DS. Huỳnh Thị Hồng Gấm
    P. Dược lâm sàng-Thông tin thuốc - Bệnh viện Từ Dũ

    Thuốc giảm co tử cung được chỉ định làm trì hoãn hoặc làm chậm thời gian sinh để có thời gian cho liệu pháp Corticosteroid có tác dụng đối với phát triển của phổi thai nhi. Chỉ được chỉ định thuốc giảm co tử cung khi cổ tử cung  mở dưới 4 cm.
    I. Các loại thuốc giảm co tử cung thường dùng trong dọa sanh non[2]

    Nifedipin: là lựa chọn đầu tay trong thuốc giảm co tử cung, nếu không rơi vào trường hợp bị chống chỉ định.
    Chống chỉ định:
    -  Xuất huyết trước sanh, tiền sản giật, nhiễm trùng ối và suy thai 
    -  Bệnh tim mạch bao gồm suy tim hoặc suy chức năng thất trái
    -  Huyết áp thấp (< 90/50 mmHg)
    -  Dùng đồng thời với Betamimetics như Salbutamol
    - Sử dụng thận trọng khi tác dụng “hiệp đồng” với Magnê Sulphat (MgSO4). Trường hợp này không chống chỉ định tuyệt đối, nhưng cần phải theo dõi thận trọng nhất là từ khi huyết áp bắt đầu giảm. 

    Liều  dùng:
    - Liều khởi đầu: 20mg Nifedipin uống (không dùng dạng phóng thích chậm)
    - Sau 30 phút, nếu cơn co tử cung còn tiếp tục, cho thêm liều uống 20mg
    - Sau 30 phút nữa, nếu cơn co vẫn còn, cho thêm 1 liều uống 20mg
    - Nếu huyết áp ổn định, có thể duy trì liều 20mg x 3 lần /ngày trong 48-72 giờ
    Chú ý: Liều tối đa là 120mg/ ngày
     

     Thận trọng:
    - Cần phải theo dõi cân bằng điện giải, urê, creatinin và chức năng gan
    - Cứ mỗi 30 phút kiểm tra mạch, huyết áp và chức năng hô hấp cho đến khi chấm dứt các cơn co tử cung. Trong trường hợp sản phụ tụt huyết áp, can thiệp bằng đường  tiêm tĩnh mạch là lựa chọn đầu tiên
    - Tiếp tục theo dõi tim thai cho đến khi các cơn co tử cung đã lắng
    - Theo dõi chức năng tim phổi cứ mỗi 8  giờ trong vòng 24 giờ trị liệu đầu tiên
    Nifedipin khởi phát tác dụng mạnh trong vòng 30- 60 phút sau khi uống. Nếu Nifedipin thất bại, chỉ được dùng các thuốc giảm co khác (lựa chọn thứ 2) sau liều Nifedipin cuối 2 giờ.
     

     Tác dụng không mong muốn:
    Nóng đỏ bừng mặt, đau đầu, buồn nôn, tim đập nhanh, chóng mặt, tụt huyết áp- xảy ra bất thường ở những người có huyết áp bình thường, suy tim, tăng  các men gan.
     
    Những thuốc giảm co tử cung khác, trong trường hợp trị liệu bằng Nifedipin thất bại:
    1. Salbutamol

    - Salbutamol được coi là lựa chọn thứ 2, nếu không rơi vào trường hợp bị chống chỉ định
    - Không được dùng đồng thời với Nifedipin, do 2 thuốc này có tác dụng “hiệp đồng”
    -  Salbutamol bị chống chỉ định trong:

    • Suy tim mẹ hoặc suy tim thai
    • Tiểu đường phụ thuộc Insulin
    • Bệnh tuyến giáp

    Cần giám sát cẩn thận khi dùng Salbutamol vì có thể gây tim đập nhanh, tụt huyết áp, run (đặc biệt là run  tay), phù phổi, tăng đường huyết và hạ kali máu
     

    Liều dùng:
    - Nếu dùng Salbutamol cho mục đích giảm các cơn co tử cung, 5mg (ống 5 ml Ventolin tiêm truyền trong sản khoa) nên được pha loãng với dung môi đến 100 ml để đạt được dung dịch nồng độ 50mcg/ml
    -  Khi tiêm truyền tĩnh mạch Salbutamol, nên dùng bơm tiêm điện
    - Để truyền tĩnh mạch, Salbutamol được khuyến cáo với tốc độ truyền ban đầu là 12ml/ giờ (10mcg/ phút) và sau đó mỗi 30 phút được tăng lên 4ml/ giờ (3,3mcg/phút) cho đến khi:

    • Ngừng các cơn co tử cung
    • Nhịp tim của mẹ đạt 120 lần /phút
    • Tốc độ truyền đạt tối đa là 36ml/ giờ  (30mcg/phút)

    Thận trọng:
    -  Trước khi truyền, cần phải kiểm tra cân bằng điện giải, urê và creatinin, cần thiết lặp lại nếu có bất thường
    - Kiểm tra mức đường huyết ở thai phụ, lặp lại mỗi 4 giờ nếu có bất thường
    - Theo dõi chức năng tim phổi mỗi 8 giờ
    - Không tiêm tĩnh mạch thêm để tránh tình trạng quá tải
    - Cứ mỗi 30 phút kiểm tra mạch, huyết áp và chức  năng hô hấp cho đến khi thiết lập được liều duy trì
    - Giảm truyền nếu mạch thai phụ đạt mức > 120 lần / phút
    Ngừng truyền và cần can thiệp ngay lập tức nếu thấy đau ngực, khó thở hoặc tần số hô hấp > 30 lần /phút
    - Theo dõi tim thai
    - Trị liệu bằng Salbutamol không được kéo dài hơn 48 giờ. Trong một số trường hợp đặc biệt, được tiếp tục hơn 24 giờ nữa
    Tác dụng không mong muốn:
    Tim đập  nhanh, run (đặc biệt run tay), buồn nôn, chóng mặt, tụt huyết áp, phù phổi và suy tim, hạ kali huyết.

    2. Glyceryl Trinitrat (GTN)
    GTN là một  nitrat hữu cơ, khi vào trong cơ thể được chuyển hóa thành gốc oxyd nitric (NO). NO giúp cho tử cung “yên lặng” trong thai kỳ. Cho đến nay, y học chứng cứ chưa có đủ bằng chứng về việc sử dụng  GTN trong dọa sanh non. Tác dụng mạnh trong vòng 1-2 giờ sau khi can thiệp. Dùng miếng thuốc dán, giải phóng thuốc đều đặn trong 24 giờ.
     

    Liều dùng:
    Dùng miếng thuốc dán chứa 5-10 mg, lặp lại liều sau 1 giờ nếu các cơn co tử cung vẫn còn (liều tối đa là 20mg trong 24 giờ)
     

     Tác dụng không mong muốn:
    Đau đầu, nóng đỏ bừng mặt, tụt huyết áp, tim đập nhanh. 

    3. Indometacin:
    Indometacin ức chế tổng hợp Prostaglandin. Indometacin có thể được xem xét dùng trong ngắn hạn để giảm co trong trường hợp bị chống chỉ định hay thất bại với các thuốc khác. Trên lí thuyết, vẫn còn tranh cãi về nguy cơ gây cao áp phổi cho thai nhi và giảm chức năng thận khi dùng ngắn hạn, còn khi dùng lâu dài thì đã rõ ràng.
     

    Liều dùng:
    Liều khởi đầu: đặt hậu môn 100 mg, sau đó uống 25 mg mỗi 4 giờ trong vòng 48 giờ. Nếu các cơn co tử cung vẫn còn tiếp tục, trong vòng 1-2 giờ sau khi đặt hâu môn liều khởi đầu, có thể thêm 1 liều đặt hậu môn 100mg trước khi dùng đường uống.
     

     Tác dụng không mong muốn:
    - Sử dụng Indometacin lâu dài, đặc biệt ở phụ nữ mang thai có thể dẫn đến thu hẹp hoặc làm tắc ống động mạch của thai nhi, hoặc làm giảm chức năng thận ở thai nhi

    - Chưa có y học chứng cứ về việc tiếp tục dùng Indometacin trong vai trò giảm co tử cung hơn 48 giờ hoặc cho những thai kì trên 34 tuần. Có thể “bỏ qua”các tác dụng không mong muốn của Indometacin nếu trong trường hợp các phác đồ khác không an toàn (ví dụ trong trường hợp không theo dõi sát sao được các tác dụng không mong muốn của các thuốc giảm co khác hay trên đường vận chuyển).
     

     Chống chỉ định: Loét dạ dày 

    II. Lựa chọn  thuốc giảm co tử cung trong dọa sanh non?[4]
    Đối với thai từ 24 đến 32 tuần, ngoài việc dùng Magnê sulphat nhằm mục đích bảo vệ thần kinh cho thai nhi ở những phụ nữ có nguy cơ sinh non, Indometacin được đề nghị là lựa chọn đầu tay cho giảm co tử cung trong dọa sinh non.

    Indometacin chống chỉ định cho những thai phụ bị rối loạn chức năng tiểu cầu, hoặc rối loạn chảy máu, suy gan, viêm loét đường tiêu hóa, suy thận, hoặc hen suyễn (thai phụ quá mẫn cảm với Aspirin). Tránh dùng Indometacin cho thai phụ trên 32 tuần và cần hết sức thận trọng khi dùng hơn 72 giờ vì lo ngại nguy cơ làm tắc ống động mạch cho thai nhi.

    Nifedipin được khuyến cáo là lựa chọn thứ 2 cho những tuổi thai này. Tuy nhiên, tăng nguy cơ các tác dụng  không mong muốn cho mẹ khi dùng đồng thời Magnê sulphat và thuốc chẹn kênh Calci.

    Đối với thai phụ từ 32 đến 34 tuần, Nifedipin được khuyến cáo là lựa  chọn đầu tiên, lựa chọn thứ 2 cho những tuổi thai này là thuốc kích thích thụ thể β2 giao cảm. Nếu tại chỗ có sẵn Atosiban (Tractocile, Antocin- chất đối vận Oxytocin), nên dùng thuốc này.

    III. Y học chứng cứ về lựa chọn  thuốc giảm co tử cung [1,3]                                                                                                                                                               

              Nhóm thuốc

    Hiệu quả

    An toàn cho mẹ và thai nhi

    Thuốc chẹn kênh Calci
    (ví dụ, Nifedipin)

    Thử nghiệm không nhóm chứng. Thử nghiệm so sánh ngẫu nhiên Nifedipin với Ritodrin, Magiê sulphat và Terbutalin. Kết quả phân tích gộp cho thấy: Nifedipin có hiệu quả tương tự như Ritodrin, và có tỉ lệ xảy ra tác dụng không mong muốn thấp hơn

    Mẹ: đỏ bừng, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, hạ huyết áp thoáng qua, tim đập nhanh thoáng qua, đánh trống ngực
     Thai nhi: thiếu oxy do hạ huyết áp ở mẹ

    Kích thích thụ thể β2 giao cảm
    (ví dụ, Salbutamol)

    Thử nghiệm ngẫu nhiên có nhóm chứng.
     Hiệu quả đã được chứng minh trong 1 số bài đánh giá tổng quan

    Mẹ: tim đập nhanh, nhức đầu, đánh trống ngực, vã mồ hôi, run, khó thở, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cục bộ cơ tim, phù phổi, tăng đường huyết, hạ kali máu
    Trẻ sơ sinh: tim đập nhanh, hạ đường huyết

    Chất “cho” NO
     (ví dụ, miếng dán GTN)

    Thử nghiệm ngẫu nhiên có nhóm chứng chứng minh rằng: miếng dán Nitroglycerin làm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong cho trẻ sơ sinh do giảm nguy cơ sinh non trước 28 tuần. Tuy nhiên, thử nghiệm ngẫu nhiên so sánh miếng dán Nitroglycerin và chất kích thích thụ thể β2 giao cảm đã chứng minh rằng: hiệu quả giảm co tử cung ở GTN kém hơn so với chất kích thích thụ thể β2 giao cảm

    Mẹ: nhức đầu, hạ huyết áp
    Trẻ sơ sinh: hạ huyết áp

    Chất ức chế tổng hợp Prostagladin
     (ví dụ, Indometacin)

    Thử nghiệm ngẫu nhiên có nhóm chứng.
    Phân tích gộp đã chứng minh được  hiệu quả và giảm bớt các tác dụng không    mong muốn

    Mẹ: tác dụng không mong muốn trên hệ tiêu hóa, suy giảm chức năng thận, nhức đầu, chóng mặt, trầm cảm
    Thai nhi/ trẻ sơ sinh: có thể làm ống động mạch của bào thai đóng lại sớm, tăng áp    phổi, giảm chức năng thận (thiểu ối)

    Maginê sulphat

    2 bài tổng quan hệ thống đã chứng minh  Magnê sulphat không có hiệu quả trong giảm co tử cung

    Mẹ: đỏ bừng, vã mồ hội, buồn nôn, mất phản xạ sâu của gân, ức chế hô hấp, tim đập chậm, ức chế cơ tim, ức chế thần kinh cơ




















    Tài liệu tham khảo:

    1.  Kam KYR, Lamont RF. Developments in the pharmacotherapeutic management of spontaneous preterm labour. Expert Opin Pharmacother 2008; 9(7): 1153-1168.
    2.  Preterm Labour. Section B. Clinical Guidelines. King Edward Memorial Hospital. Perth Western Australia. 2011.
    3. Simhan HN, Caritis SN. Prevention of preterm delivery. NEJM 2007; 357: 477-487.
    4. UpToDate 19.1

    Connect with Tu Du Hospital