DS. Đặng Thị Thuận Thảo
       Khoa Dược – Bệnh viện Từ Dũ

    Đặt vấn đề

    Cúm là bệnh viêm nhiễm cấp tính đường hô hấp gây nên bởi virus cúm. Bệnh lây truyền nhanh, thường thành dịch. 

    Bệnh cúm có nhiều thể lâm sàng, thể thường gặp là: sau thời gian nung bệnh ngắn (khoảng 1 ngày), bệnh khởi phát rất đột ngột: sốt, rét run nhiều lần trong ngày, thân nhiệt tăng lên 39-400 ngay ngày đầu, kéo dài 3-5 ngày kèm theo mệt mỏi, đau nhức toàn thân, đau đầu, đau cơ xương khớp, chân tay rã rời, da khô nóng, mặt bừng bừng, chảy nước mắt, sổ mũi, ngạt mũi, đau rát họng, có khi ho tức ngực, khạc đờm hoặc chảy máu cam, miệng đắng, buồn nôn, táo bón. Sau đó nhiệt độ giảm dần, các triệu chứng toàn thân giảm dần trong 5-7 ngày.

    Phòng lây nhiễmbằng vắc-xin ngừa cúm có hiệu lực bảo vệ từ 70 – 80%. Chống chỉ định duy nhất của vắc-xin là cơ địa dị ứng với trứng gia cầm.

    Mang thai có liên quan đến sự thay đổi sinh hóa, chuyển hóa, huyết động học, cũng như thay đổi miễn dịch ở người mẹ. Những thay đổi này trở nên rõ rệt nhất trong 3 tháng cuối thai kỳ, bao gồm giảm dung tích phổi và thể tích khí, tăng cung lượng tim và tiêu thụ oxy. Mặc dù khả năng phụ nữ mang thai bị nhiễm cúm theo mùa không cao hơn so với dân số nói chung, nhưng việc suy giảm hệ miễn dịch qua trung gian tế bào kèm với sự thay đổi sinh lý khi mang thai làm tăng nguy cơ bị biến chứng nghiêm trọng khi mắc bệnh cúm. Phụ nữ mang thai có thêm các bệnh như bệnh hen suyễn hoặc bệnh tiểu đường sẽ tăng nguy cơ bị biến chứng gấp 3-4 lần khi nhiễm thêm cúm.

    Phòng chống cúm khi mang thai là một yếu tố cần thiết của việc chăm sóc trước sinh, và các chiến lược hiệu quả nhất để ngăn ngừa cúm là tiêm chủng hàng năm.

    CDC (Centers for Disease Control and Prevention) và ACIP (Advisory Committee on Immunization Practices) đề nghị tiêm chủng cúm cho tất cả phụ nữ đang hoặc sẽ mang thai trong mùa cúm. Trong thời gian có đại dịch cúm theo mùa, và hiện tại là đại dịch cúm A (H1N1), phụ nữ mang thai tăng nguy cơ bị biến chứng phổi nghiêm trọng khi bị bệnh cúm, có khi dẫn đến tử vong.

    Vắc-xin ngừa cúm an toàn và hiệu quả trong bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ. Chưa có nghiên cứu nào cho đến nay chứng minh vắc-xin ngừa cúm làm tăng nguy cơ biến chứng trên sản phụ hoặc những ảnh hưởng bất lợi trên đến thai nhi. ACIP  cũng nhấn mạnh rằng chủng ngừa cúm là an toàn trong thời gian cho con bú nên các bà mẹ và trẻ em dưới 2 tuổi nên được chủng ngừa.

    Thông tin về tính an toàn của vắc-xin cúm

    Thông tin về tính an toàn của vắc-xin cúm đã được công bố ở nhiều nghiên cứu.

    Trường Cao đẳng Sản phụ khoa của Mỹ (ACOG), với sự hỗ trợ của CDC đã tiến hành cuộc khảo sát trên toàn quốc vào tháng 5 năm 2004. Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy 52% bác sĩ sản đề nghị tiêm phòng cúm cho một người phụ nữ khỏe mạnh trong ba tháng đầu của thai kỳ, 95% bác sĩ sản đề nghị chủng ngừa cho phụ nữ mang thai khỏe mạnh sau 3 tháng đầu thai kỳ, 63% đề nghị nên tiêm phòng cho một người phụ nữ có một yếu tố nguy cơ trong 3 tháng đầu thai kỳ. 

    Munoz và cộng sự thực hiện một phân tích 225 phụ nữ khỏe mạnh được chủng ngừa cúm trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ và một nhóm kiểm soát 826 phụ nữ khỏe mạnh. Kết quả cho thấy không có ảnh hưởng bất lợi nghiêm trọng xảy ra trong vòng 42 ngày kể từ ngày tiêm chủng, và không có sự khác biệt giữa các nhóm ở các tỷ lệ mổ lấy thai, sinh non, tình trạng trẻ em từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi

    Trong mùa cúm 1976-1977, 56 phụ nữ được chủng ngừa cúm trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ đã được đánh giá. Kết quả cho thấy không có phản ứng ngay lập tức đáng chú ý được quan sát, và cũng không được có bất kỳ sự khác biệt trong quá trình mang thai giữa những sản phụ được tiêm ngừa cúm và những sản phụ không tiêm ngừa. 

    Trong một nghiên cứu khác gồm 26 sản phụ được chọn ngẫu nhiên tiêm ngừa cúm trong 3 tháng cuối thai kỳ. Kết quả cho thấy không có phản ứng bất lợi đáng kể, gồm đau, sốt vừa hoặc nặng.

    Deinard và Ogburn đánh giá trên 189 phụ nữ được chủng ngừa cúm trong thời gian mang thai và ghi nhận không có sự khác biệt về sức khỏe sản phụ hay kết quả mang thai so với nhóm chứng gồm 517 phụ nữ mang thai không tiêm ngừa. 

    Từ năm 1959 đến năm 1965, trên 2000 phụ nữ mang thai được tiêm vắc xin cúm, gần một phần ba trong số đó được tiêm ngừa trong 3 tháng đầu thai kỳ. Những phụ nữ mang thai được chủng ngừa cúm không tăng nguy cơ thai chết lưu, dị tật bẩm sinh, khối u ác tính, hoặc khuyết tật thần kinh

    Trong một nghiên cứu dài hạn, Deinard và Ogburn phát hiện không có mối liên hệ giữa chủng ngừa cúm trên người mẹ và các biến chứng trên người mẹ hoặc trẻ sơ sinh. Không có dị tật quái thai được công bố và các con của người mẹ được chủng ngừa cúm không có sự khác biệt về thể chất hoặc thần kinh so với trẻ bình thường.

    Trong một nghiên cứu hồi cứu, 3.160 trẻ sinh ra từ bà mẹ chủng ngừa cúm và 37.969 trẻ sinh ra từ bà mẹ không được chủng ngừa cho thấy không có sự khác biệt đối với tuổi thai, cân nặng hoặc thời gian nhập viện chờ sinh.

    Sự an toàn của vắc-xin cúm được đánh giá trong 7 thử nghiệm khác, trong đó 4.500 phụ nữ mang thai được tiêm phòng vắc xin và không có tác dụng phụ đáng kể cho thai nhi.

    Thông tin về Thimerosal 

    Thimerosal, một hợp chất có chứa thủy ngân, là chất bảo quản đã được sử dụng trong một số vắc xin, bao gồm cả vắc-xin cúm, để làm giảm khả năng tăng trưởng của vi khuẩn. Ethylmercury là sản phẩm phân hủy của thimerosal. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng ethylmercury không tích tụ và gây hại cho não thai nhi như metyl thuỷ ngân, và không có bằng chứng cho thấy có nguy cơ gia tăng chứng rối loạn phát triển thần kinh khi tiếp xúc với vắc xin có chứa thimerosal.  

    Sau khi xem xét các bằng chứng hiện có đối với thimerosal và những mối quan tâm cho sự phát triển bào thai, ACIP kết luận:  "Những lợi ích của tiêm phòng cúm cho tất cả các nhóm được đề nghị, bao gồm cả phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ nhiều hơn những lo ngại trên cơ sở lý thuyết về nguy cơ tiếp xúc thimerosal qua tiêm phòng. Các nguy cơ làm bệnh tăng nghiêm trọng do nhiễm virus cúm đang tăng cao trong cả trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai, và tiêm  chủng đã được chứng minh để giảm nguy cơ bị bệnh cúm nặng và các biến chứng y tế  tiếp theo. 

    Kết luận

    Vắc xin ngừa cúm an toàn và hiệu quả trong thời kỳ mang thai. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào chứng minh vắc xin cúm làm tăng nguy cơ biến chứng trên mẹ hoặc ảnh hưởng lên thai nhi. Ngoài ra, không có bằng chứng  khoa học chứng minh chất thimerosal trong vắc xin cúm ảnh hưởng có hại đến trẻ em có mẹ được chủng ngừa cúm khi mang thai. Chủng ngừa cúm ở người mẹ sẽ làm giảm  khả năng tiếp xúc virus cho trẻ sơ sinh và hạn chế những biến chứng có thể tăng nặng do bệnh cúm. 

    Tài  liệu tham khảo
      1.American  College of Obstetricians and Gynecologists Committee on Obstetric Practice  (2010), ACOG Committee Opinion No. 468: Influenza  vaccination during pregnancy, 2010 Oct;116(4):1006-7.
      2.Tamma PD, Ault KA, del  Rio C, Steinhoff MC, Halsey NA, Omer SB (2009), Safety of influenza  vaccination during pregnancy, Am J Obstet Gynecol. 2009 Dec;201(6):547-52. Epub  2009 Oct 21.
      3.MMWR Morb Mortal Wkly Rep (2005). Influenza  vaccination in pregnancy: practices among obstetrician-gynecologists--United  States, 2003-04 influenza season, 2005 Oct 21;54(41):1050-2

    DS. Đặng Thị Thuận Thảo

    Connect with Tu Du Hospital