1. Thuốc kháng nấm fluconazol
Các dạng thuốc fluconazol hiện có tại bệnh viện
- Fluconazol Stada: viên uống 150mg.
- Fluconazol 200mg/100ml: truyền tĩnh mạch.
Chỉ định: fluconazol được dùng để dự phòng và điều trị nhiễm nấm với liều dùng dựa trên loại nhiễm nấm và mức độ trầm trọng của bệnh. Tuy nhiên, không khuyến cáo sử dụng fluconazol cho các trường hợp nhiễm nấm Aspergillus.
Tương tác thuốc: fluconazol có tác dụng ức chế enzyme CYP 450 có thể làm tăng nồng độ của một số thuốc chuyển hóa qua ở gan như theophyllin (Diaphyllin), thuốc tránh thai đường uống (COC)... Cần thận trọng và cân nhắc giữa lợi ích với nguy cơ khi sử dụng.
Một số lưu ý khi sử dụng fluconazol đường tĩnh mạch
- Người lớn: cần hiệu chỉnh liều ở người suy thận có độ thanh thải creatinin <50ml/phút.
- Trẻ em dưới 4 tuần tuổi: thuốc được đào thải chậm ở trẻ sơ sinh. Trong hai tuần đầu tiên có thể dùng cùng liều lượng tính theo kg thể trọng như ở trẻ lớn nhưng với khoảng cách mỗi 72 giờ. Từ tuần thứ 2 - 4, có thể dùng liều lượng tương tự mỗi 48 giờ.
- Cách dùng: dùng đường tiêm tĩnh mạch, tốc độ không quá 2 ml/phút. Khi chuyển từ đường tiêm tĩnh mạch sang đường uống hay ngược lại, không cần phải thay đổi liều hằng ngày.
- Lưu ý: chỉ truyền tĩnh mạch fluconazol cho bệnh nhân không dung nạp hoặc không thể dùng thuốc đường uống.
2. Kháng sinh ceftizoxim 2g (biệt dược Ceftizoxim 2g)
Ceftizoxim thuộc nhóm kháng sinh cephalosporin thế hệ thứ 3, có phổ kháng khuẩn rộng, bền với enzyme thủy phân do vi khuẩn tiết ra. Phổ kháng khuẩn ưu thế trên các vi khuẩn Gram âm.
Liều dùng
- Người lớn: liều thường dùng là 1 – 2 g mỗi 8 – 12 giờ. Liều tối đa thường dùng là 6 g/ngày. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng đe dọa tính mạng có thể tăng liều lên 12 g/ngày.
- Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi: khác với cefotaxim, tính an toàn của thuốc đối với trẻ 6 tháng tuổi chưa được nghiên cứu do đó không khuyến cáo sử dụng ceftizoxim cho các trẻ em này.
- Trẻ em trên 6 tháng tuổi: 50 mg/kg thể trọng, 6-8 giờ/lần. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng có thể tăng tổng liều tối đa lên 200 mg/kg thể trọng/ngày.
Cách dùng
- Tiêm bắp: tiêm bắp sâu, không nên tiêm vào mạch máu. Hòa tan 2g ceftizoxim với 6ml nước cất pha tiêm, lắc đều.
- Tiêm tĩnh mạch: tiêm trực tiếp hoặc tiêm chậm trong 3 – 5 phút. Hòa tan 2g ceftizoxim với 20ml nước cất pha tiêm, lắc đều.
- Tiêm truyền tĩnh mạch: tiêm truyền tĩnh mạch gián đoạn hay liên tục. Hòa tan 2g ceftizoxim với 20ml nước cất pha tiêm, pha loãng tiếp vối 50 – 100ml của một trong các dung môi sau: natri clorid 0,9%; dextrose 5% hoặc 10%; dextrose 5% có thêm natri clorid 0,9%, 0,45% hoặc 0,2%; ringer’s, ringer lactat, natri bicarbonat 5%.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc
- Ceftizoxim mới được đưa vào sử dụng, tỷ lệ đề kháng kháng sinh chưa được báo cáo. Đồng thời thuốc có hàm lượng cao, phổ kháng khuẩn rộng, giá thành tương đối cao, do đó nên cân nhắc sử dụng cho những trường hợp thật cần thiết.
- Thận trọng đối với những bệnh nhân có tiền sử dị ứng penicillin hoặc cephalosporin.
- Ceftizoxim được bài tiết trong sữa mẹ ở nồng độ thấp. Tuy nhiên cần thận trọng khi sử dụng ở phụ nữ cho con bú.
- Theo dõi chức năng thận chặt chẽ ở những bệnh nhân sử dụng ceftizoxim với aminoglycosid. Đã có báo cáo ghi nhận sự suy giảm chức năng thận khi sử dụng chung 2 thuốc này.
3. Kháng sinh teicoplanin 400mg/3ml (biệt dược Targocid)
Phổ kháng khuẩn
- Teicoplanin là kháng sinh dự trữ, hạn chế sử dụng, tỉ lệ đề kháng thấp với các chủng vi khuẩn nhạy cảm.
- Chỉ sử dụng teicoplanin trong các trường hợp nhiễm trùng nặng các chủng vi khuẩn kháng thuốc, các chủng vi khuẩn Gram dương kháng methicillin và kháng cephalosporin đặc biệt là Staphylococcus aureus.
Liều lượng
- Người lớn: liều tấn công: 6 mg/kg (thường dùng liều 400 mg) mỗi 12 giờ x 3 liều đầu, liều duy trì: 6 mg/kg/ngày.
- Trẻ em: bắt đầu liều điều trị 10 mg/kg mỗi 12 giờ x 3 liều, sau đó tiếp tục điều trị với liều 6 – 10 mg/kg/ngày. Liều 10 mg/kg/ngày sử dụng cho các trường hợp nhiễm khuẩn nặng hoặc trẻ có tình trạng giảm bạch cầu trung tính.
- Trẻ sơ sinh: bắt đầu điều trị với liều 16 mg/kg vào ngày thứ nhất, tiếp theo duy trì 8 mg/kg/ngày bằng cách truyền tĩnh mạch chậm (kéo dài khoảng 30 phút).
Thận trọng khi dùng thuốc
- Có sự đề kháng chéo giữa vancomycin và teicoplanin nên tránh sử dụng teicoplanin cho các trường hợp VISA (vancomycin – intermediate Staph aureus) và VRSA (vancomycin – resistant Staph aureus).
- Thận trọng khi sử dụng teicoplanin cho bệnh nhân có tiền sử dị ứng vancomycin vì có nguy cơ dị ứng chéo.
- Theo dõi chặt chẽ chức năng thận và nồng độ thuốc trong máu do đã có ghi nhận khả năng suy thận khi sử dụng thuốc.
4. Thuốc giảm đau phối hợp paracetamol và tramadol (biệt dược Ultracet)
Ultracet là thuốc giảm đau phối hợp thành phần chứa 375mg paracetamol và 37,5mg tramadol. Hiệu quả giảm đau của thuốc là do tác động hợp lực của paracetamol và tramadol, trong đó:
- Tramadol có tác dụng tương tự morphin trong điều trị đau ở mức độ trung bình nhưng yếu hơn trong điều trị đau ở mức độ nghiêm trọng. Tác dụng giảm đau của tramadol kéo dài 4 -8 giờ.
- Paracetamol có hiệu quả giảm đau yếu, để tăng hiệu quả giảm đau thường phối hợp thêm với 1 số hoạt chất khác như: ibuprofen, codein, tramadol… Hiện nay FDA – Hoa Kỳ khuyến cáo liều ngừng sử dụng các thuốc dạng kết hợp có chứa > 325mg paracetamol do nguy cơ tăng tổn thương gan.
Chỉ định: Ultracet được chỉ định điều trị các cơn đau từ trung bình đến nặng (đau sau phẫu thuật, đau do ung thư…).
Liều dùng: 1 – 2 viên mỗi 4 -6 giờ khi cần giảm đau có thể lên đến 8 viên/ngày.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc
- Thuốc chứa tramadol liều thấp nên ít có khả năng gây lệ thuộc thuốc nhưng tránh dùng cho bệnh nhân có tiền sử nghiện thuốc phiện.
- Hiệu quả và độ an toàn của Ultracet cho trẻ dưới 12 tuổi chưa được thiết lập, vì vậy không khuyến cáo dùng cho lứa tuổi này.
- Thuốc dùng đường uống sử dụng để giảm đau sau phẫu thuật (phẫu thuật phụ khoa) hoặc giảm đau cho bệnh nhân ung thư bằng để hạn chế các tác dụng không mong muốn của việc tiêm – tiêm truyền khi bệnh nhân có thể ăn uống được.
- Không nên dùng Ultracet cho phụ nữ cho con bú do tramadol có thể qua được sữa mẹ.
Tài liệu tham khảo
1. Thông tin kê toa sản phẩm.
2. Mims infectious diseases 2015/2016.
3. Dược thư quốc qia Việt Nam 2015.