DS. Thân Mỹ Linh

    Khoa Dược – BV Từ Dũ

     

    I. Tổng quan về bệnh táo bón ở phụ nữ mang thai:
    Định nghĩa:

    Theo NIDDK (National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases), táo bón được định nghĩa lâm sàng khi có bất kỳ hai trong số những triệu chứng sau đây trong ít nhất 12 tuần nhưng không cần liên tục trong vòng 12 tháng trước đó

    - Căng thẳng trong thời gian đi tiêu
    - Phân cứng và khô
    - Cảm giác đi tiêu không trọn vẹn
    - Cảm giác bị tắc nghẽn hoặc bị cản trở
    - Đi tiêu ít hơn 3 lần mỗi tuần

    Nguyên nhân thường gây táo bón ở phụ nữ có thai
    - Do hormon thai kỳ là progesterone gây dãn và làm giảm hoạt động của nhu động ruột.
    - Sử dụng viên sắt bổ sung
    - Mệt mỏi, hạn chế vận động
    - Quá trình phát triển của thai nhi cũng làm gia tăng áp lực lên khung xương chậu, gây sung huyết, làm tình trạng táo bón gia tăng.
    - Các yếu tố làm trầm trọng hơn tình trạng táo bón: nghén, đã từng bị táo bón trước đó, mắc hội chứng ruột kích thích (IBS).

    Hậu quả
    - Chèn ép, loét trực tràng
    - Nứt hậu môn, phì đại ruột già, bệnh trĩ.
    - Xoắn ruột, ung thư biểu mô ruột kết.

    II. Phòng ngừa và điều trị  táo bón ở phụ nữ mang thai:
    1. Biện pháp không dùng thuốc
    - Để cải thiện tình trạng táo bón trong thai kỳ, các bà mẹ nên có chế độ ăn cân bằng, bổ sung nhiều chất xơ như đậu, cám, ngũ cốc, trái cây tươi và rau xanh.
    - Uống nhiều nước đồng thời tránh những đồ uống có chứa chất kích thích.
    - Tập thể dục nhẹ nhàng, thường xuyên.
    - Dành thời gian và tập thói quen đi tiêu đều đặn.
    - Hiện nay một loại thực phẩm được khuyến khích sử dụng để tránh táo bón ở phụ nữ có thai đó là synbiotics.

    Vài nét về synbiotics

    Synbiotics là sự kết hợp của probotics và prebiotics.

    Probiotics bao gồm những vi sinh vật sống có vai trò thiết lập cân bằng vi sinh vật đường  ruột: chúng chiếm chỗ và trung hòa độc tố của các vi khuẩn có hại, sản xuất các vitamin và men tiêu hóa các chất, tăng cường tạo các kháng thể giúp nâng cao khả năng miễn dịch …

    Prebiotic tự bản thân không tiêu hóa được nhưng có ảnh hưởng tốt cho cơ thể con người bằng cách kích thích sự tăng trưởng của các vi khuẩn có lợi. Prebiotics được xem là thức ăn của những vi khuẩn sống có lợi cho sức khỏe. Thành phần của prebiotics là các oligosaccharides có cấu tạo là chuỗi 3-10 đơn vị đường đơn như: galactose, fructose, glucose... Các oligo-saccharide này không được thủy phân trong ruột non nên còn được gọi là chất xơ trong khẩu phần ăn. Các nguồn thực phẩm giàu prebiotics bao gồm: ngũ cốc, tỏi, trái cây, hành tây, các loại đậu, các loại hạt, mật ong

    Ưu điểm của prebiotics
    - Nguồn cung cấp thức ăn cho các probiotics.

    - Tăng sức đề kháng với các vi khuẩn gây bệnh đường ruột.

    - Kích thích miễn dịch đường tiêu hóa.

    - Tăng  hấp thu Canxi và khoáng chất do trong quá trình lên men tại ruột già, các oligosaccharid sản sinh ra các axit béo chuỗi ngắn, tạo môi trường axit nhẹ ở  ruột già.

    - Quá trình lên men cũng sản sinh ra khí hơi và nước có tác dụng làm cho phân mềm và  xốp phòng chống táo bón, đồng thời tăng cường khả năng kháng vi khuẩn bằng cách giảm bớt số vi khuẩn nội sinh trong đường ruột qua việc đào thải phân mỗi ngày.

    Nhiều nhãn hiệu sữa và bột dinh dưỡng của các công ty Vinamilk, Bibica, Yakult, Dutch Lady, Abbott, Nutifood đã có bổ sung probiotic và prebiotic.

    2. Các nhóm thuốc nhuận tràng:

    Một số lưu ý chung khi sử dụng thuốc nhuận tràng

    - Không nên tự ý sử dụng các thuốc nhuận tràng để tránh rơi vào vòng lẩn quẩn: hết táo bón nhờ thuốc nhuận tràng thì bệnh nhân không cảm giác mắc đi tiêu trong nhiều  ngày và lại táo bón cần tiếp tục dùng thuốc nhuận tràng.

    - Chỉ nên sử dụng thuốc nhuận tràng khi người bệnh đã cố gắng thay đổi chế độ ăn, lối sống nhưng vẫn không có hiệu quả.

    - Khi sử dụng các thuốc nhuận tràng điều quan trọng là người bệnh cần phải uống nhiều nước để tăng hiệu quả của thuốc đồng thời tránh bị táo bón dội ngược.  

    Sử dụng thuốc nhuận tràng ở phụ nữ có thai
    - Nhóm thuốc ưu tiên sử dụng: nhuận tràng cơ học, nhuận tràng thẩm thấu.
    - Nhóm thuốc hạn chế sử dụng: nhuận tràng làm trơn, nhuận tràng làm mềm phân
    - Chống chỉ định: nhuận tràng kích thích (dầu thầu dầu) do làm tăng co bóp tử cung gây sảy thai hoặc sinh non.

    2.1. Nhuận tràng cơ học
    Các chất trong nhóm này gồm: cellulose, agar-agar, hemicellulose, gomme  sterculia…
    Đặc điểm: không hoà tan, không hấp thu trong ruột, có khả năng hấp thu nước và làm tăng thể tích phân.
    Thời gian khởi đầu tác dụng: 1 – 3 ngày.

    Liều dùng

                                                                   

    Hoạt chất

    Biệt dược

    Liều dùng

    Methylcellulose

    Citrucel®

    1–2g x 1-3 lần/ngày   

    Psylium

    Konsyl®, metamucil®

    3,5–7g  x 1-3 lần/ngày

    Polycarbophil

    Fibercon®

    1g x 1-4 lần/ngày

     

    Chú ý
    - Do cơ chế tạo khối nên thuốc có thể cản trở sự hấp thu của một số chất.
    - Thuốc có thời gian khởi phát tác động chậm nên chỉ sử dụng để dự phòng và điều trị  táo bón mãn tính.
    - Thuốc chỉ tác động tại chỗ nên ưu tiên sử dụng cho phụ nữ có thai.
    - Đối với một số người, thuốc có thể gây phình ruột và trung tiện.

    2.2 Nhuận tràng thẩm thấu

    Đặcđiểm: là các chất không hấp thu, có tính thẩm thấu gây giữ nước trong lòng ruột.
    Thời gian khởi phát tác động:

    1. Muối natri, muối magie, glycerin, sorbitol

    Dạng thụt trực tràng: 15 – 30 phút
    Dạng uống:2 – 6 giờ

    2. Lactullose, macrogol 4000: 1 – 3 ngày

    Dạng dùng và liều dùng:

    - Các muối natri, magie thường được bào chế dạng kết hợp 2 hay nhiều chất

    Sorbitol + Natri citrate + nước cất (Bibonlax®)
    Monobasic Na phosphat + dibasic Na phosphat (Fleet phospho soda®)

    - Glycerin  (Rectiofar®)

    Thụt trực tràng dung dịch 60% : 3ml

    - Sorbitol:

    Dung dịch uống 70%: 15ml
    Thụt trực tràng dung dịch 25%: 120ml

    - Lactullose (Duphalac®): 1-2 gói/ngày có thể tăng lên đến 4 gói
    - Macrogol 4000 (Forlax® 4000): 1-2 gói/ngày

    Chú ý
    - Không sử dụng lâu dài các chế phẩm muối Natri cho phụ nữ có thai bị cao huyết áp

    - Muối phosphat là giảm calci huyết và tăng phosphat huyết nên thận trọng khi sử dụng muối phosphat cho người có bệnh tim, co giật, giảm calci huyết

    2.3. Nhuận tràng kích thích

    Cơ chế: làm tăng nhu động ở ruột non (dầu thầu dầu) hoặc ruột già (anthraquinon, bisacodyl, picosulfate …)
    Thời gian khởi phát tác động: 6- 12 giờ sau khi uống
    Liều dùng thay đổi theo từng bệnh nhân.
    Chỉ định:

      Giảm co thắt khi đi tiêu (sau phẫu thuật…)
      Giảm cảm giác đau (có thương tổn ở hậu môn: nứt hậu môn,  trĩ…)

    Các chất anthraquinon, bisacodyl, picosulfate được phân loại nhóm B cho phụ nữ có  thai.

    2.4. Nhuận tràng làm trơn

     Đặcđiểm: dầu parafin là chất có độ nhớt cao, tác động chủ yếu ở ruột già, làm cho phân trong ruột trơn hơn, giảm căng thẳng do đi tiêu ở người mắc bệnh tim mạch. 
    Thời gian khởi đầu tác dụng: 1-3 ngày.
    Hạn chế sử dụng cho phụ nữ có thai do:
    -  Dầu parafin ảnh hưởng tới sự hấp thu các thuốc tan trong dầu và các vitamin tan trong dầu.
    -  Không nên uống dầu parafin trước khi đi ngủ hoặc ở tư thế nằm (do nếu qua đường hô hấp sẽ gây ra bệnh viêm phế quản không điển hình)

    2.5. Nhuận tràng làm mềm phân
    Đặc điểm: muối docusate là các chất diện hoạt có khả năng nhũ hoá khối phân, làm mềm phân do mỡ và nước trộn lẫn trong phân.
    Sử dụng nhằm tránh phản xạ rặn ở bệnh nhân do bệnh lý tim mạch, sau phẫu thuật...
    Thời gian khởi phát tác dụng: 1-3 ngày.
    Liều dùng:
    - Phòng ngừa táo bón: 50-360mg/ngày (docusate natri), 240 mg (docusate kali).
    - Thụt tháo trực tràng: 50-120mg.
    Tác dụng phụ: đau dạ dày, tiêu chảy, buồn nôn.
    Phân loại nhóm C cho phụ nữ có thai.

    Tương tác thuốc
    Không sử dụng kết hợp docusate và dầu parafin do docusate là chất diện hoạt làm tăng hấp thu dầu parafin trong lòng ruột gây ngộ độc gan.
     
    Tài liệu tham khảo

    1. Martindale, the complete drug reference, 35th edition.
    2. http://digestive.niddk.nih.gov/ddiseases/pubs/constipation/
    3. http://www.gastro.org/patient-center/digestive-conditions/constipation
    4. http://fda.gov
    5. http://mims.com
    6.  http://en.wikipedia.org/wiki/Prebiotic_(nutrition)

     

    DS. Thân Mỹ Linh

    Connect with Tu Du Hospital