Ths.Ds Thân Thị Mỹ Linh – Khoa Dược

    (lược dịch)

    Tháng 7 năm 2018, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ - FDA đã ban hành Cảnh báo an toàn thuốc để cảnh báo cho nhân viên y tế và bệnh nhân về nguy cơ hôn mê hạ đường huyết và rối loạn tâm thần bất lợi liên quan đến việc sử dụng kháng sinh fluoroquinolon.

    FDA yêu cầu cập nhật thông tin cảnh báo và biện pháp phòng ngừa đối với tác dụng bất lợi gây hôn mê hạ đường huyết và tác dụng phụ liên quan đến sức khỏe tâm thần vào thông tin kê toa, hướng dẫn sử dụng thuốc cho tất cả các fluoroquinolon dùng đường toàn thân (dạng uống và dạng tiêm).

    Các cảnh báo này là kết quả phân tích về các tác dụng phụ sau khi đưa ra thị trường được xác định thông qua hệ thống báo cáo về tác dụng phụ của FDA - FAERS và các tài liệu y khoa được xuất bản. Các phân tích của FDA bao gồm các báo cáo an toàn cho 5 fluoroquinolon là ciprofloxacin, gemifloxacin, levofloxacin, moxifloxacin và ofloxacin. Cảnh báo này không bao gồm delafloxacin, một fluoroquinolon mới được phê duyệt vào tháng 6 năm 2017.

    Hôn mê hạ đường huyết

    Từ tháng 10 năm 1987 đến tháng 4 năm 2017, FAERS đã nhận được 56 báo cáo về tình trạng hôn mê hạ đường huyết sau khi sử dụng fluoroquinolon. Ngoài ra, các nhà điều tra đã xác định 11 trường hợp được công bố sự liên quan của nhóm thuốc với hôn mê hạ đường huyết. Hầu hết các trường hợp liên quan đến bệnh nhân cao tuổi hoặc những người bị suy thận hoặc tiểu đường. Trong số 47 bệnh nhân đang điều trị bệnh tiểu đường bằng các thuốc hạ đường huyết, 35 bệnh nhân đang dùng sulfonylurea. Tuy nhiên, gần 1/3 các trường hợp được báo cáo là những bệnh nhân không được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường và không được chỉ định các thuốc hạ đường huyết. Trong tổng số 67 trường hợp, 9 bệnh nhân bị tàn tật vĩnh viễn và 13 bệnh nhân tử vong do hạ đường huyết quá nặng. Các chuyên gia FDA lưu ý rằng suy thận có thể đã làm phức tạp hơn tình trạng này.

    Tác dụng tâm thần bất lợi

    Hệ thống báo cáo về tác dụng phụ sau khi đưa ra thị trường của FDA - FAERS và các tài liệu y khoa được công bố liên quan đến các tác dụng tâm thần bất lợi do sử dung fluoroquinolon.

    Nhãn cảnh báo tác dụng bất lợi đối với hệ thần kinh trung ương (CNS) khác nhau giữa các thuốc trong nhóm, bao gồm các cảnh báo về sự lo lắng, lú lẫn, trầm cảm, ảo giác và rối loạn tâm thần.

    Để chuẩn hóa ghi nhãn cho cả nhóm, 6 tác dụng phụ sau đây sẽ được đưa vào cảnh báo và phòng ngừa: kích động, mê sảng, mất phương hướng, rối loạn chú ý, suy giảm trí nhớ và hồi hộp. Các tác dụng này đã được quan sát thấy chỉ sau một liều fluoroquinolon.

    Các bằng chứng mới được công bố hỗ trợ mạnh mẽ cảnh báo an toàn của FDA. Một phân tích tổng hợp từ 28 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng đánh giá tác dụng phụ của việc sử dụng fluoroquinolon đường uống trong các cơ sở y tế đã xác định nguy cơ tăng tác dụng bất lợi đối với hệ thần kinh trung ương. So với nhóm nghiên cứu kết hợp đánh giá; trong đó macrolid, trimethoprim/sulfamethoxazol, cefuroxim, amoxicillin/acid clavulanic hoặc giả dược là chất so sánh; fluoroquinolon đường uống có nguy cơ cao hơn 40% gây ra các tác dụng phụ bất lợi trên hệ thần kinh trung ương (OR 1,4; khoảng tin cậy 95%; 1,12-1,75). Tuy nhiên, các tác dụng bất lợi được mô tả trong các nghiên cứu ít nghiêm trọng hơn (run, chóng mặt, mất ngủ, suy nhược) so với các tác dụng bất lợi cảnh báo trên nhãn thuốc.

    Lưu ý khi điều trị

    Cần cân nhắc giữa nguy cơ gây hạ đường huyết hoặc rối loạn tâm thần nghiêm trọng cần với các lợi ích điều trị của các fluoroquinolon cho tất cả bệnh nhân. Nên theo dõi chặt chẽ khi sử dụng fluoroquinolon đường uống và tiêm ở bệnh nhân cao tuổi và những người bị suy thận do tăng nguy cơ tích lũy thuốc, những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường hoặc những người đang dùng thuốc hạ đường huyết do nguy cơ hạ đường huyết nặng.

    Lựa chọn các thuốc khác thay thế để điều trị viêm xoang cấp tính, viêm phế quản cấp tính và mãn tính hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu không biến chứng.  Hiệp hội bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ IDSA khuyến cáo nên chọn amoxicillin/acid clavulanic thay cho fluoroquinolon là kháng sinh đầu tay điều trị viêm xoang cấp tính do vi khuẩn.

    Theo IDSA và hiệp hội Vi trùng học và Bệnh truyền nhiễm Châu Â; amoxicillin-clavulanate, TMP / SMX hoặc nitrofurantoin có thể được sử dụng trong các nhiễm trùng đường tiết niệu không biến chứng thay cho fluoroquinolon.

    Chỉ sử dụng fluoroquinolon cho các tình huống lâm sàng mà không có biện pháp thay thế phù hợp để làm giảm tỷ lệ tác dụng phụ nghiêm trọng và nguy cơ biến chứng về sau.

    Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng fluoroquinolon, bệnh nhân nên được hướng dẫn tự theo dõi để giảm thiểu rủi ro cho các tác dụng phụ nghiêm trọng. Tất cả bệnh nhân sử dụng fluoroquinolon toàn thân nên được biết về khả năng thay đổi trí nhớ, mức độ chú ý và các chức năng tâm thần khác và phải báo cáo các dấu hiệu về tác dụng bất lợi đối với hệ thần kinh trung ương cho nhân viên y tế. Bệnh nhân tiểu đường cần biết về nguy cơ thay đổi nồng độ glucose trong máu và phải theo dõi đường huyết thường xuyên hơn. Bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng hạ đường huyết: lo lắng, nhầm lẫn, tăng nhịp tim, đau đầu và đổ mồ hôi, tiến triển đến co giật hoặc hôn mê nếu không được điều trị thích hợp.

    Nếu tác dụng phụ hạ đường huyết hoặc rối loạn thần kinh trung ương nghiêm trọng xảy ra trong khi điều trị bằng fluoroquinolon, nên ngừng thuốc ngay lập tức và sử dụng liệu pháp điều trị khác thay thế.

    Kết luận

    Trước đây, fluoroquinolon đã có các cảnh báo về khả năng tổn thương gân, cơ, khớp hoặc thần kinh vĩnh viễn và không hồi phục gân, bệnh thần kinh ngoại biên nghiêm trọng và kéo dài khoảng QT.  Các rối loạn hiếm gặp nhưng nghiêm trọng về đường huyết và tác dụng phụ của hệ thần kinh trung ương là những bổ sung mới nhất trong hồ sơ an toàn fluoroquinolon. Các nhân viên y tế nên sử dụng thông tin này để lưu ý hơn khi kê đơn chỉ định fluoroquinolone.

    Tài liệu tham khảo

    https://www.medscape.com/viewarticle/906214

    Ths.Ds Thân Thị Mỹ Linh

    Connect with Tu Du Hospital