Nội dung: Tổng kết Công tác báo cáo theo dõi phản ứng có hại của thuốc (ADR) năm 2013 của 63 tỉnh thành trong cả nước

    1.  THÔNG TIN CHUNG

    Các điểm mới trong công tác giám sát ADR năm 2013:

    - Quyết định số 1088/QĐ-BYT ngày 04 tháng 04 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn hoạt động giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

    - Quyết định số 4858/QĐ-BYT ngày 03 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc thí điểm “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện”. Trong đó, 2 tiêu chí liên quan đến vấn đề an toàn thuốc bao gồm:

    + Mục C9.4: sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.

    + Mục C9.5: thông tin thuốc, theo dõi báo cáo ADR kịp thời, đầy đủ và có chất lượng.

    Tính đến ngày 15/12/2013, tổng số báo cáo ADR Trung tâm DI&ADR Quốc gia đã tiếp nhận và xử lý là 6016 báo cáo (đạt 67,77 báo cáo/1 triệu dân). Trong đó, 5463 báo cáo được gửi từ các cơ sở sở khám chữa bệnh thuộc các tỉnh/ thành phố trong cả nước. So với số lượng báo cáo ADR năm 2012 (3024 báo cáo), số lượng báo cáo ADR đã tăng 80,6%. Có 355 báo cáo của chương trình báo cáo tự nguyện có chủ đích (TSR) gửi từ các cơ sở điều trị HIV/AIDS và 202 báo cáo ADR nghiêm trọng xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam từ các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm (trong đó, 4 báo cáo trùng với báo cáo từ các cơ sở khám, chữa bệnh).

    Tổng số lượng báo cáo ADR nghiêm trọng là 2098 (chiếm 34,87% tổng số báo cáo ghi nhận được trong năm 2013).

    Nhận xét về tình hình gửi báo cáo của các đơn vị y tế ở các tỉnh/ thành phố

    + Tất cả 63 tỉnh, thành phố đã tham gia gửi báo cáo ADR trong năm 2013.

    + Các tỉnh, thành phố gửi nhiều báo cáo nhất được thống kê trong bảng 3. Trong đó, hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có tỷ lệ báo cáo cao nhất. Tuy nhiên, TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh và TP. Cần Thơ là các địa phương có công tác báo cáo ADR hiệu quả nhất với số báo cáo/1 triệu dân tương ứng 263,91 báo cáo/1 triệu dân, 240,40 báo cáo/1 triệu dân và 237,21 báo cáo/1 triệu dân, tỷ lệ này đã cao hơn tỷ lệ tiêu chuẩn của một hệ thống Cảnh giác Dược có hiệu quả của Tổ chức Y tế thê giới (200 báo cáo/1 triệu dân).

     

    Bảng 1: Danh sách 10 tỉnh/thành phố gửi báo cáo ADR nhiều nhất

    STT

    Tỉnh/ Thành phố

    Số báo cáo

    Số báo cáo/ 1 triệu dân

    Tỷ lệ (%)

    1

    TP. HỒ CHÍ MINH

    938

    122,11

    17,2%

    2

    HÀ NỘI

    874

    127,70

    16,0%

    3

    CẦN THƠ

    288

    237,21

    5,3%

    4

    QUẢNG NINH

    283

    240,40

    5,2%

    5

    AN GIANG

    260

    120,72

    4,8%

    6

    ĐÀ NẴNG

    257

    263,91

    4,7%

    7

    ĐỒNG NAI

    205

    75,35

    3,8%

    8

    THANH HÓA

    199

    58,08

    3,6%

    9

    THÁI NGUYÊN

    162

    140,85

    3,0%

    10

    HẢI PHÒNG

    124

    65,12

    2,3%

     

    + Tổng số có 499 cơ sở khám, chữa bệnh đã gửi báo cáo ADR, danh sách các đơn vị gửi nhiều báo cáo nhất được liệt kê trong bảng 6.

    Bảng 2: Danh sách 10 cơ sở khám chữa bệnh gửi báo cáo nhiều nhất

    STT

    Tên bệnh viện

    Tỉnh/ Thành phố

    Số BC theo BV

    Tỷ lệ (%)

    1

    Bệnh viện Bạch Mai

    HÀ NỘI

    426

    7,8%

    2

    Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch

    TP. HỒ CHÍ MINH

    181

    3,3%

    3

    Bệnh viện Hùng Vương

    TP. HỒ CHÍ MINH

    156

    2,9%

    4

    Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng

    ĐÀ NẴNG

    123

    2,3%

    6

    Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương

    HÀ NỘI

    118

    2,2%

    5

    Bệnh viện Da Liễu TP.HCM

    TP. HỒ CHÍ MINH

    114

    2,1%

    7

    Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh

    QUẢNG NINH

    106

    1,9%

    8

    Bệnh viện Từ Dũ

    TP. HỒ CHÍ MINH

    98

    1,8%

    9

    Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Bắc Giang

    BẮC GIANG

    92

    1,7%

    10

    Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ

    CẦN THƠ

    71

    1,3%

     

    Với việc triển khai tích cực công tác theo dõi phản ứng có hại của thuốc, bệnh viện Bạch Mai đã đóng góp được tỷ lệ lớn số lượng báo cáo ADR vào cơ sở dữ liệu phản ứng có hại của thuốc trong năm 2013 (7,8%). Các bệnh viện gửi nhiều báo cáo chủ yếu tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó, còn rất nhiều cơ sở khám, chữa bệnh chưa tham gia thực hiện gửi báo cáo ADR.

    - Về chất lượng báo cáo

    Đa số báo cáo gửi về ghi đầy đủ các thông tin yêu cầu gồm 4 thông tin chính là: thông tin người bệnh, thông tin về phản ứng có hại, thông tin về thuốc nghi ngờ và thông tin về người báo cáo. Tuy nhiên, vẫn còn một số báo cáo thông tin chưa rõ ràng, còn viết tắt và viết khó đọc gây khó khăn trong quá trình xử lý và thẩm định. Một số thông tin thiếu, một số thông tin sơ sài gây khó khăn cho thẩm định báo cáo: diễn biến ADR (sau khi ngừng thuốc, tái sử dụng thuốc (nếu có)), lý do dùng thuốc, liều dùng,…

    1.1. Thông tin về người báo cáo

    Bảng 3: Thông tin về đối tượng gửi báo cáo

    Đối tượng gửi báo cáo

    Số lượng

    Tỷ lệ (%)

    Bác sĩ – Y sĩ

    2338

    42,8%

    Dược sĩ

    1623

    29,7%

    Điều dưỡng - Nữ hộ sinh

    1072

    19,6%

    Khác

    33

    0,6%

    Không có thông tin

    397

    7,3%

    Tổng

    5463

    100,0%

    Đối tượng gửi báo cáo chủ yếu là bác sĩ – y sĩ, chiếm 42,8%, tiếp theo là dược sĩ (29,7%), điều dưỡng và nữ hộ sinh (19,6%).

    1.2.  Thông tin về bệnh nhân trong các báo cáo ADR

    Trong số 5463 báo cáo có 37 báo cáo liên quan đến chất lượng thuốc, trong đó thuốc chưa sử dụng trên bệnh nhân hoặc thông tin bệnh nhân không thu thập được. Vì vậy, thông tin bệnh nhân được thống kê trên 5426 báo cáo.

    1.2.1.  Phân bố tuổi

    Thông tin về tuổi và phân bố tuổi bệnh nhân được thể hiện trong bảng 8.

              Bảng 4: Phân bố tuổi của bệnh nhân trong báo cáo

     

    Độ tuổi

    Tần số

    Tỷ lệ (%)

    ≤ 1 tuổi

    324

    6,0%

    >1 - 12 tuổi

    514

    9,5%

    >12 - 18 tuổi

    230

    4,2%

    >18 - 60 tuổi

    3364

    62,0%

    >60 tuổi

    936

    17,3%

    Không có thông tin

    58

    1,1%

    Tổng

    5426

    100,0%

     ADR thường gặp nhất ở nhóm đối tượng người trưởng thành từ 18-60 tuổi (chiếm 62,0%); tiếp theo là đối tượng người cao tuổi (> 60 tuổi) (17,3%); ADR ở trẻ em từ 1 đến 12 tuổi cũng chiếm một tỷ lệ khá cao (9,5%). ADR ở trẻ dưới 1 tuổi cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể 6,0%.

    2.  THÔNG TIN VỀ THUỐC NGHI NGỜ GÂY ADR

    Trong 5463 báo cáo có 7 báo cáo về mỹ phẩm, thuốc trừ sâu, lá ngón …, do đó tổng số thuốc nghi ngờ được báo cáo được thống kê từ 5456 báo cáo ADR là 6811 thuốc (chiếm tỷ lệ 1,25 thuốc/1 báo cáo).

    2.1.  Tổng hợp phân loại báo cáo ADR theo đường dùng thuốc

    Bảng 5: Tổng hợp báo cáo ADR theo đường dùng thuốc

    STT

    Đường dùng

    Số lượng

    Tỷ lệ % (n=5456)

    1

    Uống

    2606

    47,8%

    2

    Tiêm, truyền tĩnh mạch

    2490

    45,6%

    3

    Tiêm bắp

    661

    12,1%

    4

    Tiêm dưới da

    150

    2,7%

    5

    Test da

    189

    3,5%

    6

    Thuốc đặt

    200

    3,7%

    7

    Ngậm

    26

    0,5%

    8

    Khác

    247

    4,5%

    9

    Không rõ

    242

    4,4%

    Phản ứng có hại xảy ra với hầu hết các đường dùng thuốc. Tuy nhiên, phản ứng có hại xảy ra khi dùng thuốc bằng đường uống và đường tiêm truyền tĩnh mạch chiếm tỷ lệ tương ứng là 47,8% và 45,6%. Phản ứng có hại xảy ra khi dùng thuốc bằng đường tiêm bắp cũng chiếm tỷ lệ cao (12,1%).

    2.2. Tổng hợp phân loại các nhóm thuốc nghi ngờ gây ADR theo đặc điểm giải phẫu

    Bảng 6: Các nhóm thuốc nghi ngờ gây ADR

    Mã phân loại

    Nhóm thuốc

    Tổng

    Tỷ lệ (%) n=5456

    J

    Kháng khuẩn tác dụng toàn thân

    4120

    75,5%

    N

    Hệ thần kinh

    542

    9,9%

    M

    Hệ cơ - xương

    535

    9,8%

    P

    Thuốc kháng kí sinh trùng và côn trùng

    277

    5,1%

    A

    Đường tiêu hóa và chuyển hóa

    323

    5,9%

    B

    Máu và cơ quan tạo máu

    216

    4,0%

    V

    Các thuốc khác

    125

    2,3%

    R

    Hệ hô hấp

    109

    2,0%

    G

    Hệ sinh dục tiết niệu và các hormon sinh dục

    102

    1,9%

    C

    Hệ tim mạch

    138

    2,5%

    L

    Thuốc chống ung thư và điều hoà miễn dịch

    76

    1,4%

    H

    Các chế phẩm hormon dùng đường toàn thân, trừ hormon sinh dục và insulin

    65

    1,2%

    D

    Da liễu

    13

    0,2%

    S

    Cơ quan cảm thụ

    28

    0,5%

    U

    Không rõ

    142

    2,6%

    Nhóm thuốc kháng khuẩn dùng đường toàn thân là nhóm thuốc được báo cáo nhiều nhất (75,5%). Tiếp theo là nhóm thuốc tác dụng trên hệ thần kinh chiếm tỷ lệ là 9,9%, nhóm thuốc tác dụng trên hệ cơ xương chiếm tỷ lệ là 9,8%.

    2.3. Họ dược lý được báo cáo nhiều nhất

    Bảng 7: Các họ dược lý được báo cáo nhiều nhất

     

    Mã phân loại ATC

    Nhóm thuốc

    Tổng

    Tỷ lệ (%) n=5456

    J01D

    Kháng sinh beta-lactam khác (bao gồm cephalosporin thế hệ từ 1 đến 4, carbapenem,…)

    1861

    34,1%

    J04A

    Thuốc điều trị lao

    481

    8,8%

    M01A

    Chống viêm, chống thấp khớp

    444

    8,1%

    J01G

    Kháng sinh nhóm aminoglycosid

    443

    8,1%

    J01C

    Kháng sinh nhóm beta-lactam, họ penicillin

    397

    7,3%

    J01M

    Kháng sinh nhóm quinolon

    314

    5,8%

    P01B

    Thuốc điều trị sốt rét

    273

    5,0%

    N02B

    Thuốc giảm đau và hạ sốt khác

    244

    4,5%

    J01X

    Kháng sinh nhóm khác (bao gồm kháng sinh nhóm glycopeptid, các polymyxin, dẫn chất 5 nitro-imidazol,…)

    181

    3,3%

    U

    Không rõ

    142

    2,6%

    Các kháng sinh nhóm beta-lactam khác (cephalosporin thế hệ từ 1 đến 4, carbapenem…) là nhóm kháng sinh có tỷ lệ báo cáo biến cố bất lợi nhiều nhất (34,1%). Tiếp theo là nhóm thuốc điều trị lao với tỷ lệ là 8,8% và các chống viêm, chống thấp khớp với 8,1%.

    2.4. Thuốc nghi ngờ được báo cáo nhiều nhất

    Các thuốc nghi ngờ được báo cáo nhiều nhất được trình bày trong bảng 8.

     

    STT

    Tên thuốc

    Số lượng

    Tỷ lệ (%) (n=5456)

    1

    cefotaxim

    660

    12,1%

    2

    streptomycin

    363

    6,7%

    3

    diclofenac

    295

    5,4%

    4

    ceftriaxon

    292

    5,4%

    5

    ceftazidim

    233

    4,3%

    6

    paracetamol

    183

    3,4%

    7

    ciprofloxacin

    175

    3,2%

    8

    cefuroxim

    163

    3,0%

    9

    thuốc y học cổ truyền/ dược liệu

    142

    2,6%

    10

    amoxicilin/clavulanic

    137

    2,5%

    Các thuốc nghi ngờ gây phản ứng có hại xuất hiện nhiều nhất trong các báo cáo ADR thuộc 3 nhóm chính: nhóm thuốc kháng sinh nhiều nhất với 6 đại diện là cefotaxim, ceftriaxon, ceftazidim, ciprofloxacin, cefuroxim và amoxicilin/clavulanic; nhóm thuốc điều trị lao (streptomycin) và nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm (paracetamol và diclofenac). Ngoài ra, số lượng báo cáo liên quan đến thuốc y học cổ truyền/ dược liệu cũng chiếm tỷ lệ cao (2,6%). Cefotaxim là thuốc nghi ngờ gây ra ADR được báo cáo nhiều nhất với tỷ lệ là 12,1%.

    2.5.  Tổng hợp phân loại tổ chức cơ thể bị ảnh hưởng và các phản ứng có hại ghi nhận được qua các báo cáo ADR - bảng 9:

     

    STT

    Mã phân loại

    ADR

    Tần suất gặp

    Tỷ lệ (%)

    (n=2201)

    1

     

     

     

    0100

    Rối loạn da và mô dưới da

    (Ngứa, ban đỏ, Hội chứng Stevens-Johnson, Phù Quinck, ban bọng nước, viêm da tróc vảy, ngứa, mề đay, dị ứng da…..)

    1744

    79,24%

    2

    1810

    Rối loạn toàn thân

    (Sốc phản vệ-Phản ứng phản vệ, sốt, rét run, mệt mỏi, khó chịu, khó thở, nóng, phù toàn thân, ,…)

    1671

    75,92%

    3

    0410

    Rối loạn hệ thần kinh trung ương và ngoại biên (đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, co giật, giảm phản xạ, tê tay chân, rối loạn trương lực cơ, Hội chứng ngoại tháp, …)

    694

    31,53%

    4

    0600

    Rối loạn hệ tiêu hóa

    (buồn nôn, ói, đau bụng, khô môi, lở lưỡi, ợ chua, loét niêm mạc, đại tiện ra máu, xuất huyết tiêu hóa, tang tiết nước bọt, ……)

    455

    20,67%

    5

    1100

    Rối loạn hệ hô hấp

    (khó thở, ho, nghẹt mũi, co thắt phế quản, thanh quản, đau rát họng, ngừng thở…)

    252

    11,45%

    6

    1010

    Rối loạn hệ tim mạch

    (rối loạn huyết áp, rối loạn mạch, Hội chứng tái tưới máu, mạch yếu, ….)

    105

    4,77

    7

    0500

    Rối loạn tâm thần

    (kích thích, chán ăn, lo lắng, mất ngủ hoặc ngủ li bì, ảo giác, ác mộng, có ý định tự sát…)

    76

    3,45%

    8

    1820

    Phản ứng tại chỗ

    (Mẩn đỏ tại chỗ tiêm, mề đay tại chỗ, đau dọc cánh tay truyền, xuất huyết dưới da quanh vùng tiêm…)

    51

    2,32%

    9

    0431

    Rối loạn thị giác

    (mắt đỏ, sưng, chảy nước mắt, đau mắt, mờ mắt…)

    39

    1,77%

    10

    1230

    Rối loạn hệ đông máu - chảy máu

    (xuất huyết dưới da, tăng hoặc giảm tiểu cầu)

    9

    0,41%

     

    Ngoài ra còn: Rối loạn hệ gan mật (vàng mắt, tăng men gan, tăng libirubin huyết); Rối loạn nhịp tim (hồi hộp, mạch nhanh, đánh trống ngực, ngưng thở); Rối loạn hệ tiết niệu (phù mặt, ure huyết, sung thận, tiểu tiện không tự chủ); Rối loạn hệ cơ xương (bủn rủn, sung khớp, teo cơ); Rối loạn hệ đông máu, hồng cầu, thính giác, tiền đình, nội tiết, sinh dục, mạch ngoại vi, thị giác….

    2.6.  Các thuốc gây phản ứng có hại được báo cáo nhiều nhất

     

    .Bảng 10: 10 thuốc có ADR được ghi nhận nhiều nhất

    STT

    Thuốc

    ADR

    Tần suất

    Tỷ lệ % (n=2201)

    1

    cefotaxim

    Sốc phản vệ/ phản ứng phản vệ

    117

    5,3%

    2

    primaquin

    Đau đầu

    96

    4,4%

    3

    primaquin

    Hoa mắt, chóng mặt

    87

    4,0%

    4

    primaquin

    Mệt

    83

    3,8%

    5

    ceftriaxon

    Sốc phản vệ/ phản ứng phản vệ

    66

    3,0%

    6

    primaquin

    Nôn

    62

    2,8%

    7

    cefotaxim

    Ban đỏ

    59

    2,7%

    8

    diclofenac

    Phù mắt

    52

    2,4%

    9

    cefotaxim

    Ngứa

    50

    2,3%

    10

    piperaquin phosphat/ dihydroartemisinin

    Đau đầu

    50

    2,3%

    Cặp thuốc – ADR được báo cáo nhiều nhất là cefotaxim – sốc phản vệ/ phản ứng phản vệ (117 trường hợp). Thuốc điều trị sốt rét (primaquin, piperaquin phosphat/ dihydroartemisinin) chủ yếu gây các phản ứng nhẹ như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mệt, nôn cũng được báo cáo với tần suất cao.

    2.7.  Một số thuốc gây phản ứng có hại nghiêm trọng

    Sốc phản vệ/ phản ứng phản vệ là phản ứng có hại nghiêm trọng được ghi nhận nhiều nhất, với tổng số 702 trường hợp. Các thuốc nghi ngờ gây sốc phản vệ nhiều nhất trong các báo cáo ADR gồm: kháng sinh (cefotaxim, ceftriaxon, ceftazidim, cefoperazon/sulbactam, cefalexin,…); thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm (lidocain, paracetamol, diclofenac) và thuốc cản quang có chứa iod (iobitridol, acid iopromid). Do đó, cần lưu ý thận trọng khi sử dụng các thuốc này cho người bệnh. Tại các phòng khám, buồng điều trị và nơi có dùng thuốc phải có sẵn một hộp thuốc chống sốc phản vệ (chi tiết xin xem thông tư số 08/1999-TT-BYT ngày 04/05/1999 của Bộ Y tế: Hướng dẫn phòng và cấp cứu sốc phản vệ).

    Hội chứng Steven Johnson cũng được ghi nhận với 37 trường hợp, trong đó chủ yếu liên quan tới carbamazepin và allopurinol.

    Phần lớn các trường hợp được báo cáo là hồi phục không có di chứng, chiếm tỷ lệ 59,7%. ADR nghiêm trọng liên quan đến tử vong (nhóm C và D) được báo cáo trên 25 bệnh nhân, chiếm 1,1%. Phản ứng có hại của thuốc để lại di chứng trên bệnh nhân chiếm tỷ lệ 1,1%.

    3.  XỬ LÝ CÁC TÌNH HUỐNG KHẨN LIÊN QUAN ĐẾN AN TOÀN THUỐC

    Trong năm 2013, Trung tâm DI&ADR Quốc gia đã thực hiện 94 trường hợp phản hồi khẩn. Trong đó, 65 trường hợp là báo cáo ADR khẩn phản hồi cho cán bộ y tế và đơn vị gửi báo cáo ADR và 29 trường hợp công văn khẩn thông báo cho cơ quan quản lý của Bộ Y tế.

    3.1. Các trường hợp báo cáo khẩn từ cá nhân/đơn vị gửi báo cáo

    Các báo cáo ADR được phân loại là báo cáo khẩn bao gồm:

    + Báo cáo ADR có hậu quả tử vong nghi ngờ liên quan đến thuốc.

    + Chuỗi báo cáo về ADR không thể dự đoán được dựa vào tác dụng dược lý đã biết của thuốc, xảy ra liên tiếp trong khoảng thời gian ngắn. Trong đó:

    - Có ít nhất 3 báo cáo ADR nghiêm trọng của cùng một biệt dược thuộc các lô thuốc khác nhau;

    - Có ít nhất 2 báo cáo ADR nghiêm trọng của cùng một biệt dược thuộc cùng một lô thuốc;

    - Có ít nhất 3 báo cáo ADR của cùng một biệt dược thuộc cùng một lô thuốc, trong đó có 1 báo cáo nghiêm trọng.

    Tính đến ngày 15/12/2013, Trung tâm DI&ADR Quốc gia đã xử lý, thẩm định và phản hồi 65 trường hợp khẩn (tương ứng với 205 báo cáo ADR). (Bảng 30)

    Các trường hợp báo cáo khẩn chủ yếu liên quan đến sốc phản vệ gây đe dọa tính mạng cho người bệnh. Trong đó, có 38 trường hợp tử vong, với 23 trường hợp được gửi từ các cơ sở khám chữa bệnh và 15 trường hợp gửi từ các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm. Năm 2013 cũng đã ghi nhận được 36 trường hợp chuỗi báo cáo, trong đó phản ứng có hại xảy ra với cùng một sản phẩm hoặc với thuốc hoặc cùng lô thuốc trong 1 thời gian ngắn.

    3.2. Các trường hợp cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý của Bộ Y tế

    Song song với công tác phản hồi khẩn cho cá nhân, đơn vị gửi báo cáo ADR, Trung tâm DI&ADR Quốc gia cũng cập nhật các thông tin về an toàn thuốc gửi cơ quan quản lý của Bộ Y tế. Tính đến hết ngày 15/12/2013, tổng số công văn đã gửi là 29 công văn. (Bảng 31)

    Bảng 11: Các trường hợp công văn khẩn gửi cơ quan quản lý của Bộ Y tế

    STT

    Nội dung công văn

    Ngày

    thực hiện

    1

    Cung cấp thông tin chỉ định, liều dùng, cách dùng của các thuốc chứa thành phần arginin không phải dạng muối HCl và các thuốc phối hợp arginin HCl với các vitamin

    17/12/2012

    2

    Chuỗi báo cáo phản ứng có hại liên quan đến thuốc Relab 20% (albumin)

    14/01/2013

    3

    Thông báo của Cơ quan quản lý Dược phẩm Pháp về các thuốc điều trị sung huyết, ngạt mũi có chứa thuốc co mạch

    22/01/2013

    4

    Cung cấp thông tin về thuốc chứa dabigatran etexilat

    30/01/2013

    5

    Cung cấp thông tin về thuốc chứa cyproteron acetat

    01/02/2013

    6

    Cung cấp thông tin về thuốc chứa metoclopramid

    11/03/2013

    7

    Thông tin về độ an toàn của domperidon

    25/03/2013

    8

    Thông tin về thuốc chứa cilostazol

    02/04/2013

    9

    Thông tin về chỉ định của glucosamin

    12/04/2013

    10

    Thông tin về chỉ định của misoprostol

    26/04/2013

    11

    Cung cấp thông tin về thuốc chứa strontium ranelat

    13/05/2013

    12

    Cung cấp thông tin về thuốc chứa cyproteron acetat

    05/06/2013

    13

    Độ an toàn của dịch truyền chứa hydroxyethyl starch (HES)

    08/07/2013

    14

    Độ an toàn của các chế phẩm sắt đường tĩnh mạch

    08/07/2013

    15

    Các thuốc có chứa dẫn chất của ergot

    08/07/2013

    16

    Nguy cơ suy hô hấp do sử dụng codein ở trẻ em

    08/07/2013

    17

    Cung cấp thông tin về thuốc chứa diclofenac

    08/07/2013

    18

    Cập nhật thông tin về việc giảm liều các thuốc chứa zolpidem

    22/07/2013

    19

    Cung cấp thông tin vê hiệu quả điều trị của thuốc chứa cefetamet pivoxil

    22/07/2013

    20

    Cập nhật thông tin của EMA về độ an toàn của thuôc chứa metoclopramid

    08/08/2013

    21

    Đề xuất bỏ thuốc chứa drospirenon khỏi dự thảo sửa đổi danh mục thuốc không kê đơn

    09/08/2013

    22

    Cung cấp thông tin về phản ứng có hại trên da nghiêm trọng do dùng allopurinol

    23/8/2013

    23

    Cung cấp một số thông tin về hiệu quả, độ an toàn và tình hình sử dụng các chế phẩm chứa lysozym

    13/09/2013

    24

    Cung cấp thông tin về thuốc chứa bifendate và biphenyl dimethyl dicarboxylat

    21/10/2013

    25

    Cập nhật quyết định của EMA về việc giới hạn sử dụng dịch truyền chứa HES

    05/11/2013

    26

    Cung câp thông tin về giới hạn sử dụng salbutamol trong sản khoa

    01/11/2013

    27

    Cung cấp thông tin về phản ứng bất lợi sau khi sử dụng Eprex và các chế phẩm khác có cùng hoạt chất epoetin alfa.

    14/11/2013

    28

    Cung cấp thông tin liên quan đến  khí N2O (Nitrous oxide)

    28/11/2013

    29

    Phản ứng có hại của thuốc cản quang chứa iod

    13/12/2013

     

    4. KẾT LUẬN

    Năm 2013, số báo cáo đã được thẩm định và phản hồi là 2517 báo cáo (chiếm 41,84% tổng số báo cáo ADR). Trong đó, 2488 phản hồi cho cá nhân, đơn vị gửi báo cáo và 29 phản hồi cho cơ quan quản lý của Bộ Y tế. Số báo cáo ADR nghiêm trọng là 2098 báo cáo (chiếm 34,87% tổng số báo cáo ADR), đặc biệt có 38 trường hợp nghiêm trọng dẫn đến hậu quả tử vong. Nhóm kháng sinh betalactam khác (cefotaxim, ceftriaxon, ceftazidim, ciprofloxacin, cefuroxim…), thuốc điều trị lao (streptomycin, isoniazid/ pyrazinamid/ rifampicin,...) và thuốc chống viêm, chống thấp khớp được báo cáo nhiều nhất (tương ứng chiếm 34,1%, 8,8% và 8,1%). Trong đó, thuốc được báo cáo nhiều nhất là cefotaxim (12,1%).

    Chất lượng báo cáo nhìn chung đã cải thiện hơn so với các năm trước, tuy nhiên vẫn tồn tại các báo cáo thiếu nhiều thông tin gây khó khăn cho công tác thẩm định và phát hiện các ADR cần đến các xét nghiệm thăm dò chức năng chuyên biệt như chức năng gan, máu,...

    Để triển khai hiệu quả công tác báo cáo phản ứng có hại của thuốc, Trung tâm DI&ADR Quốc gia kiến nghị:

    - Các cơ quan quản lý của Bộ Y tế, Sở y tế tỉnh/thành phố, Y tế ngành cần tăng cường triển khai các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác giám sát phản ứng có hại của thuốc tới các cơ sở khám, chữa bệnh và các đơn vị trong phạm vi quản lý chuyên môn của mình.

    - Các cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng quy trình báo cáo ADR tại đơn vị, phổ biến các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế liên quan đến công tác giám sát phản ứng có hại của thuốc tới cán bộ y tế trong bệnh viện, khuyến khích và hỗ trợ cán bộ y tế báo cáo ADR.

    - Trung tâm DI&ADR Quốc gia/ Trung tâm khu vực đẩy mạnh công tác thẩm định, phản hồi kịp thời cho cá nhân/đơn vị gửi báo cáo và cung cấp các thông tin chuyên môn cho các cơ quan quản lý của Bộ Y tế để có quyết định phù hợp.

     

    Tài liệu tham khảo:

    1. Tóm lược từ Báo cáo tổng kết công tác Cảnh giác Dược và báo cáo phản ứng có hại của thuốc năm 2013 của Trung tâm DI và ADR Quốc gia.
    2. http://canhgiacduoc.org.vn 
    Ds. Huỳnh Kim Hằng

    Connect with Tu Du Hospital