Ths. Ds Thân Thị Mỹ Linh (lược dịch)
    Khoa Dược

    Ngày 27 tháng 2 năm 2017, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố danh sách các mầm bệnh đề kháng kháng sinh cần ưu tiên để phát triển các kháng sinh mới. Tổ chức Y tế thế giới công bố danh sách này nhằm hướng dẫn và hỗ trợ việc nghiên cứu và phát triển (R & D) các loại kháng sinh mới. Danh sách này là công cụ mới để đảm bảo R & D đáp ứng những nhu cầu khẩn cấp của y tế công cộng.

    Danh sách của WHO được chia thành các mức độ ưu tiên bao gồm: cấp thiết, cao và trung bình để diễn tả mức độ cấp bách của kháng sinh.

    Mức độ ưu tiên "cấp thiết" bao gồm các vi khuẩn đa kháng gây ra mối đe dọa nghiêm trọng ở các bệnh viện, nhà dưỡng lão, những bệnh nhân cần các thiết bị chăm sóc như thông khí và catheter mạch máu. Các vi khuẩn này bao gồm Acinetobacter, Pseudomonas và nhiều chủng Enterobacteriaceae (bao gồm Klebsiella, E coli, SerratiaProteus) có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng và thường gây chết người, như nhiễm trùng máu và viêm phổi. Các vi khuẩn này đã kháng với một số lượng lớn thuốc kháng sinh, bao gồm carbapenems và cephalosporins thế hệ thứ ba – những thuốc kháng sinh tốt nhất hiện có để điều trị vi khuẩn đa đề kháng.

    Nhóm thứ hai và thứ ba trong danh sách ứng với mức độ ưu tiên cao và trung bình - chứa các vi khuẩn khác ngày càng đề kháng kháng sinh hiện có và gây ra nhiều bệnh thường gặp hơn như bệnh lậu và ngộ độc thực phẩm.

    Mức độ ưu tiên: Cấp thiết

    1. Acinetobacter baumannii, kháng carbapenem

    2. Pseudomonas aeruginosa, kháng carbapenem

    3. Enterobacteriaceae, kháng carbapenem, tiết ESBL

    Mức độ ưu tiên: Cao

    4. Enterococcus faecium, kháng vancomycin

    5. Staphylococcus aureas, kháng methicillin, nhạy cảm trung gian với vancomycin và kháng vancomycin

    6. Helicobacter pylori, kháng clarithromycin

    7. Campylobacter spp, kháng fluoroquinolon

    8. Salmonellae, kháng fluoroquinolon

    9. Neisseria gonorrhoeae, kháng cephalosporin, kháng fluoroquinolon

    Mức độ ưu tiên: Trung bình

    10. Streptococcus pneumoniae, penicillin-nonsusceptible

    11. Haemophilus influenzae, kháng ampicillin

    12. Shigella spp, kháng fluoroquinolon

    Danh sách này đã được nhóm chuyên gia quốc tế lựa chọn dựa trên những bằng chứng tốt nhất và tiêu chuẩn nghiêm ngặt, bao gồm mức độ kháng lại các điều trị hiện có, tỷ lệ tử vong, tỷ lệ hiện mắc trong cộng đồng và gánh nặng cho hệ thống y tế. Những vi khuẩn này thách thức cộng đồng nghiên cứu khoa học phải hành động nhanh chóng để phát triển các kháng sinh mới điều trị chúng.

    Mycobacterium tuberculosis không còn được đưa vào danh sách bởi vì đã có sự nhất trí rằng danh sách này là ưu tiên quan trọng nhất đối với nghiên cứu và phát triển các loại thuốc kháng sinh mới. Các vi khuẩn khác không được bao gồm, chẳng hạn như Streptococcus nhóm A và B và Chlamydia, có mức độ kháng thấp đối với các phương pháp điều trị hiện tại và hiện không gây ra một mối đe dọa sức khoẻ đáng kể.

    Các chiến lược R & D trong tương lai nên tập trung vào việc khám phá và phát triển các kháng sinh mới đặc biệt hoạt động chống lại các vi khuẩn Gram âm kháng  hoặc đa kháng thuốc. Hội đồng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của kháng sinh mới đối với trẻ em và các bệnh gây ra gánh nặng bệnh tật cao trong cộng đồng như Neisseria gonorrhoeae, Salmonella typhiEnterobacteriaeceae tiết ESBL.

    Việc ưu tiên nghiên cứu đúng hướng sẽ làm giảm gánh nặng của các ca nhiễm kháng kháng sinh trên toàn cầu khi tình hình đề kháng kháng sinh đang ở mức "đáng báo động", trong khi ngày càng ít kháng sinh mới được nghiên cứu và phát triển.

    Tài liệu tham khảo

    http://www.medscape.com/viewarticle/876335
    http://www.who.int/medicines/publications/global-priority-list-antibiotic-resistant-bacteria/en/

    Ds Thân Thị Mỹ Linh

    Connect with Tu Du Hospital