Các thuốc tránh thai (TTT) đường uống có trên thị trường Mỹ bao gồm viên thuốc chỉ có progestin và các chế phẩm phối hợp estrogen-progestin một pha, hai pha, hoặc ba pha.[1] Đã có các báo cáo đề cập đến vấn đề kháng sinh uống có thể làm giảm hiệu quả của TTT phối hợp đường uống. 

    Các báo cáo ca về thất bại việc tránh thai bằng đường uống do kháng sinh chiếm tỷ lệ 1% đến 3%, cũng xảy ra khi dùng thuốc uống ngừa thai.[1-4] Sai số và các trường hợp kém tuân thủ dùng thuốc mà không được báo cáo có thể gây khó khăn cho việc đánh giá tần suất tương tác.[1,5] 

    Ethinyl estradiol, thành phần estrogen thường được sử dụng  trong thuốc uống ngừa thai, hấp thu khác nhau giữa các cá thể, khoảng 40% đến 50% ở dạng không thay đổi có hoạt tính.[1-3,5] Phần còn lại bị chuyển hóa ở thành ruột và gan qua hệ thống cytochrome P450 3A4.[1] Ethinyl estradol dạng liên hợp không có hoạt tính được đào thải qua mật. Các vi khuẩn  đường ruột tiết ra enzyme estradiol-beta-glucuronidase có thể thủy phân các chất chuyển hóa này thành ethinyl estradiol có hoạt tính được tái hấp thu ở ruột non qua chu kỳ gan- ruột.[1,2,5] Các progestin có đặc tính hấp thu rất tốt, không chuyển hóa ở thành ruột và ít bị tác động vượt qua lần đầu ở gan.[2]

    Có nhiều cơ chế tương tác giữa kháng sinh và thuốc uống ngừa thai được đề nghị. Ví dụ như sự giảm hấp thu, giảm tuần hoàn gan-ruột, sự cảm ứng enzyme chuyển hóa thuốc ở gan, gia tăng thải trừ, tiêu chảy do kháng sinh, tăng  tỷ lệ gắn kết với protein huyết thanh, cạnh tranh tại thụ thể của hợp chất steroid tránh thai.[1-6] Không  có bằng chứng nào cho thấy kháng sinh tác động lên thụ thể của steroid hoặc có tác dụng đối kháng với các estrogen hay progestin.[1] Một số nghiên cứu cho rằng các chế phẩm mới chứa lượng estrogen ít hơn (< 35µg) nên tương tác với kháng sinh dễ xảy ra hơn.[1,4,6]

    Các kháng sinh, như ampicillin (Principen®), làm giảm lượng vi khuẩn đường ruột có liên quan đến sự thủy phân estrogen liên hợp ở dạ dày ruột.[2] Những nghiên cứu về dược động học ở các nhóm nhỏ phụ nữ chứng minh rằng chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt hay gia tăng nồng độ FSH có thể xảy ra khi dùng ampicillin trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, điều này không liên quan đến sự thay đổi nồng độ hormone.[1] Vài kháng sinh, như trimethoprim-sulfamethoxazole (Bactrim®), có thể làm tăng nồng độ ethinyl estradiol trong huyết tương.[1,2]

    Một số thuốc có thể gây giảm hiệu lực của TTT phối hợp đường uống. Các hoạt chất làm tăng chuyển hóa thuốc qua gan (phenobarbital, carbamazepine (Tegretol®), phenytoin (Dilantin®)) có thể gia tăng tỷ lệ thất bại của TTT phối hợp đường uống.[1] Các kháng sinh đóng vai trò là chất gây cảm ứng enzyme như rifampin (Rifadin®) và griseofulvin (Fulvicin®). Rifampin có thể làm giảm nồng độ của cả ethinyl estradiol và norethindrone do đặc tính cảm ứng enzyme.[2]

    Có ít nghiên cứu về vấn đề này,[6] các dữ liệu mâu thuẫn với nhau và không đưa ra kết luận đã gây khó khăn cho việc tư vấn  bệnh nhân về các nguy cơ xảy ra.[3] Thiếu  các thông số dược động học lâm sàng chứng tỏ rằng kháng sinh làm biến đổi nồng độ của thuốc uống ngừa thai (ngoại trừ rifampin và griseofulvin).[1,2] Các phụ nữ có nguy cơ bao gồm những người có tốc độ hydroxyl hóa ethinyl estradiol chậm, tốc độ liên hợp nhanh, nồng độ ethinyl estradiol trong huyết tương thấp, hệ vi khuẩn ruột nhạy cảm với kháng sinh.[1]

    Những phụ nữ đang sử dụng kháng sinh dễ quên uống thuốc ngừa thai hơn hoặc không muốn dùng thuốc tránh thai nếu họ bị các tác dụng phụ như nôn mửa, tiêu chảy.[2] Sự tuân  thủ khi dùng thuốc và thời điểm uống thuốc khác nhau hay các bữa ăn có thể góp phần gây ra tương tác.[1,5]

    Hiệp Hội Sản Phụ Khoa của Mỹ đã kết luận rằng tetracycline (Sumycin®), doxycycline (Vibramycin®), ampicillin, metronidazole (Flagyl®), fluconazole (Diflucan®), và fluoroquinolones không ảnh hưởng đến nồng độ của hợp chất steroid tránh thai ở các phụ nữ sử dụng TTT phối hợp đường uống.[7] Tổng hợp y văn cho rằng không cần áp dụng một biện pháp tránh thai thứ hai trừ khi rifampin được dùng chung với thuốc uống ngừa thai.[4] Griseofulvin  cũng được khuyến cáo như vậy. Tuy nhiên, do những hậu quả nghiêm trọng của việc  mang thai ngoài ý muốn (và tần suất thất bại việc tránh thai do kháng sinh thấp nhưng không tiên đoán được), các tài liệu khác đề nghị nên thận trọng hơn ở những phụ nữ có nguy cơ ngừa thai thất bại.[1,6]

    Nguy cơ tương tác với kháng sinh được sử dụng lâu dài ở liều  thấp (như điều trị mụn) chưa được biết rõ nhưng có thể dễ xảy ra hơn trong những tuần đầu tiên điều trị kháng sinh hoặc cho đến khi các vi khuẩn đường ruột trở nên đề kháng với kháng sinh.[1] Cần áp dụng  phương pháp tránh thai khác hoặc không có hormone đối với trường hợp trị liệu  kháng sinh lâu dài.[1]

    Các biện pháp tránh thai khác được khuyến cáo ở những phụ nữ mà tỷ lệ thất bại việc tránh thai bằng đường uống là không chấp nhận được.[1] Họ cũng được khuyên không nên ngưng uống TTT trong khi đang điều trị kháng sinh để  tránh tương tác.[5] Cần sử dụng biện pháp tránh thai khác nếu tiêu chảy hoặc chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt xảy ra ở những phụ nữ dùng chung thuốc uống ngừa thai với kháng sinh (mặc dù chảy máu giữa chu kỳ hiện nay được xem là chỉ điểm sai cho sự giảm hiệu lực  ngừa thai).[1,2]

    Đối với trường hợp sử dụng kháng sinh trong thời gian ngắn, có thể dùng thêm phương pháp tránh thai không có hormone lúc khởi đầu và trong thời  gian điều trị kháng sinh, cộng thêm 7 ngày sau khi kết thúc đợt trị liệu.[6]

    Có nhiều tài liệu đề nghị áp dụng biện pháp tránh thai hỗ trợ trong  khi điều trị kháng sinh, tất cả bệnh nhân nữ cần được thông báo về những tương tác có thể xảy ra, mặc dù tần suất thực sự là rất thấp.[5,6]

    Ben M. Lomaestro, BS, PharmD
    Senior Clinical Pharmacy Specialist in Infectious Diseases, Department of  Pharmacy, Albany Medical  Center Hospital,  Albany, New York

    Tài liệu tham khảo

       
    1. Dickinson BD, Altman RD, Nielsen NH,  Sterling ML. Drug interactions between oral contraceptives and       antibiotics. Obstet Gynecol. 2001;98:853-860. Abstract
    2.  
    3. Archer JS, Archer DF. Oral contraceptive efficacy and antibiotic interaction: a myth debunked. J Am Acad Dermatol. 2002;46:917-923. Abstract
    4.  
    5. Blumenthal PD, Edelman A. Hormonal contraception. Obstet Gynecol. 2008;112:670-684. Abstract
    6.  
    7. Miller DM, Helms SE, Brodell RT. A practical approach to antibiotic treatment in women taking oral contraceptives. J Am Acad Dermatol. 1994;30:1008-1011. Abstract
    8.  
    9. Weaver K, Glasier A. Interaction between broad-spectrum antibiotics and the combined oral contraceptive pill. A literature review. Contraception. 1999;59:71-78. Abstract
    10.  
    11. Burroughs KE, Chambliss ML. Are antibiotics related to oral combination contraceptive failures? Arch Fam Med. 2000;9:81-82.
    12.  
    13. American College of Obstetricians and Gynecologists. Use of hormonal contraception in women with coexisting medical conditions. ACOG Practice Bulletin. 2006;107:1453-1472. Abstract

    Ds. Nguyễn Thị Thúy Anh (Dịch)
    Khoa Dược - BV Từ Dũ

    Ds. Nguyễn Thị Thúy Anh

    Connect with Tu Du Hospital