LTS: Việt Nam nằm trong danh sách các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Làm thế nào để chống lại vấn nạn này? Báo SK&ĐS đã thực hiện loạt bài với cố gắng đi tìm lời giải từ nhiều phía. Tiếp theo bài Cần sửa thói quen dùng kháng sinh chưa đúng và bài Tại sao vi khuẩn “ biết” kháng thuốc?, kỳ này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu bài viết của chuyên gia với những khuyến cáo cho cả người bệnh lẫn thầy thuốc. 

    Kháng kháng sinh – Vấn nạn của thế kỷ 21! 

    Thuốc kháng sinh có thể xem là một trong những phát minh vĩ đại của nhân loại.Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh thường xuyên, không đúng chỉ định và kéo dài sẽ tạo ra một thế hệ vi khuẩn kháng thuốc khiến quá trình khám chữa bệnh về sau khó khăn hơn. Khi các bệnh nhiễm trùng trở nên khó điều trị, đồng nghĩa bệnh tật kéo dài hơn. Một số bệnh nhiễm trùng kháng thuốc có thể dẫn đến tử vong. Mỗi đợt điều trị kháng sinh thất bại cũng là một đợt tạo thêm những vi khuẩn kháng thuốc mạnh hơn, đồng thời nguy cơ biến chứng hoặc tử vong cũng tăng lên. 

    Hầu hết các loại kháng sinh đều có tác dụng phụ, tùy vào cơ địa và phản ứng mỗi người. Những tác dụng phụ thường thấy ở trẻ em khi dùng kháng sinh là loạn khuẩn ruột dẫn đến tiêu chảy, buồn nôn, nôn hoặc phát  ban. Bên cạnh đó còn có thể gặp các tác dụng không mong muốn khác như ngứa, ban đỏ, nổi mề đay, thậm chí là sốc phản vệ gây tử vong. Cũng cần chú ý, một số kháng sinh khi dùng kéo dài còn có thể gây ra tình trạng nhiễm độc các cơ quan như gây độc đối với gan, thận (tetracyclin, sulfamid), các tế bào máu (cloramphenicol), thần kinh thính giác (streptomycin, gentamycin), xương răng (tetracyclin làm hại răng trẻ em)... 

    Khuyến cáo 

    Đối với bệnh nhân: 

    - Không nên tự ý sử dụng kháng sinh: Hiện nay rất nhiều người tự mua thuốc để điều trị cho dù chưa biết bị bệnh gì, nghĩa là cứ thấy ho, hắt hơi, sổ mũi hoặc hơi sốt là mua kháng sinh về dùng (thậm chí, các bậc cha mẹ cũng tự ý mua thuốc về cho con uống). Hậu quả là nhiều người bệnh đã bị uống kháng sinh “oan”. Muốn biết có nên dùng kháng sinh hay không, nhất thiết phải có ý kiến của bác sĩ. 

    - Nên sử dụng kháng sinh theo sự chỉ định của bác sĩ điều trị: Khi bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân và chẩn đoán chắc chắn có mắc bệnh nhiễm khuẩn thì lúc đó bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể dùng thuốc kháng sinh gì, liều lượng mỗi ngày dùng bao nhiêu là đủ, cần uống thuốc trong bao lâu và đường dùng thuốc bằng cách nào (uống, tiêm...). Khi đã có đơn thuốc, cần tuân thủ đúng chỉ định, tuyệt đối không tự ý đổi tên thuốc. 

    - Không nên dùng lại kháng sinh đã dùng còn thừa: Đây cũng là thói quen thường thấy của khá nhiều người bệnh, thấy rằng trước đây mình được bác sĩ kê đơn thuốc này có hiệu quả, nay có biểu hiện giống lần trước là mang ra sử dụng. 

     Kiên quyết thực hiện nhà thuốc đạt chuẩn GPP.
    - Dùng đúng loại kháng sinh và dùng đủ liều: Không nên dùng kháng sinh mạnh hoặc kháng sinh phổ rộng khi không cần thiết. Bởi với một loại nhiễm khuẩn nhẹ mà dùng ngay kháng sinh mạnh và phổ rộng sẽ gây hại. Nhưng dù là uống loại kháng sinh nào cũng cần uống đủ liều và đủ ngày bởi dùng kháng sinh không đúng liều cũng khiến vi khuẩn kháng thuốc. Chẳng hạn, theo chỉ định phải uống đủ 5-10 ngày nhưng người bệnh uống vài ngày vừa thấy đỡ đã ngưng, họ không biết lượng thuốc đã uống chỉ có thể tiêu diệt một số vi khuẩn chứ không đủ để diệt hết, kết quả là những vi khuẩn còn sống sót trở nên đề kháng và có thể lây sang người khác. 

    - Không nên chỉ người khác sử dụng kháng sinh khi thấy bệnh na ná giống mình. 

    Đối với thầy thuốc: 

    - Cần cẩn trọng khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân: khám kỹ để biết rõ kngười bệnh mắc bệnh gì và kê đơn thuốc phù hợp, tránh kê thuốc khi không cần thiết. 

    - Không nên vì chiều ý người bệnh muốn nhanh khỏi bệnh mà kê loại thuốc có tác dụng nhanh, mạnh, đắt tiền. 

    - Không vì lợi ích cá nhân: không nên vì lợi nhuận của các hãng hoặc công ty dược mang lại mà bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân mua thuốc của các hãng đó. Chỉ kê loại thuốc cần cho bệnh nhân. 

    Đối với nhà thuốc: 

    - Cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định bán thuốc theo đơn, có quyền từ chối bán thuốc cho người bệnh khi không có đơn của bác sĩ. 

    - Có thể tư vấn cho người bệnh hiểu rõ vì sao cần thiết phải mang đơn khi đi mua thuốc. 

    Về phía nhà quản lý: 

    - Cần tăng cường đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức chuyên môn cho cán bộ y tế, thường xuyên kiểm tra giám sát việc kê đơn của bác sĩ theo đúng quy định. 

    Chấn chỉnh hoạt động nhà thuốc, kiên quyết xử lý các nhà thuốc không đạt chuẩn GPP, giám sát chặt chẽ chất lượng thuốc, không để thuốc kém chất lượng, thuốc giả lưu hành trên thị trường… 

    Kháng sinh có lợi và có hại, suy cho cùng thuốc kháng sinh chỉ là phương tiện chữa bệnh do con người sử dụng. Vì vậy bản thân kháng sinh không có lỗi trong những trường hợp kháng thuốc mà chính cách sử dụng sai lầm và thiếu hiểu biết của con người đã đưa người bệnh đến gần hơn với nguy hiểm. 

      ThS. Nguyễn Bạch Đằng
    Theo Sức khỏe & đời sống

    Connect with Tu Du Hospital