DS. Lê Bảo Trang – Khoa Dược

    Dịch tễ (1)

    Hội chứng người đỏ (Red man syndrome – RMS) là phản ứng không mong muốn thường gặp nhất với tỷ lệ 4% đến 50% khi truyền tĩnh mạch Vancomycin.

    Cơ chế (2)

    RMS là một dạng của phản ứng giả dị ứng với dấu hiệu và triệu chứng tương tự dị ứng thuốc, cơ chế miễn dịch qua trung gian IgE chưa được chứng minh. Vancomycin hoạt hóa trực tiếp tế bào mast, phóng thích các chất trung gian vận mạch như histamine.

    Mối liên quan đến tốc độ truyền (1,2)

    RMS thường liên quan đến việc truyền nhanh Vancomycin (truyền 1 g dưới 1 giờ).

    Để ngăn ngừa RMS, Vancomycin nên được truyền không quá 10mg/phút hoặc thời gian truyền 1 g Vancomycin tối thiểu là 100 phút (ưu tiên lựa chọn có tốc độ truyền chậm hơn).

    Đặc điểm lâm sàng (1,2)

    Đặc điểm lâm sàng của RMS bao gồm đỏ bừng, ban đỏ và ngứa, thường xảy ra ở phần thân trên của cơ thể, cổ và mặt hơn là phần thân dưới. Đau và co thắt cơ ở vùng cổ và ngực, có thể xảy ra khó thở và hạ huyết áp. RMS hiếm gây nguy hiểm đến tính mạng, mặc dù có thể xảy ra độc tính trên hệ tim mạch và thậm chí là ngưng tim.

    RMS thường xảy ra trong vòng 4 đến 10 phút từ khi bắt đầu truyền tĩnh mạch liều đầu Vancomycin. Hội chứng này có thể xảy ra trong quá trình truyền, vừa mới kết thúc truyền hoặc ở các lần truyền tiếp theo trong vòng 7 ngày.

    Điều trị hội chứng người đỏ (2)

    Phản ứng nhẹ (đỏ bừng nhưng không gây khó chịu cho bệnh nhân), triệu chứng đặc trưng được cải thiện trong vòng vài phút và không cần sử dụng thuốc kháng histamine. Có thể truyền lại Vancomycin với tốc độ truyền bằng một nửa tốc độ trước đó.

    Phản ứng ở mức độ vừa (bệnh nhân cảm thấy khó chịu vì đỏ bừng hoặc ban đỏ tuy nhiên huyết động học ổn định và không đau ngực, co thắt cơ), nên ngưng truyền và điều trị bằng thuốc diphenhydramine (50mg đường uống hoặc đường tĩnh mạch), và famotidine (20mg tiêm tĩnh mạch). Có thể truyền lại Vancomycin với tốc độ truyền bằng một nửa tốc độ trước đó hoặc 10mg/phút (ưu tiên lựa chọn có tốc độ truyền chậm hơn).

    Phản ứng ở mức độ nặng (co thắt cơ, đau ngực hoặc hạ huyết áp), ngưng truyền, điều trị với diphenhydramine (50mg tĩnh mạch) và famotidine (20mg tĩnh mạch) và nếu có hạ huyết áp cần phải truyền dịch. Nếu triệu chứng được cải thiện, có thể bắt đầu truyền lại vancomycin trong vòng 4 giờ hoặc dài hơn 4 giờ. Nếu tiếp tục sử dụng, nên sử dụng thuốc kháng histamine trước mỗi liều, truyền dài hơn 4 giờ và tiếp tục theo dõi huyết động học trong quá trình truyền.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Martel TJ, Jamil RT, King KC. Red Man Syndrome. [Updated 2020 Nov 30]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2020 Jan-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482506/. 

    2. Peter F Weller (2020), Vancomycin hypersensitivity, viewed Jan 2021. Available: https://www.uptodate.com/contents/vancomycin-hypersensitivity?source =history _widget

    Ds. Lê Bảo Trang

    Connect with Tu Du Hospital