Ds Lê Bảo Trang – Khoa Dược

    (Dịch)

    Một nghiên cứu mới được tiến hành bởi Viện sức khỏe và phát triển con người Quốc gia (NICHD) tại Mỹ cho thấy rằng thực phẩm bổ sung hằng ngày chứa kẽm và acid folic được quảng cáo như là một biện pháp điều trị đối với bệnh vô sinh ở nam giới không cải thiện tỷ lệ mang thai, số lượng tinh trùng và chức năng tinh trùng. Những kết quả này được công bố trên tạp chí JAMA (Journal of the American Medical Association).

    Theo tác giả của nghiên cứu, đa số những thực phẩm bổ sung nhằm cải thiện khả năng sinh sản chứa kẽm và aicd folic. Kẽm là khoáng chất cần thiết đối với sự hình thành tinh trùng  và folate, dạng hợp chất tự nhiên của acid folic, phụ thuộc vào kẽm để hình thành DNA của tinh trùng. Những nghiên cứu trước đây về các dưỡng chất như là một biện pháp điều trị vô sinh ở nam giới cho kết quả trái ngược nhau.

    Trong nghiên cứu này, tác giả tiến hành trên 2.370 cặp đôi dự định điều trị vô sinh ở 4 thành phố tại Mỹ và những khu vực lân cận. Nam giới được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm dùng giả dược hoặc dùng thực phẩm bổ sung hằng ngày chứa 5 miligam acid folic và 30 miligam kẽm.

    Tỷ lệ mang thai tương tự giữa hai nhóm, với 404 (34%) ở nhóm dùng thực phẩm bổ sung và 416 (35%) ở nhóm dùng giả dược. Không có sự khác biệt về sức khỏe tinh trùng (sự di động, hình dạng và tổng số lượng tinh trùng) giữa hai nhóm.

    Tỷ lệ phân mảnh DNA tinh trùng hoặc mảnh vỡ DNA trong tinh trùng cao hơn ở nhóm dùng thực phẩm chức năng (29,7%) so với nhóm dùng giả dược (27,2%). Theo báo cáo, những nghiên cứu trước đây cho thấy có sự liên kết giữa tỷ lệ DNA phân mảnh của tinh trùng đến vô sinh.

    Ngoài ra, nam giới ở nhóm dùng thực phẩm bổ sung cũng có tỷ lệ triệu chứng trên đường tiêu hóa cao hơn so với nhóm giả dược: triệu chứng khó chịu ở bụng (6% so với 3%), buồn nôn (4% so với 2%) và nôn mửa (3% so với 1%).

    Nghiên cứu của chúng tôi là một trong những nghiên cứu ngẫu nhiên đối chứng nhằm đánh giá  việc thực phẩm bổ sung chứa acid folic và kẽm có giúp cải thiện khả năng sinh sản ở nam giới hay không? Những kết quả cho thấy rằng thực phẩm bổ sung hằng ngày có rất ít hoặc không có tác dụng trên khả năng sinh sản và thậm chí có thể gây ra những triệu chứng trên đường tiêu hóa ở mức độ nhẹ, theo người thực hiện nghiên cứu Enrique Schisterman, PhD, the NICHD Division of Intramural Population Health Research.

     

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    Zinc, Folic Acid Supplement Does Not Improve Male Fertility, NIH Study Suggests [press release]. NIH website. Published January 7, 2020. https://www.nih.gov/news-events/news-releases/zinc-folic-acid-supplement-does-not-improve-male-fertility-nih-study-suggests. Accessed January 7, 2020.

    Ds Lê Bảo Trang

    Connect with Tu Du Hospital