Nội dung: Thông tin về vancomycin
1. Dược lý học:
Dược lực học
- Vancomycin có tác dụng tốt trên các vi khuẩn Gram dương ưa khí và kỵ khí, bao gồm: tụ cầu (Staphylococcus aureus, Staphylococcus epidermidis, kể cả các chủng kháng methicilin không đồng nhất), liên cầu (Streptococcus pneumonia - kể cả chủng đã kháng penicilin, Streptococcus agalactiae, Streptococcus pyogenes, Streptococcus bovis), Enterococcus faecalis và Clostridium.
- Với các Enterococcus, vancomycin không có hiệu lực cao như với các Staphylococcus. Thuốc chỉ có tác dụng kìm khuẩn. Trong những năm gần đây, đã có sự gia tăng các chủng E. faecium kháng vancomycin, đây là mối đe dọa lớn chỉ có thể ngăn chặn bằng cách hạn chế dùng vancomycin. Tính kháng thuốc của các Enterococcus có thể thông qua plasmid, do vậy sẽ có nguy cơ lan truyền trong bệnh viện nếu sử dụng vancomycin quá rộng rãi.
- Các vi khuẩn Gram âm đều kháng lại vancomycin.
Dược động học:
- Hấp thu: vancomycin hấp thu yếu qua đường tiêu hóa. Ở người có chức năng thận bình thường, truyền tĩnh mạch 1g vancomycin (15mg/kg) trong 60 phút, nồng độ thuốc tối đa trong huyết tương khoảng 63mcg/ml, đạt được ngay sau khi truyền xong. Nồng độ thuốc trong huyết tương lần lượt là khoảng 23 mcg/ml và 8mcg/ml tại thời điểm 1 giờ và 11 giờ sau khi truyền.
- Phân bố: tỷ lệ liên kết protein huyết tương của thuốc khoảng 30-60%, có thể giảm xuống 19 – 29% ở người bệnh bị giảm albumin máu (bỏng, suy thận giai đoạn cuối…). thuốc qua được nhau thai, phân bố vào máu cuống rốn. Vancomycin có thải trừ vào sữa.
- Thải trừ: vancomycin thải trừ chủ yếu qua thận. Ở người có chức năng thận bình thường, khoảng 75 - 90% liều dùng được thải trừ ở dạng không đổi qua nước tiểu nhờ lọc ở cầu thận, một lượng nhỏ được thải trừ qua mật.
2. Chỉ định
- Điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nặng đe dọa tính mạng gây ra bởi tụ cầu và các vi khuẩn Gram dương khác mà không thể sử dụng các kháng sinh thông thường như penicilin, cephalosporin (do bị kháng đặc biệt là các trường hợp nhiễm khuẩn do tụ cầu vàng kháng Methicilin hoặc người bệnh không dung nạp được thuốc).
- Vancomycin được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với các kháng sinh khác để mở rộng phổ kháng khuẩn hoặc tăng hiệu quả điều trị, chủ yếu là với gentamicin và các aminglycosid khác hoặc với rifampicin.
3. Liều dùng
Căn cứ vào hệ số thanh thải creatinin (ClCr) để xác định liều khởi đầu.
Hệ số thanh thải creatinin ClCr (ml/phút) |
Liều khởi đầu (g) |
Khoảng đưa liều (giờ) |
> 90 |
1,5 |
12 |
60 - 90 |
1 |
12 |
20 - 59 |
1 |
24 |
<20 |
1 |
48 |
Công thức Cockcroft - Gault tính độ thanh thải creatinin Clcr (ml/phút)
Clcr (ml/phút) = |
(140-tuổi) × Cân nặng (kg) × (0,85 nếu là nữ giới) |
Nồng độ creatinin huyết thanh (µmol/l) × 0,815 |
4. Cách sử dụng
Cách pha:
Lấy 10ml nước cất vào lọ 500mg hoặc 20ml vào lọ 1g vancomycin lắc cho tan.
Pha loãng tiếp với dung dịch Natri chlorid 0,9% hoặc Glucose 5%.
Nồng độ tối đa cần pha là 5mg/ml để hạn chế tác dụng không mong muốn do truyền như: viêm tĩnh mạch và phản ứng giả dị ứng (trong trường hợp người bệnh cần hạn chế truyền dịch, nồng độ có thể pha là 10mg/ml):
Liều dùng (g) |
Thể tích pha truyền (ml) |
≤ 0,5 |
100 |
1 – 1,25 |
250 |
1,5 – 2,5 |
500 |
Lưu ý: Không truyền vancomycin cùng đường truyền với các thuốc: albumin, ceftriaxon, ceftazidim, cefepim, piperacillin-tazobactam, cloramphenicol, benzyl penicillin, calci clorid, natri bicarbonat, heparin, omeprazol.
Tốc độ truyền:
Căn cứ vào liều dùng để xác định tốc độ truyền phù hợp nhằm hạn chế tác dụng không mong muốn do truyền như: viêm tĩnh mạch và phản ứng giả dị ứng.
Liều dùng (g) |
Thời gian truyền tối thiểu (phút) |
≤ 1 |
60 |
1,25 – 1,5 |
90 |
1,75 – 2 |
120 |
2,25 – 2,5 |
180 |
5. Lưu ý khi sử dụng thuốc
- Theo dõi tác dụng không mong muốn: một số các tác dụng không mong muốn như phản ứng giả dị ứng, hạ huyết áp, đau và co thắt cơ, viêm tắc tĩnh mạch, giảm khả năng nghe hoặc điếc, tăng creatinin và nitrogen huyết thanh.
- Tương tác thuốc: giám sát chức năng thận và thính lực khi dùng đồng thời vancomycin với các thuốc có độc tính trên thận và/hoặc trên tai như aminoglycosid, amphotericin B, colistin.
- Chống chỉ định: người bệnh mẫn cảm với vancomycin
6. Giám sát nồng độ thuốc trong máu
Tiến hành giám sát nồng độ thuốc trong máu một trong những trường hợp:
- Nhiễm khuẩn nặng hoặc
- Có chỉ định dùng vancomycin > 3ngày hoặc
- Dùng liều ≥ 3g/ngày hoặc
- Người bệnh có chức năng thận không ổn định hoặc có lọc máu hoặc
- Có sử dụng đồng thời với thuốc độc tính trên thận (aminoglycosid, amphotericin B, colistin…).
Căn cứ vào khoảng đưa liều để xác định thời gian lấy máu đo nồng độ đáy:
Khoảng đưa liều (giờ) |
Thời gian lấy máu đo nồng độ đáy |
Đích nồng độ đáy cần đạt (µg/mL) |
12 |
Trước khi truyền liều thứ 4 hoặc 5 |
10 - 20 |
12 |
Trước khi truyền liều thứ 4 hoặc 5 |
|
24 |
Trước khi truyền liều thứ 3 |
|
48 |
Trước khi truyền liều thứ 2 |
Tài liệu tham khảo
- Bộ y tế (2015), Dược thư quốc gia Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
- Bệnh viện Bạch Mai (2013), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa, Nhà xuất bản Y học 2013.
- Bệnh viện Chợ Rẫy (2016), Hướng dẫn sử dụng kháng sinh, Nhà xuất bản Y học.
- Thông tin kê toa sản phẩm Vancomycin.
- Center for Diease Control and Prevention. Recommendations for preveting and spread of vancomycin resistance: recommendations of Hospital Infection Control Practices Advisory Committee (HICPAC). Mordid Mortal Wkly Rep 1995;44 (RR - 12): 1-13
- eTG complete (2010), Therapeutic Guidelines.
- Rybak MJ et al (2009), "Therapeutic monitoring of vancomycin in adult patients: A consensus review of the American Society of Health-Systerm Pharmacists, the Infectious Diseases Society of America, and the Society of Infectious Diseases Pharmacists ", American Journal of Health-System Pharmacy, 66, 82-98.
Ds.Ck2. Nguyễn Thị Lầu Ths. Bs. Lê Quang Thanh