DS. Huỳnh Thị Hồng Gấm
Khoa Dược - BV Từ Dũ
> |
Trong nhiều thập kỷ, estrogen cùng với progesteron được sử dụng trong liệu pháp hóc-môn để điều trị các triệu chứng mãn kinh và phòng ngừa hữu ích ở phụ nữ, hoặc estrogen đơn trị liệu ở phụ nữ sau khi cắt bỏ tử cung. Nhưng sau khi nghiên cứu các báo cáo cho thấy, dùng estrogen dài hạn làm tăng các vấn đề tim mạch và ung thư vú, nhiều bệnh nhân và các nhà nghiên cứu đã nhìn vào phương pháp điều trị thay thế như thực phẩm, sản phẩm có chứa Phytoestrogens.
Phytoestrogens là chiết xuất tự nhiên có nguồn gốc thực vật, chứa trong các thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt, rau lá xanh, đậu và tỏi. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, Phytoestrogens có thể có tác dụng như estrogen, một nội tiết tố có ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản nữ giới.
Cánh cửa khoa học đằng sau Phytoestrogens?
Cho đến nay các nghiên cứu về ảnh hưởng của Phytoestrogens lên sức khỏe đã đạt được những kết quả khác nhau. Dưới đây là một số kết quả nghiên cứu quan trọng:
1. Phytoestrogens và ung thư vú
Một số nghiên cứu cho thấy, phụ nữ ở các nước dùng nhiều Phytoestrogens có thể có nguy cơ ung thư vú thấp hơn. Trong một báo cáo được Cancer Journal for Clinicians xuất bảnnăm 2007(1), các nhà khoa học lưu ý rằng, dùng Phytoestrogens thời thơ ấu hay ở tuổi vị thành niên sớm có thể giúp bảo vệ cơ thể chống lại tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú trong tương lai. Tuy nhiên, các tác giả của bài báo cáo này đã tìm được rất ít dữ liệu nghiên cứu trên con người về vai trò của Phytoestrogens trong việc ngăn ngừa tái phát ung thư vú.
2. Phytoestrogens và liệu pháp hóc-môn
Một số phụ nữ dùng Phytoestrogens như là liệu pháp hóc-môn, một phương pháp điều trị để giảm các triệu chứng thời kỳ mãn kinh, giảm nguy cơ loãng xương và bệnh tim mạch(2). Trong nghiên cứu được Archives of Internal Medicine xuất bản năm 2001 đã tổng quan lại, các nhà điều tra đã phân tích 74 nghiên cứu về Phytoestrogens và kết luận rằng, không có đủ bằng chứng để khuyến cáo sử dụng Phytoestrogens trong liệu pháp hóc-môn truyền thống. Tuy nhiên, các tác giả của báo cáo này đã lưu ý rằng, bằng chứng về các tiềm năng lợi ích cho sức khỏe của Phytoestrogens đang gia tăng.
3. Phytoestrogens và thời kỳ mãn kinh
Cơ sở dữ liệu Cochrane có bài tổng quan hệ thống các nghiên cứu tác động của Phytoestrogens lên các triệu chứng vận mạch của thời kỳ mãn kinh(4). Các tác giả tổng quan các thử nghiệm ngẫu nhiên ở phụ nữ tiền mãn kinh hoặc hậu mãn kinh với các triệu chứng vận mạch, các thử nghiệm ít nhất trong 12 tuần, thử nghiệm can thiệp là thực phẩm bổ sung có mức độ cao Phytoestrogens bao gồm chế độ ăn uống gồm cả đậu nành, chất chiết xuất từ đậu nành, chất chiết xuất từ cỏ ba lá đỏ và các loại khác của Phytoestrogens. Trong số 30 thử nghiệm so sánh Phytoestrogens, không có khác biệt đáng kể trong tần số tổng thể của cơn nóng bừng khi so sánh Promensil (chiết xuất từ cỏ ba lá đỏ) so với giả dược khi so sánh 5 nghiên cứu và cũng không có sự khác biệt đáng kể trong việc giảm % cơn nóng bừng trong 2 thử nghiệm Promensil và giả dược. Trong số các nghiên cứu còn lại, một số ít tìm thấy sự giảm nhẹ tần số và mức độ nóng bừng, đổ mồ hôi ban đêm so với giả dược, nhưng phần lớn những nghiên cứu này chưa đủ mạnh và có chất lượng thấp. Ngoài ra, có hiệu ứng giả dược mạnh mẽ trong nhiều nghiên cứu. Nhìn chung, đã không tìm thấy được bằng chứng hỗ trợ hiệu quả của phương pháp trị liệu Phytoestrogens trong điều trị các triệu chứng vận mạch thời kỳ mãn kinh.
Các nhà nghiên cứu xem xét việc sử dụng các hạt lanh, là một Phytoestrogen, trong việc chế ngự các cơn nóng bừng. Một nghiên cứu thí điểm tại Bệnh viện Mayo ghi nhận, đã cho 30 phụ nữ dùng 40 grams hạt lanh nghiền nát hàng ngày trong 6 tuần và theo dõi sự thay đổi cơn nóng bừng theo ghi nhận trong cuốn nhật ký. Tần số giảm cơn nóng bừng là 50%. Nghiên cứu nhỏ này đã cho thấy, cần có nghiên cứu xa hơn nữa về việc sử dụng các hạt lanh trong điều trị các cơn nóng bừng(5).
Phytoestrogens có một số tác dụng hữu ích trên mật độ xương, sức đề kháng insulin, và mức độ cholesterol ở phụ nữ đang ở thời kỳ mãn kinh, theo đánh giá được công bố trong bài tổng quan được Fertility and Sterility xuất bản năm 2007(6). Các tác giả của báo cáo này đã xem xét lại 21 nghiên cứu, nhưng đã không tìm thấy được bằng chứng cho thấy Phytoestrogen có thể bảo vệ cơ thể chống lại ung thư vú, gãy xương, bệnh tim mạch ở phụ nữ hậu mãn kinh.
Nguồn gốc của Phytoestrogens
Phytoestrogens được tìm thấy trong một số thực phẩm, bao gồm: hạt lanh, đậu nành, cỏ 3 lá đỏ, linh lăng, hoa bia.
Có nên sử dụng Phytoestrogen cho mục đích y tế?
Mặc dù Phytoestrogen thường được bán trên thị trường là "tự nhiên" hoặc "an toàn",vẫn có thể gây tác dụng phụ. Việc sử dụng Phytoestrogens gây ra một số tác dụng phụ đã được chứng minh ở một vài cá nhân.
Ví dụ, một số nghiên cứu cho thấy Genistein (một loại Phytoestrogen được tìm thấy trong đậu nành) có thể ảnh hưởng đến hoạt tính của Tamoxifen (thuốc dùng để điều trị ung thư vú)(3).
Trong nghiên cứu tại Bệnh viện Mayo được đề cập ở trên, 50% người được thử nghiệm chướng bụng nhẹ hoặc trung bình, gần 30% bị tiêu chảy nhẹ, và khoảng 20% rút lui vì tác dụng phụ. Ngoài ra, do Phytoestrogens có hoạt tính tương tự như estrogen trên các mô trong cơ thể, về mặt lý thuyết có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú, và tổng thể an toàn đòi hỏi phải đánh giá thêm. Tuy nhiên, các tác giả trong cơ sở dữ liệu tổng quan Cochrane hệ thống không tìm thấy bằng chứng cho việc điều trị bằng Phytoestrogens gây ra kích thích nội mạc tử cung khi được sử dụng đến 2 năm(4).
Do vậy, khi muốn dùng Phytoestrogens trong điều trị hay ngăn ngừa một bệnh tật nào đó, cần phải cân nhắc cẩn thận giữa lợi ích và rủi ro tiềm ẩn.
Tài liệu tham khảo
1. Duffy C, Perez K, Partridge A. "Implications of phytoestrogen intake for breast cancer." CA Cancer J Clin. 2007 Sep-Oct;57(5):260-77.
2. Glazier MG, Bowman MA. "A review of the evidence for the use of phytoestrogens as a replacement for traditional estrogen replacement therapy." Arch Intern Med. 2001 May 14;161(9):1161-72.
3. Jones JL, Daley BJ, Enderson BL, Zhou JR, Karlstad MD. Genistein inhibits tamoxifen effects on cell proliferation and cell cycle arrest in T47D breast cancer cells. Am Surg. 2002 Jun;68(6):575-7.
4. Lethaby AE, Brown J, Marjoribanks J, Kronenberg F, Roberts H, Eden J. Phytoestrogens for vasomotor systems. Cochrane Database of Systematic Reviews 2007, Issue 4. Art. No: CD001395. DOI: 10.1002/14651858.CD001495.pub3.Nelson HD, Vesco KK, Haney E, Fu R, 5.
5. Pruthi S, Thompson SL, Novotny PJ, Barton DL, Kottschade LA, Tan AD, Sloan JA, Loprinzi CL. Pilot evaluation of flaxseed for the management of hot flashes. J Soc Integr Oncol. 5(3): 106-112, 2007.
6.Tempfer CB, Bentz EK, Leodolter S, Tscherne G, Reuss F, Cross HS, Huber JC. "Phytoestrogens in clinical practice: a review of the literature." Fertil Steril. 2007 Jun;87(6):1243-9.