Ds Thân Thị Mỹ Linh (dịch)
Khoa Dược – BV Từ Dũ
Hướng dẫn công bố trực tuyến ngày 19 tháng 8 năm 2015 của Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) và đăng trên số ra tháng Chín của Obstetrics & Gynecology, xem xét bằng chứng tổng quan về chẩn đoán và kiểm soát buồn nôn/nôn trong thai kỳ.
Hướng dẫn mới này thay thế cho hướng dẫn năm 2004, cập nhật những phương pháp điều trị phổ biến. Sự kết hợp của doxylamin và vitamin B6 đã được đưa vào áp dụng từ năm 1983, nay được khuyến cáo trở lại và đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Theo ACOG, sự kết hợp này nên là thuốc lựa chọn đầu tay.
Đối với ondansetron, mặc dù một số nghiên cứu đã chỉ có nguy cơ dị tật bẩm sinh với việc sử dụng ondansetron sớm, các nghiên cứu khác thì không và nguy cơ chắc chắn cho bào thai là thấp. Như với tất cả các loại thuốc, cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ trong từng trường hợp.
Buồn nôn và nôn trong thai kỳ là một tình trạng phổ biến có ảnh hưởng đến sức khỏe của người cả mẹ và thai nhi. Nó có thể làm giảm chất lượng cuộc sống của mẹ, tăng chi phí chăm sóc sức khỏe và ảnh hưởng tới công việc. Ước tính có khoảng 50% phụ nữ mang thai bị buồn nôn và nôn, 25% chỉ bị buồn nôn và 25% không bị ảnh hưởng. Tình trạng này có khả năng tái phát cho những thai kỳ sau khoảng từ 15,2% đến 81%.
Bởi vì "ốm nghén" là tình trạng phổ biến trong thai kỳ sớm, một số phụ nữ không điều trị do lo ngại về sự an toàn của thuốc. Tuy nhiên nên điều trị buồn nôn/nôn ở giai đoạn sớm của thai kỳ trước khi nó tiến triển phức tạp hơn gây khó khăn trong việc kiểm soát các triệu chứng. Điều trị ở giai đoạn sớm có thể ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng bao gồm phải nhập viện.
Những trường hợp buồn nôn và nôn mửa nhẹ trong thai kỳ có thể được giải quyết nếu thay đổi lối sống và chế độ ăn uống thay đổi. Nhận thức của phụ nữ về mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng buồn nôn/ nôn đóng một vai trò quan trọng ảnh hưởng tới kết quả điều trị. Ngoài ra, buồn nôn/ nôn khi mang thai nên được phân biệt với buồn nôn/ nôn liên quan đến các nguyên nhân khác.
Thời điểm bắt đầu buồn nôn/ nôn rất quan trọng, tất cả các triệu chứng thường xuất hiện trước 9 tuần tuổi thai. Nếu buồn nôn/ nôn xuát hiện lần đầu tiên sau 9 tuần tuổi thai, nên nghĩ đến những nguyên nhân khác.
Các kiến nghị dựa trên bằng chứng khoa học tốt và phù hợp (cấp độ A):
- Bổ sung các vitamin cần thiết cho phụ nữ mang thai trong vòng 3 tháng trước khi thụ thai có thể làm giảm tỷ lệ mắc và mức độ nghiêm trọng của buồn nôn/ nôn trong thai kỳ.
- Ở những bệnh nhân với chứng nôn nghén (hyperemesis gravidarum) có nồng độ hormon kích thích tuyến giáp bị ức chế, không nên bắt đầu điều trị cường giáp mà không có bằng chứng của bệnh tuyến giáp (bướu cổ, kháng thể kháng giáp hoặc cả hai).
Các kiến nghị dựa trên bằng chứng khoa học hạn chế hoặc chưa phù hợp (cấp độ B)
- Điều trị bằng gừng đã cho thấy lợi ích trong việc làm giảm buồn nôn và có thể được coi là phương pháp điều trị không dùng thuốc.
- Điều trị buồn nôn/ nôn hoặc chứng nôn nghén nặng (hyperemesis gravidarum) trong thai kỳ với methylprednisolon có thể có hiệu quả trong trường hợp khó chữa, dai dẳng. Tuy nhiên, mức độ rủi ro của methylprednisolon cho thấy nó nên được sử dụng như là lựa chọn cuối cùng.
Các tác giả thừa nhận rằng nên dựa vào yêu cầu trên từng bệnh nhân, các nguồn lực và các hạn chế để lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu.
Tài liệu tham khảo
1. http://www.medscape.com/viewarticle/849872
2. http://journals.lww.com/greenjournal/Abstract/2015/09000/Practice_Bulletin_Summary_No__153___Nausea_and.42.aspx