DS. Phạm Bình Bảo Ngọc (lược dịch) 

    Cúm là một bệnh đường hô hấp cấp tính do vi-rút cúm A hoặc B gây ra, xảy ra thành các đợt bùng phát và dịch bệnh trên toàn thế giới, chủ yếu vào mùa đông. Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong liên quan đến cúm cao hơn ở những phụ nữ mang thai và mới sinh (trong vòng hai tuần sau khi sinh hoặc sảy thai) so với dân số nói chung.

    Theo các khuyến nghị từ Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng (ACIP) của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) và Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), vắc-xin phòng ngừa vi-rút cúm đươc khuyến cáo tiêm phòng cho tất cả phụ nữ đang mang thai hoặc có thể mang thai hoặc sau sinh (trong vòng hai tuần sau khi sinh) trong mùa cúm. Tiêm vắc-xin cúm được chỉ định cho những phụ nữ như vậy trong mỗi lần mang thai, ngay cả khi có những lần mang thai liên tiếp trong vòng 12 tháng.

     

    Thời gian tiêm vắc xin cúm

    Đối với những phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt đầu tiên hoặc thứ hai trong những tháng mùa hè, nên tiêm vắc-xin cúm trước khi virus cúm bắt đầu hoạt động trong cộng đồng (vào tháng 9 hoặc tháng 10 ở bán cầu bắc và vào tháng 3 hoặc tháng 4 ở bán cầu nam).

    Đối với những phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt thứ ba trong những tháng mùa hè, có thể cân nhắc tiêm vắc-xin sớm hơn (tháng 7 hoặc tháng 8 ở bán cầu bắc hoặc tháng 1 hoặc tháng 2 ở bán cầu nam); cách tiếp cận này có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm ở trẻ sơ sinh trong những tháng đầu sau khi sinh, khi trẻ còn quá nhỏ để tiêm vắc-xin cúm.

    Lựa chọn vắc-xin

    Phụ nữ mang thai có thể được tiêm vắc-xin cúm bất hoạt (IIV) hoặc vắc-xin cúm tái tổ hợp đã được cấp phép.

    Phụ nữ mang thai không nên được tiêm vắc-xin cúm sống giảm độc lực (LAIV) do lo ngại về tính an toàn của vắc-xin sống được tiêm trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ mang thai không cần tránh tiếp xúc với những người mới tiêm LAIV. Phụ nữ sau sinh có thể được tiêm vắc-xin virus sống.

    Hiệu quả của vắc xin

    Giảm bệnh cúm và nhập viện ở bà mẹ

    Tiêm vắc-xin cúm đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh cúm ở bà mẹ. Phụ nữ mang thai đạt được khả năng bảo vệ trong huyết thanh ở mức tương tự như phụ nữ không mang thai, mặc dù có thể có một số khác biệt trong phản ứng kháng thể của phụ nữ mang thai đối với vắc-xin cúm so với phụ nữ không mang thai.

    Cải thiện kết quả thai kỳ

    Tiêm vắc-xin cúm giúp cải thiện kết quả thai kỳ. Trong một phân tích tổng hợp của bảy nghiên cứu quan sát đánh giá tác động của việc tiêm vắc-xin cúm cho bà mẹ đối với kết quả thai kỳ, tiêm vắc-xin cúm có liên quan đến việc giảm nguy cơ thai chết lưu. Những báo cáo đã chỉ ra rằng tiêm vắc-xin cúm có liên quan đến việc giảm nguy cơ trẻ sơ sinh nhỏ so với tuổi thai (SGA), sinh non và tăng cân nặng khi sinh của trẻ.

     

    Bảo vệ trẻ sơ sinh

    Ngoài việc bảo vệ phụ nữ đang mang thai, tiêm vắc-xin cúm trong thời kỳ mang thai còn bảo vệ trẻ sơ sinh trong nhiều tháng sau khi sinh. Trong đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp các nghiên cứu theo nhóm được thảo luận ở trên, trẻ sơ sinh của những phụ nữ đã tiêm vắc-xin có tỷ lệ giảm 41% mắc cúm. Tương tự như vậy, trong phân tích tổng hợp hiệu ứng ngẫu nhiên của hai thử nghiệm ngẫu nhiên bao gồm 5.742 người tham gia ở Nam Phi và Nepal, việc tiêm vắc-xin cúm cho mẹ có liên quan đến tỷ lệ giảm 34% mắc cúm ở trẻ sơ sinh.

    Tiêm chủng trước khi sinh cho mẹ tạo ra mức độ đáng kể immunoglobulin G huyết thanh đặc hiệu chống cúm (IgG), được truyền tích cực qua nhau thai đến thai nhi; và IgA đặc hiệu chống cúm trong sữa mẹ, được truyền cho trẻ sơ sinh trong thời kỳ cho con bú. Do đó, tiêm vắc-xin cho bà mẹ trước khi sinh là một chiến lược có hiệu quả để giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong liên quan đến cúm ở trẻ sơ sinh, những trẻ có nguy cơ mắc bệnh cúm nặng cao hơn và không đủ điều kiện tiêm vắc-xin cho đến sáu tháng tuổi vì trẻ không có phản ứng miễn dịch đầy đủ.

    Tiêm vắc-xin cúm cho bà mẹ cũng có thể làm giảm số lần nhập viện của trẻ do nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính do mọi nguyên nhân trước ba tháng tuổi. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ thụ động do tiêm vắc-xin cúm cho bà mẹ giảm đáng kể theo thời gian đến khi trẻ đủ điều kiện tiêm vắc-xin cúm.

    Tính an toàn

    Mặc dù phụ nữ mang thai thường lo ngại về tính an toàn của vắc-xin đối với thai nhi, nhiều nghiên cứu cho thấy không có nguy cơ biến chứng liên quan đến việc tiêm IIV cho phụ nữ mang thai so với dân số nói chung. Tương tự như vậy, không có kết quả bất lợi đáng kể nào đối với thai kỳ hoặc thai nhi được quan sát thấy ở những phụ nữ mang thai đã tiêm vắc-xin cúm.

    Mặc dù vắc-xin cúm có chứa tá dược chỉ được chấp thuận tại Hoa Kỳ để sử dụng cho những người ≥ 65 tuổi, đã có những kinh nghiệm từ Châu Âu cung cấp dữ liệu hạn chế nhưng đáng tin cậy về tính an toàn của vắc-xin cúm có chứa tá dược được tiêm cho phụ nữ mang thai.

    Không có bằng chứng nào cho thấy vắc-xin có chứa thimerosal gây hại cho con của những phụ nữ đã tiêm vắc-xin có chứa thimerosal trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, hiện đã có các công thức vắc-xin cúm theo mùa không chứa thimerosal.

     

    Tài liệu tham khảo

    Denise J Jamieson, MD, MPH, Sonja A Rasmussen, MD, MS. Seasonal influenza and pregnancy. www.uptodate.com. Last updated: Feb 25, 2025.

    Connect with Tu Du Hospital