ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

Theo định nghĩa y khoa, tình trạng sẩy thai tái phát hay còn gọi là sẩy thai liên tiếp là khi người mẹ bị sẩy thai tự nhiên từ 2-3 lần trở lên, nghĩa là thai ngừng tiến triển và được tống xuất khỏi buồng tử cung trước 24 tuần hoặc cân nặng của thai dưới 500g.

Khoảng 15-20% thai kỳ có kết cục sẩy thai. Trong khi đó, khoảng 1-2% các cặp đôi gặp phải tình trạng sẩy thai liên tiếp.

Đánh giá nguyên nhân sẩy thai liên tiếp sẽ giúp định hướng can thiệp để giảm nguy cơ sẩy thai ở lần mang thai sau. Việc này nên được thực hiện khi các cặp đôi có từ 2 lần sẩy thai trở lên.

Các nguyên nhân có thể gây nên tình trạng sẩy thai liên tiếp:

1. Bất thường nhiễm sắc thể:

Khoảng 50% trường hợp sẩy thai là do bất thường số lượng nhiễm sắc thể của phôi thai. Loại rối loạn di truyền này thường sảy ra ngẫu nhiên ngay thời điểm thụ thai. Không có điều kiện y tế nào gây ra nó, tuy nhiên nguy cơ xảy ra bất thường này tăng theo tuổi của bố mẹ.

Ngoài ra, bất thường nhiễm sắc thể của bố mẹ có thể di truyền cho thai và gây nên tình trạng sẩy thai liên tiếp. Khảo sát nhiễm sắc thể đồ (Karyotype) cho bố mẹ để phát hiện các bất thường nhiễm sắc thể, kết hợp với tư vấn di truyền có thể giúp các cặp đôi dự phòng được sẩy thai do nguyên nhân bất thường nhiễm sắc thể ở lần mang thai sau.

2. Bất thường cấu trúc tử cung:

Bất thường cấu trúc tử cung người mẹ có thể gây ra các vấn đề trong thai kỳ trong đó có sẩy thai. Bao gồm: dị dạng tử cung bẩm sinh (tử cung có vách ngăn…), dính buồng tử cung, u xơ tử cung, polyp lòng tử cung, lạc tuyến cơ tử cung.

Không phải những bất thường này sẽ luôn luôn gây sẩy thai. Tuy nhiên, nếu bị sẩy thai liên tiếp và có bất thường cấu trúc tử cung, việc điều trị các bất thường này sẽ giúp giảm nguy cơ sẩy thai cho lần mang thai kế tiếp. Phần lớn lựa chọn điều trị cho các bất thường cấu trúc tử cung là can thiệp phẫu thuật, bao gồm mổ nội soi buồng tử cung hoặc nội soi ổ bụng.

3. Rối loạn nội tiết ở người mẹ:

Các rối loạn nội tiết như đái tháo đường không được kiểm soát tốt, suy giáp chưa điều trị hoặc tăng Prolactin máu có thể gây ra sẩy thai liên tiếp.

Thiếu hụt Progesterone – một hormone có vai trò quan trọng giúp ổn định thai ở 3 tháng đầu – cũng có liên quan đến sẩy thai.

4. Hội chứng kháng Phospholipid (APS – AntiPhospholipid Syndrome)

APS là một rối loạn tự miễn đặc biệt, có thể gặp ở 3-5% dân số chung. Tình trạng này có mối liên hệ rõ ràng với các kết cục xấu của thai kỳ trong đó có sẩy thai liên tiếp.

APS hiện diện ở khoảng 15% phụ nữ bị sẩy thai liên tiếp. Tỉ lệ sinh sống ở phụ nữ sẩy thai liên tiếp có APS không được can thiệp bằng thuốc là thấp dưới 10%.

Nếu người phụ nữ sẩy thai liên tiếp có APS, việc điều trị bằng thuốc từ trước và trong khi mang thai sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng thai kỳ thành công ở lần mang thai sau.

5. Nguyên nhân khác:

Một số nguyên nhân cũng được cho là có liên quan với tình trạng sẩy thai liên tiếp như các rối loạn huyết khối di truyền, nhiễm khuẩn, môi trường độc hại (khói thuốc lá, hóa chất, tia xạ, uống nhiều rượu, caffeine)

Một trường hợp sẩy thai liên tiếp có thể do nhiều nguyên nhân phối hợp gây ra. Tuy nhiên, với các xét nghiệm trong điều kiện y học hiện tại, khoảng 50% các cặp đôi sẩy thai liên tiếp vẫn không tìm được nguyên nhân.

 

 

Đánh giá nguyên nhân sẩy thai liên tiếp bằng cách nào?

Các cặp đôi sẩy thai liên tiếp nên đến khám tại bệnh viện chuyên khoa Sản khoa để khảo sát tìm nguyên nhân. Thời điểm sảy thai và các đặc điểm thai kỳ lần trước có vai trò quan trọng gợi ý nguyên nhân. Mẫu phân tích gen của mô thai sẩy lần trước cũng có ích trong đánh giá nguyên nhân sẩy thai.

Sau đó, chuỗi các xét nghiệm chẩn đoán cũng được thực hiện bao gồm công thức máu, nhóm máu, nhiễm sắc thể đồ của bố mẹ, khảo sát cấu trúc tử cung bằng các xét nghiệm hình ảnh học như siêu âm, xét nghiệm tìm các rối loạn nội tiết, hội chứng kháng Phospolipid.

Một số khảo sát có thể được thực hiện thêm như xét nghiệm tìm nhiễm trùng, sinh thiết hoặc phân tích mẫu tinh trùng.

Tùy theo nguyên nhân được tìm thấy, một số can thiệp phù hợp sẽ được thực hiện trước khi mang thai và trong thời gian mang thai để giảm tối đa nguy cơ sảy thai lần nữa.

Làm cách nào dự phòng sảy thai ở lần mang thai kế tiếp?

Trước khi mang thai, người mẹ nên được điều trị ổn định các bệnh lý toàn thân nếu có, đặc biệt là đái tháo đường, suy giáp và tăng Prolactin máu. Điều trị các nhiễm trùng mạn tính như viêm nội mạc tử cung nếu có.

Bổ sung acid folic 400-1000 ug/ngày từ trước mang thai từ 1-3 tháng cho thấy có giảm nguy cơ sảy thai ở những trường hợp không tìm thấy nguyên nhân.

Hạn chế tiếp xúc với môi trường độc hại như khói thuốc lá, hóa chất, tia xạ; kiêng rượu và caffeine.

Giảm cân hoặc tăng cân để đạt mức cân nặng lý tưởng. Tránh tập thể dục cường độ cao thường xuyên.

Tư vấn di truyền trước mang thai rất quan trọng nếu cặp vợ chồng lớn tuổi bị sảy thai liên tiếp hoặc có bất thường trên nhiễm sắc thể đồ hoặc cùng mang gen bệnh lý như Thalassemia. Thụ tinh trong ống nghiệm với xét nghiệm chẩn đoán tiền làm tổ có thể giúp lựa chọn những phôi thai không có bất thường gen hoặc nhiễm sắc thể.

Các bất thường cấu trúc tử cung nên được phẫu thuật để loại bỏ hoặc sửa chữa trước khi mang thai lại.

Sau khi mang thai, các cặp đôi cần tuân thủ theo phác đồ điều trị dự phòng nguyên nhân nếu có. Thai kỳ sau sẩy thai liên tiếp nên được theo dõi tại các bệnh viện chuyên khoa Sản khoa với các chuyên gia về thai kỳ nguy cơ cao.

Tại bệnh viện Từ Dũ, chúng tôi hiểu rằng sẩy thai liên tiếp đã đặt người phụ nữ và gia đình họ vào một mối lo lắng và căng thẳng trầm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy, khoa Chăm sóc trước sinh bệnh viện Từ Dũ luôn hướng tới mục tiêu thấu hiểu và chăm sóc, lấy người bệnh làm trung tâm, cập nhật nhanh nhất các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị nguyên nhân sảy thai liên tiếp, giúp tăng tỉ lệ thai kỳ thành công ở những lần mang thai sau.

Điều may mắn đáng chú ý là tỉ lệ mang thai thành công lần tới rất cao nếu bạn được can thiệp phù hợp. Thậm chí ở những trường hợp không tìm thấy nguyên nhân, ngay cả sau 4-5 lần sẩy thai, vẫn có hơn 50% cơ hội mang thai thành công.

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

Connect with Tu Du Hospital