3. FDA đưa ra cảnh báo an toàn liên quan tới tất cả các thuốc giảm đau opioid.
----------------------
1. Cục Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (US.FDA) đang rà soát dữ liệu của các nghiên cứu về sử dụng fluconazol đường uống ở phụ nữ có thai
FDA thông báo đang đánh giá lại dữ liệu của một nghiên cứu của Đan Mạch cho thấy việc sử dụng fluconazol theo đường uống làm tăng nguy cơ sảy thai
Ngày 26/4/2016, FDA thông báo đang đánh giá lại dữ liệu của một nghiên cứu của Đan Mạch cho thấy việc sử dụng fluconazol theo đường uống làm tăng nguy cơ sảy thai. FDA cũng sẽ rà soát thêm các dữ liệu hiện có để đưa ra kết luận cuối cùng cũng như các khuyến cáo kèm theo. Khi chưa có kết luận cuối cùng, FDA khuyến cáo cán bộ y tế nên thận trọng khi sử dụng fluconazol theo đường uống cho phụ nữ có thai. FDA cũng nhắc lại khuyến cáo của Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), theo đó, chỉ nên sử dụng fluconazol tại chỗ để điều trị nhiễm nấm âm đạo - âm hộ ở phụ nữ có thai, kể cả các trường hợp cần điều trị kéo dài, khi tình trạng nhiễm nấm này dai dẳng hoặc tái diễn. Bệnh nhân đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai cần trao đổi với bác sĩ để lựa chọn thuốc khác để thay thế trong trường hợp đang sử dụng fluconazol đường toàn thân.
Nhãn thuốc hiện tại của FDA có nêu dữ liệu hiện có từ các nghiên cứu cho thấy việc sử dụng liều đơn fluconazol 150 mg đường uống để điều trị nấm không làm tăng nguy cơ xuất hiện các bất thường trong giai đoạn mang thai hoặc các bất thường trên trẻ có mẹ sử dụng fluconazol. Tuy nhiên, việc sử dụng liều cao fluconazol (400 - 800 mg/ngày) trong thời gian dài hơn dẫn đến các bất thường lúc sinh đã được báo cáo ở một số trường hợp. Trong nghiên cứu của Đan Mạch, việc sử dụng fluconazol đường uống chủ yếu ở mức 1 - 2 liều 150 mg.
2. US.FDA khuyến cáo giới hạn sử dụng fluoroquinolon đối với một số nhiễm khuẩn không biến chứng và cảnh báo về một số tác dụng phụ để lại di chứng có thể xuất hiện cùng lúc
Ngày 12/5/2016, FDA khuyến cáo các ADR nghiêm trọng khi sử dụng fluoroquinolon (FQ) đã vượt quá lợi ích các thuốc này đem lại cho các bệnh nhân viêm xoang, viêm phế quản và viêm đường tiết niệu không biến chứng. Đối với các bệnh nhân này, nên cân nhắc lựa chọn kháng sinh khác để ưu tiên FQ cho các trường hợp không có kháng sinh khác thay thế. Tổng quan về độ an toàn của FDA đã chỉ ra rằng việc sử dụng các kháng sinh FQ theo đường toàn thân có liên quan đến các ADR nghiêm trọng để lại di chứng hoặc có khả năng kéo dài. Các ADR này có thể xuất hiện cùng lúc. Các cơ quan bị ảnh hưởng bao gồm gân, cơ, khớp, dây thần kinh và hệ thần kinh TW. Hiện FDA đang rà soát lại nhãn thuốc và Hướng dẫn sử dụng của tất cả các FQ để cập nhật thông tin này. FDA cũng tiếp tục nghiên cứu về độ an toàn của các thuốc này để cập nhật thêm thông tin cho cộng đồng.
Bệnh nhân cần liên lạc với các cán bộ y tế ngay trong trường hợp xuất hiện các ADR nghiêm trọng khi sử dụng FQ. Các dấu hiệu và triệu chứng của các ADR nghiêm trọng bao gồm: đai gân, khớp và cơ, cảm giác kim châm hoặc kiến bò, lẫn lộn và ảo giác. Cán bộ y tế nên ngừng sử dụng FQ theo đường toàn thân ngay khi bệnh nhân báo cáo các ADR này và đổi sang kháng sinh khác để hoàn thành liệu trình điều trị cho bệnh nhân.
3. FDA đưa ra cảnh báo an toàn liên quan tới tất cả các thuốc giảm đau opioid.
Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo về một số vấn đề an toàn liên quan tới tất cả các thuốc giảm đau opioid. Nhóm thuốc này có tương tác với nhiều loại thuốc khác dẫn tới nguy cơ trên tuyến thượng thận và làm giảm nồng độ hocmon sinh dục. FDA yêu cầu thay đổi nhãn thuốc của tất cả opioid giảm đau để cảnh báo về nguy cơ này.
Trong nỗ lực liên tiếp nhằm nâng cao nhận thức của nhân viên y tế và bệnh nhân về nguy cơ khi sử dụng các thuốc nhóm opioid, FDA đã yêu cầu thay đổi thông tin trên nhãn thuốc của các chế phẩm giải phóng tức thời chứa hoạt chất giảm đau nhóm opioid. FDA yêu cầu bổ sung một mục cảnh báo (boxed warning) về nguy cơ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng của việc sử dụng nhầm, lạm dụng, gây nghiện, quá liều, thậm chí là tử vong khi sử dụng các chế phẩm này. Động thái này chỉ là một can thiệp trong chuỗi kế hoạch đánh giá lại và quản lý việc sử dụng các chất nhóm opioid của FDA.
FDA cũng yêu cầu thay đổi một số thông tin về tính an toàn của tất cả các chế phẩm opioid kê đơn để đảm bảo kiểm soát các nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình sử dụng. Đây cũng là nỗ lực giúp nhân viên y tế cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ khi kê đơn thuốc giảm đau gây nghiện.
Về độ an toàn của nhóm thuốc này, FDA đặc biệt nhấn mạnh tới khả năng tương tác của opoid với nhiều loại thuốc khác dẫn tới nguy cơ trên tuyến thượng thận và làm giảm nồng độ hocmon sinh dục. Cụ thể, FDA yêu cầu thay đổi nhãn thuốc của tất cả opioid giảm đau để cảnh báo về nguy cơ này như sau:
- Opioids có thể tương tác với các thuốc trầm cảm và thuốc trị đau nửa đầu dẫn tới các phản ứng nghiêm trọng trên TKTW như hội chứng serotonin.
- Sử dụng opioid có thể dẫn tới tình trạng tuyến thượng thận không sản xuất đủ hormon cortisol trong khi cortisol giúp cơ thể chống đỡ với stress.
- Sử dụng opioids dài ngày có thể làm giảm hormon sinh dục và gây ra các triệu chứng giảm ham muốn, liệt dương và vô sinh.
Opioids được sử dụng rất rộng rãi để giảm đau từ mức độ trung bình tới nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân khi mà các thuốc giảm đau khác kém hiệu quả, góp phần không nhỏ cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân nhưng đồng thời sử dụng nhóm thuốc này cũng đem lại những nguy cơ nghiêm trọng như sử dụng nhầm, lạm dụng, gây nghiện, quá liều, thậm chí là tử vong.
Khuyến cáo cho nhân viên y tế và bệnh nhân
3.1 Hội chứng serotonin:
Bệnh nhân uống opioid cùng với một thuốc tác động lên hệ tiết serotonin cần phải tới gặp bác sỹ ngay nếu thấy xuất hiện một trong các triệu chứng sau: kích động ảo giác, nhịp tim nhanh, sốt, tăng tiết mồ hôi, run lẩy bẩy, rung/lắc cơ, co rút hoặc co cứng cơ, rối loạn điều hòa vận động; và/hoặc buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Triệu chứng có thể bắt đầu sau vài giờ hoặc vào ngày sử dụng opioid cùng với một thuốc làm tăng tác dụng của serotonin trên não và cũng có thể xảy ra muộn hơn, đặc biệt là khi tăng liều.
Nhân viên y tế nên ngừng sử dụng opioid và/hoặc thuốc khác nếu nghi ngờ xảy ra hội chứng serotonin.
Cơ sở dữ liệu hệ thống báo cáo biến cố bất lợi của FDA (FDA Adverse Event Reporting System (FAERS) database) nhận được một số báo cáo liên quan fentanyl và methadone được sử dụng với liều khuyến cáo. Vì vậy hai thuốc này phải bổ sung thông tin trong mục “Cảnh báo” và “Thận trọng” Một số opioid, bao gồm tramadol, tapentadol, và cũng đã được cảnh báo về hội chứng serotonin. Các thuốc opioid khác cũng đã được báo cáo, và phải cập nhật thông tin về hội chứng serotonin trong mục “Tương tác thuốc” và “Phản ứng có hại”.
3.2. Thiếu hụt hoRmon tuyến thượng thận:
Bệnh nhân nên tới gặp bác sỹ khi có triệu chứng thiếu hụt hormon tuyến thượng thận như buồn nôn, nôn, ăn kém ngon, mệt mỏi, yếu cơ, chóng mặt, tụt huyết áp….
Nhân viên y tế nên cho bệnh nhân xét nghiệm hormon tuyến thượng thận. Nếu có xảy ra thiếu hụt hormon, nên cai opioid và bổ sung thêm corticosteroid nếu cần thiết. Nếu ngừng sử dụng opioid cần liên tục đánh giá chức năng tuyến thượng thận để quyết định thời điểm ngừng corticosteroid cho phù hợp.
3.3. Giảm nồng độ hoRmon sinh dục:
Bệnh nhân nên thông báo với bác sỹ nếu thấy giảm khả năng tình dục, bất lực, rối loạn cương dương, mất kinh, hoặc vô sinh.
Nhân viên y tế cần tiến hành thăm khám và làm xét nghiệm chuyên khoa cho những bệnh nhân này.
FDA đã tiến hành đánh giá tất cả các nghiên cứu đã được công bố về tác động của việc uống opoid lâu dài tới nồng độ hormon sinh dục, tuy nhiên các nghiên cứu này đều tồn tại những hạn chế nhất định khiến quá trình đánh giá gặp khó khăn và chưa thể kết luận chắc chắn về tác nhân gây nên các triệu chứng trên là opoid hay là các yếu tố khác. Nguy cơ này được FDA yêu cầu bổ sung trong mục “Phản ứng có hại”.
4. Một số chương trình đánh giá tính an toàn của thuốc được Ủy ban đánh giá nguy cơ Cảnh giác dược (PRAC) công bố tại cuộc họp định kỳ tháng 3/2016
PRAC đánh giá nguy cơ viêm phổi với các chế phẩm corticosteroid đường khí dung trong bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đánh giá các thuốc kháng virus trực tiếp được sử dụng trong điều trị viêm gan C và đánh giá độ an toàn của các thuốc có chứa gadolinium sử dụng trong MRI
4.1. Ủy ban đánh giá nguy cơ Cảnh giác dược (PRAC) thuộc Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đã tiến hành đánh giá nguy cơ viêm phổi khi sử dụng các chế phẩm corticosteroid đường khí dung trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và nhận định không có sự khác biệt về nguy cơ này giữa các chế phẩm khác nhau.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một loại bệnh phổi mãn tính trong đó đường thở bị tắc nghẽn hoặc bị tổn thương dẫn tới hô hấp khó khăn. Corticosteroid được sử dụng rộng rãi trong lãnh thổ Châu Âu để điều trị COPD và thường được dùng dưới dạng khí dung và được sử dụng bởi các dụng cụ chuyên dụng.
Bản đánh giá của PRAC nhận định điều trị với các corticosteroid trên bệnh nhân COPD làm tăng nguy cơ viêm phổi; tuy nhiên, Ủy ban cho rằng lợi ích của các corticosteroid khí dung vẫn vượt trội hơn so với nguy cơ. PRAC cũng xem xét đến khía cạnh các chế phẩm khác nhau có gây ra nguy cơ khác nhau hay không và không tìm thấy bằng chứng thuyết phục nào về sự khác biệt này. Viêm phổi vẫn là tác dụng phụ phổ biến của tất cả các chế phẩm này.
PRAC khuyến cáo tờ hướng dẫn sử dụng thuốc nên cập nhật thông tin này. Khuyến cáo không ảnh hưởng tới cách thức kê đơn và sử dụng thuốc hiện nay, tuy nhiên bác sỹ và bệnh nhân nên cảnh giác với bất kỳ biểu hiện hoặc dấu hiệu của viêm phổi trong bối cảnh các triệu chứng này có thể chồng chéo và làm nặng thêm tình trạng COPD của bệnh nhân.
Khuyến cáo của PRAC sẽ được chuyển tới CHMP để phê duyệt chính thức.
4.2. PRAC đánh giá các thuốc kháng virus trực tiếp được sử dụng trong điều trị viêm gan C
PRAC đã bắt đầu tiến hành đánh giá các thuốc kháng virus trực tiếp (Daklinza, Exviera, Harvoni, Olysio, Sovaldi and Viekirax) được sử dụng để điều trị viêm gan C mãn tính. Chương trình đánh giá này được tiến hành sau khi xuất hiện một số trường hợp viêm gan B tái phát trở lại trên bệnh nhân đồng nhiễm virus viêm gan B và C và đã được điều trị bằng các thuốc kháng virus viêm gan C trực. Bệnh nhân bị tái phát viêm gan B cho thấy bệnh nhân đã bị tái nhiễm lại viêm gan B vốn đã được điều trị khỏi trước đó. PRAC đang tiến hành đánh giá những trường hợp này và kết quả sẽ được công bố sau khi được phân tích đầy đủ.
4.3 PRAC đánh giá độ an toàn của các thuốc có chứa gadolinium sử dụng trong MRI scan
EMA đã tiến hành đánh giá nguy cơ lắng đọng gadolinium trong mô não khi bệnh nhân sử dụng thuốc này để chụp cộng hưởng từ. Các chế phẩm có chứa thuốc cản quang gadolinium được tiêm cho bệnh nhân trước hoặc trong quá trình chiếu chụp để giúp thu được những hình ảnh về bộ phận và mô cơ thể rõ nét hơn. Sau khi đi vào cơ thể, gadolinium phần lớn được thải trừ ở thận và nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuốc có thể lắng đọng thành lớp ở các mô của cơ thể, bao gồm gan, thận, cơ, da và xương. Gần đây, một bài báo đã công bố các chất có chứa gadolinium còn có thể tích lũy ở mô não. Tháng 01/2016, PRAC đã tiến hành đánh giá các dữ liệu này. Dù cho tới thời điểm này, chưa có báo cáo phản ứng có hại của việc lắng đọng gadolinium trên não được ghi nhận, PRAC vẫn tiếp tục tiến hành nghiên cứu sâu hơn về nguy cơ này cũng như đánh giá lại toàn bộ độ an toàn của lại thuốc này. Báo cáo của PRAC sẽ được gửi tới Ủy ban điều phối thuốc sử dụng trên người – CHMP để phê duyệt chính thức.
5. Cơ quan quản lý Dược phẩm và Sản phẩm y tế Anh (MHRA): Sử dụng apomorphin và domperidon và nguy cơ tim mạch
Bệnh nhân sử dụng apomorphin và domperidon cần đánh giá nguy cơ tim mạch và theo dõi ECG để giảm nguy cơ loạn nhịp tim nghiêm trọng liên quan tới kéo dài khoảng QT
Apomorphin là chất đối kháng dopamin được sử dụng để điều trị rung giật thần kinh vận động dai dẳng ở bệnh nhân Parkinson. Domperidon thường bắt đầu được sử dụng trước apomorphin ít nhất 2 ngày để dự phòng tác dụng phụ nôn và buồn nôn.
Năm 2014, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã tiến hành đánh giá nguy cơ và kết luận domperidon có thể làm tăng nguy cơ kéo dài khoảng QT, rối loạn nhịp thất nghiêm trọng và đột tử liên quan đến vấn đề tim mạch. Nguy cơ tăng lên ở bệnh nhân trên 60 tuổi, bệnh nhân sử dụng liều trên 30 mg/ngày, sử dụng domperidon đồng thời với các thuốc có khả năng kéo dài khoảng QT khác hoặc với các thuốc ức chế cytochrom P450 3A4. Do vậy, EMA đã yêu cầu giới hạn chỉ định của domperidon, giảm liều khuyến cáo và bổ sung thêm một số chống chỉ định trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.
Khi sử dụng liều cao apomorphin cũng có thể làm tăng nguy cơ kéo dài khoảng QT. Vì vậy, EMA đã tiến hành đánh giá độ an toàn của phác đồ có chứa apomorphin và domperidon. Kết quả cho thấy sử dụng đồng thời hai thuốc làm tăng nguy cơ trên tim mạch, đặc biệt là kéo dài khoảng QT. Nguy cơ kéo dài khoảng QT có thể tăng trên những bệnh nhân:
- Có tiền sử kéo dài khoảng QT.
- Đang có rối loạn tim mạch nghiêm trọng như suy tim.
- Rối loạn chức năng gan nghiêm trọng.
- Rối loạn điện giải.
- Sử dụng đồng thời với các thuốc có thể làm tăng nồng độ của domperidon như các thuốc ức chế cytochrom P450 3A4.
MHRA khuyến cáo cán bộ y tế khi phối hợp hai thuốc này cần lưu ý:
- Trước khi bắt đầu điều trị, cần cân nhắc và đảm bảo lợi ích khi phối hợp hai thuốc vượt trội hơn so với nguy cơ trên tim mạch.
- Trao đổi về lợi ích và nguy cơ khi sử dụng apomorphin với bệnh nhân và người chăm sóc, yêu cầu bệnh nhân liên lạc ngay với bác sỹ nếu xuất hiện triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực hoặc ngất trong quá trình sử dụng thuốc.
- Kiểm tra khoảng QT trước khi bắt đầu sử dụng domperidon, trong khi sử dụng apomorphin và bất kỳ khi nào có dấu hiệu lâm sàng bất thường.
- Thường xuyên kiểm tra quá trình sử dụng domperidon của bệnh nhân để đảm bảo bệnh nhân dùng liều thấp nhất có hiệu quả và trong khoảng thời gian ngắn nhất.
- Nhắc nhở bệnh nhân liên lạc ngay với bác sỹ khi có bất kỳ thay đổi nào có thể làm tăng nguy cơ loạn nhịp tim như:
+ Có triệu chứng của rối loạn chức năng gan hoặc rối loạn tim mạch.
+ Có tình trạng bệnh có thể gây rối loạn điện giải (ví dụ: viêm dạ dày – ruột hoặc bắt đầu sử dụng thuốc lợi tiểu).
+ Bắt đầu sử dụng bất kỳ thuốc nào khác.
6. Nhóm Điều phối của Quy trình đăng ký thuốc sử dụng trên người không tập trung và thừa nhận lẫn nhau giữa các thành viên trong liên minh Châu Âu (CMDH) quyết định rút số đăng ký của các chế phẩm có chứa fusafungin dạng xịt được sử dụng trong nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Quá trình đánh giá lại độ an toàn của các chế phẩm chứa fusafungin xịt mũi/họng được Ủy ban đánh giá nguy cơ Cảnh giác dược (PRAC) khởi động từ tháng 09/2015 theo yêu cầu của Cơ quan Quản lý Dược phẩm Italia. PRAC cũng đã tiến hành tham vấn ý kiến của các chuyên gia nhi khoa và chuyên gia kháng sinh trước khi đưa ra khuyến cáo cuối cùng về việc rút số đăng ký của các chế phẩm chứa fusafungin xịt mũi/họng. Khuyến cáo này đã được CMDh phê duyệt vào ngày 01/04/2016.
Ngày 12/02/2016, Ủy ban Đánh giá nguy cơ Cảnh giác dược (PRAC) trực thuộc Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã chính thức ra khuyến cáo rút số đăng ký và ngừng lưu hành các biệt dược chứa fusafungin. Khuyến cáo này được đưa ra sau khi PRAC tiến hành đánh giá các dữ liệu hiện có và nhận thấy fusafungin có thể gây ra những phản ứng dị ứng nghiêm trọng và lợi ích của thuốc không vượt trội nguy cơ. Ngày 01/04/2016, CMDh đã chính thức phê duyệt rút số đăng ký của các chế phẩm này.
Fusafungin là một kháng sinh và các chế phẩm dạng xịt mũi, xịt họng có chứa fusafungin được sử dụng trong điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như viêm xoang và viêm amidan. Phần lớn các phản ứng dị ứng nghiêm trọng xảy ra ngay sau khi sử dụng thuốc, gây co thắt phế quản, co rút quá mức và co rút kéo dài các cơ hô hấp dẫn tới khó thở. Mặc dù các phản ứng nghiêm trọng khi sử dụng fusafungin hiếm khi xảy ra nhưng có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân và hiện không có phương pháp nào đủ hữu hiệu để giảm thiểu nguy cơ này.
Mặt khác, bằng chứng về lợi ích của fusafungin còn hạn chế, xét trên bối cảnh thuốc thường được sử dụng trong những bệnh đường hô hấp trên mức độ nhẹ thì lợi ích của fusafungin không vượt trội hơn so với nguy cơ. Ngoài ra, CMDh cũng bày tỏ lo ngại về khả năng fusafungin có thể kích thích tình trạng kháng kháng sinh dù chưa có đầy đủ bằng chứng.
Do vậy, CMDh kết luận rằng nguy cơ khi sử dụng fusafungin lớn hơn lợi ích mà thuốc mang lại và quyết định rút số đăng ký của các thuốc có chứa fusafungin trên lãnh thổ Châu Âu.
Nguồn: Tổng hợp từ http://canhgiacduoc.org.vn/
- http://www.fda.gov/Drugs/DrugSafety/ucm497482.htm
- http://www.fda.gov/Drugs/DrugSafety/ucm500143.htm
- http://www.fda.gov/Drugs/DrugSafety/ucm489676.htm
- https://www.gov.uk/drug-safety-update/apomorphine-with-domperidone-minimising-risk-of-cardiac-side-effects
- http://www.ema.europa.eu/ema/index.jsp?curl=pages/news_and_events/news/2016/03/news_detail_002500.jsp&mid=WC0b01ac058004d5c1
- http://www.ema.europa.eu/ema/index.jsp?curl=pages/news_and_events/news/2016/03/news_detail_002489.jsp&mid=WC0b01ac058004d5c1