Ds. Đặng Nguyễn Quỳnh Như
Khoa Dược
Tăng huyết áp (THA) được định nghĩa là huyết áp tâm thu (SBP) từ 130 mmHg hoặc huyết áp tâm trương (DBP) từ 80 mmHg trở lên, là một trong những yếu tố nguy cơ chính của các bệnh tim mạch (CVD). Việc lựa chọn thuốc tránh thai chứa nội tiết tố (CHCs) phù hợp rất quan trọng vì một số thuốc tránh thai làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Tăng huyết áp cũng có thể là chống chỉ định tuyệt đối hoặc tương đối của các thuốc tránh thai chứa nội tiết tố.
Mức độ tăng huyết áp và việc đánh giá các yếu tố nguy cơ được xem là những điểm quan trọng khi lựa chọn thuốc tránh thai chứa nội tiết tố.
Ethinyl estradiol trong CHCs là nguyên nhân gây tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, phụ thuộc vào liều. Ethinyl estradiol là một estrogen tổng hợp, có tác động lên mạch máu và gan, dẫn đến kháng lực mạch máu, gây tăng huyết khối và hiện tượng tiền viêm, rối loạn lipid máu, là những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của bệnh tim mạch. Thuốc tránh thai nội tiết phối hợp làm tăng huyết áp bởi cơ chế tăng sản xuất angiotensinogen ở gan, kích hoạt hệ thống renin-angiotensin-aldosteron. Những biện pháp tránh thai nội tiết phối hợp ngoài đường uống (như qua da, đặt vòng tử cung, tiêm) hiện chưa có nhiều nghiên cứu trên phụ nữ tăng huyết áp; tuy nhiên, nguy cơ được xem như có thể so sánh với thuốc tránh thai phối hợp đường uống (COCs). COCs gây tăng huyết áp khoảng 2% phụ nữ, với khoảng tăng SBP từ 7 – 8 mmHg ở những COCs thế hệ cũ và giảm dần đối với những COCs thế hệ mới có nồng độ ethinyl estradiol ít hơn 20µg. Mặc dù việc sử dụng COC có liên quan đến tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch, tiền sử tăng huyết áp khi sử dụng COC không ảnh hưởng đến nguy cơ này.
Thành phần progestin khác nhau giữa các biện pháp tránh thai nội tiết tố. Phụ thuộc vào thành phần progestin mà có những tác động đến huyết khối khác nhau nhưng thường chúng không ảnh hưởng đến huyết khối như estrogen. Mặc dù các biện pháp tránh thai chỉ có progestin (POCs) không có tác động lên huyết áp, nhưng một số bằng chứng hạn chế cho rằng thuốc tiêm medroxyprogesterone acetate (DMPA) làm tăng lipoproteins, và điều này đối với những phụ nữ tăng huyết áp sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ. Đối với dụng cụ tử cung chỉ chứa progestin và implant chưa có nhiều dữ liệu.
Drospirenone, một loại progestin mới với cấu trúc tương tự spironolacton, có tác dụng ức chế receptor aldosterone và chống bài niệu, điều này có thể trung hòa tác động tăng hoạt hệ thống renin-angiotensin-aldosterone của estrogen. Drospirenone trong COCs làm giảm huyết áp ở những bệnh nhân tăng huyết áp nhẹ. Tuy nhiên, drospirenone lại có mối liên hệ với việc tăng nhẹ nguy cơ huyết khối tĩnh mạch so với những COCs có chứa progestins khác, mặc dù điều này không ảnh hưởng đến khuyến cáo điều trị.
Hướng dẫn điều trị
Phương pháp tiếp cận để lựa chọn thuốc tránh thai chứa nội tiết tố sử dụng cho phụ nữ có tăng huyết áp bao gồm đo huyết áp, đánh giá các yếu tố nguy cơ, cân nhắc tuổi và mức độ tăng huyết áp.
Đối với CHCs, những khuyến cáo sử dụng thuốc không khác nhau giữa các loại progestin, chỉ bao gồm liều ethinyl estradiol dưới hoặc bằng 35µg, và kết hợp với những dạng chế phẩm sử dụng qua da và vòng đặt tử cung.
Năm 2019, Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ xuất bản Hướng dẫn thực hành lâm sàng bao gồm các hướng dẫn điều trị tăng huyết áp cập nhật. Ở phụ nữ bị THA, việc theo dõi huyết áp thường xuyên rất quan trọng sau khi bắt đầu điều trị bằng CHCs, và nên ngừng sử dụng nếu huyết áp tăng. Các thay đổi đối với tăng huyết áp có thể đảo ngược và có thể trở lại mức trước khi sử dụng trong vòng 3 tháng kể từ khi ngừng thuốc.
Tóm lại, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ các bệnh tim mạch. Với những phụ nữ tăng huyết áp, một vài loại thuốc tránh thai chứa nội tiết tố làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Việc chọn loại thuốc tránh thai chứa nội tiết tố phù hợp cho phụ nữ tăng huyết áp dựa trên tuổi và mức tăng huyết áp. POCs nhìn chung tương đối an toàn với những phụ nữ tăng huyết áp, nhưng COCs nên được chỉ định thận trọng và chỉ định cho phụ nữ dưới 35 tuổi. Cần có thêm các nghiên cứu để hiểu rõ các hướng dẫn cập nhật điều trị THA có thể thay đổi việc chỉ định tránh thai bằng nội tiết tố dựa trên định nghĩa mới về tăng huyết áp giai đoạn I và sự tác động của các loại thuốc điều trị THA khác nhau đến nguy cơ CVD của các biện pháp tránh thai nội tiết tố.
Ngoài ra, cần có các nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ về tính an toàn của các chế phẩm nội tiết tố không tiêm và các biện pháp tránh thai nội tiết tố liều cực thấp (tức là 10μg ethinyl estradiol) sử dụng trên phụ nữ bị tăng huyết áp.
Tài liệu tham khảo: Shufelt C, LeVee A. Hormonal Contraception in Women With Hypertension. JAMA. 2020;324(14):1451–1452. doi:10.1001/jama.2020.11935
TỔ TRƯỞNG ĐƠN VỊ THÔNG TIN THUỐC
|
HỘI ĐỒNG THUỐC VÀ ĐIỀU TRỊ
|