Ds Thân Thị Mỹ Linh (lược dịch)
    Khoa Dược

    Trên bản trực tuyến ngày 22 tháng 5 năm 2017 của tạp chí Pediatrics, Viện nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) mới ban hành các khuyến cáo về sử dụng nước ép trái cây cho trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và thanh thiếu niên, bắt đầu bằng lời khuyên tránh không dùng nước ép trái cây trong năm đầu tiên của trẻ.

    Trong lịch sử, nước ép trái cây đã được các bác sĩ nhi khoa khuyên dùng như là một nguồn vitamin C và là nguồn bổ sung nước cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nước ép trái cây đôi khi được khuyến cáo cho trẻ bị táo bón. Nước ép trái cây có vị ngon, chứa nhiều vitamin tự nhiên và trẻ em dễ dàng chấp nhận.

    Mặc dù sử dụng nước ép trái cây có một số lợi ích nhưng vẫn có những tác động có hại tiềm tang như: hàm lượng đường cao làm tăng lượng calo tiêu thụ và nguy cơ sâu răng; việc thiếu chất đạm và chất xơ trong nước trái cây có thể dẫn đến tăng cân không hợp lý (quá nhiều hoặc quá ít).

    Để được dán nhãn là nước ép trái cây, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) yêu cầu một sản phẩm phải là nước trái cây 100%. Đối với các loại nước được làm từ chất chiết cô đặc, nhãn phải ghi rõ sản phẩm được tái tạo từ chất chiết cô đặc. Nước giải khát ít hơn 100% nước trái cây, phải liệt kê tỷ lệ phần trăm nước trái cây của sản phẩm đó và đồ uống phải bao gồm thuật ngữ mô tả như "đồ uống", "nước giải khát" hoặc "cocktail".

    Thành phần của nước ép trái cây: nước là thành phần chủ yếu của nước ép trái cây; carbohydrate, bao gồm sucrose, fructose, glucose, và sorbitol là những chất dinh dưỡng phổ biến tiếp theo trong nước trái cây. Nồng độ carbohydrate dao động từ 11g% (0.44 kcal/mL) đến > 16g% (0.64 kcal/mL). Sữa mẹ và sữa bột dành cho trẻ sơ sinh có nồng độ carbohydrate là 7g%. Nước ép có chứa một lượng nhỏ chất đạm và khoáng chất. Một số loại nước trái cây có hàm lượng kali, vitamin A và vitamin C cao.

    Một số tác dụng có hại của nước ép trái cây

    - Nước ép từ nhiều trái cây (như bưởi, blueberry, lựu, táo) chứa flavonoid có thể làm giảm hoạt động của một số enzyme và các protein vận chuyển quan trọng (CYP3A4), kết quả là tạo ra các tương tác thuốc – thức ăn (tăng khả dụng sinh học) của các thuốc chuyển hóa qua CYP3A4 như cyclosporine, tacrolimus, atorvastatin, felodipine, fexofenadine, các thuốc kháng retrovirus. Nước ép bưởi, nước ép cam và táo cũng làm giảm hoạt động chất vận chuyển axit hữu cơ OATP2B1.

    - Hàm lượng carbohydrate cao trong nước trái cây (11-16 g%) có thể vượt quá khả năng hấp thu carbohydrate của ruột, dẫn đến sự giảm hấp thu carbohydrate. Carbohydrate từ nước ép không hấp thu vào ruột non sẽ được lên men bởi vi khuẩn trong đại tràng gây tiêu chảy. Khi tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến tiêu chảy mãn tính, đầy hơi và đau bụng.

    -  Một số nghiên cứ chỉ ra rằng trẻ sơ sinh tiếp xúc với nước cam có khả năng phát triển dị ứng. Sự xuất hiện của ban dị ứng ở một số trẻ sơ sinh sau khi dùng nước cam ép tươi có thể do các tác động gây kích ứng hoá học của acid.

    Sử dụng nước ép trái cây ở trẻ dưới 1 tuổi

    AAP khuyến cáo sữa mẹ nên là chất dinh dưỡng duy nhất cho trẻ sơ sinh cho đến khi trẻ được 6 tháng tuổi. Đối với những bà mẹ không thể cho con bú sữa mẹ hoặc không muốn cho con bú sữa mẹ, sữa công thức có thể được sử dụng làm nguồn dinh dưỡng chính mà không cần bổ sung thêm chất dinh dưỡng.

    Không sử dụng nước ép trái cây cho trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi. Việc cung cấp nước trái cây trước khi ăm dặm có nguy cơ thay thế sữa mẹ hoặc sữa bột cho trẻ sơ sinh, có thể làm giảm hấp thu chất đạm, chất béo, vitamin, các khoáng chất (sắt, canxi và kẽm…). Suy dinh dưỡng và thấp còi ở trẻ em đã được chứng minh có liên quan đến việc sử dụng nước ép trái cây quá mức.

    Nên tránh sử dụng nước trái cây ở trẻ sơ sinh trước 1 tuổi. Nếu nước ép được chỉ định về mặt y khoa cho trẻ sơ sinh trên 6 tháng tuổi, cho trẻ uống nước bằng ly thay vì uống bằng bình. Chú ý đến vấn đề răng miệng của trẻ khi sử dụng nước ép, tiếp xúc với các chất đường trong nước ép là một yếu tố nguy cơ gây sâu răng.

    Khuyến khích trẻ sơ sinh tiêu sử dụng trái cây được tán nhỏ hoặc nghiền nát. Sau 1 năm tuổi, nước ép trái cây có thể được sử dụng như là một phần của bữa ăn hoặc như là một bữa ăn nhẹ.

    Sử dụng nước ép trái cây cho trẻ 1-6 tuổi

    Hầu hết các vấn đề liên quan đến uống nước ép cho trẻ sơ sinh cũng có liên quan đến trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ. Nước ép trái cây và đồ uống chứa trái cây có thể dễ dàng bị trẻ em và trẻ nhỏ sử dụng quá nhiều mùi vị hấp dẫn. Các sản phẩm này được đóng gói một cách thuận tiện để vận chuyển và sử dụng. Bởi vì nước ép trái cây được coi là bổ dưỡng, số lượng sử dụng thường không được cha mẹ kiểm soát.

    Trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên được khuyến khích nên ăn trái cây thay vì uống nước ép trái cây. Sử dụng nhiều nước ép trái cây có thể gây tiêu chảy, suy dinh dưỡng và sâu răng. Sử dụng nước ép trái cây pha loãng không làm giảm các nguy cơ về răng miệng.

    Sử dụng nước ép trái cây trẻ 7-18 tuổi

    Mức tiêu thụ nước ép trái cây giảm ở nhóm trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên. Tuy nhiên, lượng nước uống nên được giới hạn 8 ounces/ngày, chiếm một nửa lượng trái cây được khuyến cáo mỗi ngày.

    Khuyến khích việc ăn trái cây vì lượng chất xơ và thời gian tiêu thụ lâu hơn sẽ có ích cho cơ thể hơn. Năng lượng từ việc sử dụng nước ép trái cây quá nhiều có thể góp phần gây béo phì.

    Kết luận

    1. Nước ép trái cây không có lợi ích dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi.
    2. Nước ép trái cây không có lợi ích dinh dưỡng khi so sánh với ăn trái cây cho trẻ sơ sinh và trẻ em; không có vai trò thiết yếu trong chế độ ăn uống khỏe mạnh và cân bằng của trẻ em.
    3. Một trăm phần trăm nước ép trái cây có thể là tốt cho chế độ ăn uống của trẻ em trên 1 tuổi. Tuy nhiên, đồ uống trái cây không đạt giá trị dinh dưỡng như nước ép trái cây.
    4. Nước trái cây không thích hợp trong điều trị mất nước hoặc tiêu chảy.
    5. Sử dụng nước ép quá mức có thể gây suy dinh dưỡng.
    6. Tiêu thụ nước ép quá mức có thể gây tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng và sâu răng.
    7. Các sản phẩm nước ép chưa được khử trùng có thể chứa các mầm bệnh gây ra các chứng bệnh nghiêm trọng.
    8. Nước ép trái cây có bổ sung canxi cung cấp một nguồn canxi và vitamin D nhưng thiếu các chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ, sữa công thức hoặc sữa bò.

    Nguồn

    http://pediatrics.aappublications.org/content/early/2017/05/18/peds.2017-0967

    Ds. Thân Thị Mỹ Linh

    Connect with Tu Du Hospital