.
Nếu tình trạng chảy máu rất nghiêm trọng, bạn có thể cần truyền máu và các biện pháp hồi sức tích cực khác nhằm tránh tổn thương đa cơ quan do thiếu máu.
Nếu các phương pháp điều trị này không cầm máu được, bác sĩ có thể thử các phương pháp điều trị xâm lấn hơn như can thiệp vào các mạch máu tử cung. Nếu không có phương pháp điều trị nào hiệu quả, bác sĩ có thể phải cắt bỏ tử cung của bạn.
Cần lưu ý gì ở thai kỳ sau?
Thông thường, băng huyết sau sinh không xảy ra nữa trong những lần mang thai sau. Tuy nhiên, nguy cơ băng huyết của bạn vẫn cao hơn so với những phụ nữ chưa từng bị băng huyết sau sinh trước đây. Hãy đảm bảo rằng bác sĩ hoặc nữ hộ sinh của bạn biết về tình trạng băng huyết sau sinh trước đây của bạn để có thể dự phòng tốt nhất.
Để dự phòng băng huyết sau sinh, sản phụ nên thực hiện khám thai đầy đủ và kiểm soát các yếu tố nguy cơ trước sinh. Bổ sung sắt, acid folic và có chế độ dinh dưỡng hợp lý theo chỉ dẫn của bác sĩ để phòng ngừa thiếu máu.
Mặc dù các yếu tố rủi ro trong thai kỳ vẫn luôn tồn tại, sự tiến bộ vượt bậc của y học cùng với kiến thức chuyên sâu về sản khoa ngày nay đã giúp giảm thiểu đáng kể những nguy hiểm trong quá trình mang thai và sinh nở.