DS. Lê Bảo Trang – Khoa Dược
Tiêu chảy liên quan đến kháng sinh xảy ra trên người bệnh đang hoặc gần đây có sử dụng kháng sinh. Một trong những trường hợp nguy hiểm nhất tiêu chảy liên quan đến kháng sinh là nhiễm khuẩn Clostridioides difficile (tên gọi trước đây là Clostridium difficile)
1. C. difficile là gì?
Hình minh họa - nguồn internet |
C. difficile là vi khuẩn gây nhiễm trùng đại tràng và viêm đại tràng. Đường tiêu hóa của người bình thường chứa hàng triệu vi khuẩn, được xem là hệ vi khuẩn thường trú có vai trò trong việc bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Sử dụng kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn có lợi, cho phép C. difficile nhân lên và phóng thích độc tố có thể làm tổn thương tế bào thành ruột, gây tiêu chảy, đau bụng, sốt và những triệu chứng khác.
C. difficile hiện diện rộng rãi trong môi trường và có thể tìm thấy trên bề mặt của tủ, tay nắm cửa, nhà vệ sinh và bồn nước tại bệnh viện. Vi khuẩn này có thể lây lan đến bệnh nhân khác thông qua việc tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm và/ hoặc bàn tay của nhân viên y tế. Rửa tay đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sự lây lan bệnh nhiễm C. difficile.
2. Yếu tố nguy cơ:
Một số yếu tố nguy cơ nhiễm C. difficile:
- Đang hoặc sử dụng kháng sinh gần đây – một số loại kháng sinh tăng nguy cơ nhiễm C. difficile hơn những loại kháng sinh khác.
Thường xuyên gây ra |
Thỉnh thoảng gây ra |
Hiếm khi gây ra |
|
|
|
- Đang hoặc nhập viện gần đây – Có đến 20% số người nhập viện và đến 50% số người ở viện dưỡng lão có vi khuẩn C. difficile trong phân. Tuy nhiên, phần lớn không có tiêu chảy hoặc những triệu chứng khác. Tiếp xúc với nguồn mang mầm bệnh trên gây gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
- Lớn tuổi – Nguy cơ nhiễm C. difficile cao gấp 10 lần trên bệnh nhân lớn hơn hoặc bằng 65 tuổi.
- Bệnh nặng – Bệnh nhân bị suy yếu miễn dịch do bệnh nền hoặc điều trị (hóa trị) tăng nguy cơ nhiễm C. difficile, đặc biệt trong thời gian nằm viện.
- Nhiễm C. difficile gần đây – Người bệnh bị nhiễm C. difficile gần đây và đã điều trị tăng nguy cơ tái nhiễm sau khi ngưng điều trị.
- Bệnh viêm ruột (Viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn viêm đại tràng) – Người bệnh viêm đại tràng tăng nguy cơ nhiễm C. difficile. Trong trường hợp này, có thể nhiễm C. difficile mặc dù không sử dụng kháng sinh trước đó.
3. Các triệu chứng nhiễm C. difficile:
Triệu chứng C. difficile có thể xuất hiện trong thời gian điều trị hoặc 5 đến 10 ngày sau khi ngưng kháng sinh, các triệu chứng rất ít xuất hiện sau 10 tuần.
Một số bệnh nhân có vi khuẩn trong phân. Tuy nhiên, không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nhiễm trùng và có thể truyền qua những người khác. Triệu chứng phổ biến nhất bao gồm tiêu chảy (3 lần/ ngày hoặc nhiều hơn, hoặc tiêu chảy liên quan đến đau bụng). Trong những trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có tiêu chảy nước (từ 10 đến 15 lần/ngày), có lẫn máu hoặc mủ trong phân, mất nước, đau bụng, sốt, buồn nôn, chán ăn và sụt cân.
Tình trạng nguy hiểm đến tính mạng khi nhiễm C. difficile xảy ra trên một số ít bệnh nhân. Dấu hiệu và triệu chứng nhiễm khuẩn nặng bao gồm đầy bụng, đau bụng nặng, sốt (cao hơn 101oF hoặc 38oC) và tiêu chảy cấp tính. Trong một số ít trường hợp, có thể dẫn đến thủng đường tiêu hóa, nhiễm trùng toàn thân (nhiễm trùng huyết), suy cơ quan hoặc thậm chí tử vong.
4. Chẩn đoán:
Chẩn đoán C. difficile dựa trên phân tích mẫu phân và độc tính của C. difficile
5. Điều trị nhiễm C. difficile:
Bước quan trọng nhất trong điều trị nhiễm trùng C. difficile là ngưng kháng sinh gây ra nhiễm trùng này. Nếu kháng sinh cần thiết để điều trị bệnh nhiễm trùng đang diễn tiến, nên chọn những kháng sinh ít có khả năng thúc đẩy sự phát triển của C. difficile nếu được.
5.1. Kháng sinh:
Sử dụng kháng sinh đúng giờ và kết thúc liệu trình (thông thường 10 đến 14 ngày). Các triệu chứng thỉnh thoảng trở lại trong vòng vài ngày hoặc vài tuần sau khi kết thúc điều trị.
5.2. Phẫu thuật:
Nếu bệnh nhân thất bại với điều trị kháng sinh, biện pháp hỗ trợ và nhiễm trùng nặng hơn, có thể cần phẫu thuật (để loại bỏ phần đại tràng), điều này chỉ áp dụng đối với bệnh nhân nhiễm bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
5.3. Liệu pháp hỗ trợ điều trị tiêu chảy:
Tiêu chảy có thể gây mất nước nhanh chóng, đặc biệt trong trường hợp nặng. Để tránh mất nước, một số giải pháp sau được khuyến cáo:
- Uống đủ nước:
Cần uống lượng dịch để cân bằng lượng dịch bị mất từ tiêu chảy.
Đánh giá tình trạng mất nước bằng cách quan sát màu của nước tiểu và tần suất tiểu của một người. Thông thường, nước tiểu màu vàng nhạt đến gần như không màu. Một người đủ nước thông thường đi tiểu mỗi 3 đến 4 giờ. Một người tiểu không thường xuyên và nước tiểu màu vàng tối nên uống nhiều nước hơn. Nếu bệnh nhân mất nước và không có khả năng bù nước bằng đường uống, nên bù dịch bằng đường tĩnh mạch tại cơ sở khám bệnh.
- Chế độ ăn uống:
Không có nhóm thức ăn cụ thể là tối ưu cho bệnh nhân tiêu chảy. Tuy nhiên, đủ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn tiêu chảy cấp. Đối với bệnh nhân không có cảm giác thèm ăn, có thể chỉ dùng thức ăn lỏng trong một thời gian ngắn. Nên tránh trái cây, rau tươi và sữa cho đến khi hết tiêu chảy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ciarán P Kelly, MD, Thomas Lamont, MD (2021). Patient education: Antibiotic-associated diarrhea caused by Clotridioides difficile (Beyond the Basics). Accessed on 3rd March 2022. https://www.uptodate.com/contents/antibiotic-associated-diarrhea-caused-by-clostridioides-difficile-beyond-thebasics?search=patient%20education:%20Antibiotic-associated%20diarrhea%20caused%20by%20Clostridiodes%20dificiile&source=search_result&selectedTitle=1~150&usage_type=default&display_rank=1