Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Phạm vi áp dụng
Quy định này áp dụng trong đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn, đào tạo đại học và sau đại học trong nước và tại nước ngoài
Điều 2: Các hình thức đi học
1. Học trong nước:
- Học bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ngắn hạn.
- Học bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ tập trung dài hạn.
- Học đại học, sau đại học dài hạn.
2. Học ngoài nước:
- Học bồi dưỡng về chuyên môn.
- Học đại học, sau đại học.
Điều 3: Đối tượng điều chỉnh
1. Công chức, viên chức thuộc biên chế nhà nước.
2. Lao động hợp đồng dưới 12 tháng, hợp đồng lao động từ 12 đến 36 tháng và hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Công chức, viên chức và nhân viên hợp đồng lao động (sau đây gọi tắt là CCVC)
Chương II
TIÊU CHUẨN ĐƯỢC CỬ ĐI ĐÀO TẠO
Điều 4: Tiêu chuẩn theo quy định của Pháp luật và của bệnh viện
- Trình độ chuyên môn: Đáp ứng đúng yêu cầu của đơn vị tổ chức thi tuyển.
- Phẩm chất chính trị: Lý lịch bản thân và gia đình rõ ràng, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, phẩm chất đạo đức tốt, chấp hành các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Những người đang trong thời gian thi hành kỷ luật (từ khiển trách trở lên) không được cử đi học.
- Trình độ văn hoá: Tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tốt nghiệp bổ túc văn hoá cấp 3.
- Sức khoẻ: đủ sức khoẻ để học tập và lao động theo quy định tại Thông tư Liên Bộ Y tế - Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề số 10/TT-LB ngày 18/8/1989.
- Thâm niên công tác theo quy định hiện hành của pháp luật và đơn vị tuyển sinh.
- Có ít nhất 03 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.
- Được bệnh viện cử đi đào tạo theo nhu cầu của bệnh viện và đáp ứng được các điều kiện sau:
- Có thâm niên công tác tại bệnh viện từ đủ 03 năm trở lên.
- Trưởng Khoa/ Phòng có ý kiến đồng ý và xác nhận không ảnh hưởng đến công tác của Khoa/ Phòng khi cá nhân đi học và được sự phê duyệt đồng ý của Ban giám đốc.
- Đối với CCVC các chuyên ngành hệ đại học khi tham gia dự thi sau đại học phải có đề tài NCKH (hoặc tham gia đề tài NCKH) đã được Hội đồng Khoa Học Công Nghệ bệnh viện công nhận.
- CCVC nếu đã dự thi tuyển đến lần thứ ba mà không đạt yêu cầu thì bệnh viện sẽ ngưng xét cư đi thi tuyển trong ba năm kế tiếp.
Điều 5: Đối tượng ưu tiên
- CCVC thuộc diện “Quy hoạch cán bộ” của bệnh viện.
- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn được giao.
- Tham gia tích cực phong trào đoàn thể của bệnh viện.
- Có nguyện vọng gắn bó lâu dài với bệnh viện, có thâm niên công tác tại bệnh viện cao.
- Các đối tượng ưu tiên theo quy định của Pháp luật.
Chương III
NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA CÔNG CHỨC - VIÊN CHỨC
ĐƯỢC CỬ ĐI ĐÀO TẠO
Điều 6: Nghĩa vụ
- CCVC phải nắm và thực hiện nghiêm chỉnh nội qui, qui chế của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
- Có tinh thần ham học hỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập, không được vi phạm y đức nghề nghiệp.
- Cam kết tiếp tục thực hiện nhiệm vụ sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 03 lần thời gian đào tạo.
- Bồi hoàn tất cả chi phí đào tạo mà bệnh viện đã chi trong thời gian CCVC được cử đi đào tạo theo quy định của pháp luật nếu CCVC đang tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng mà tự ý bỏ học, thôi việc hoặc đã học xong nhưng chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết.
- Cuối khóa học, CCVC phải báo cáo kết quả học tập hoặc có “Giấy chứng nhận” học tập về Phòng Tổ chức cán bộ.
- Kết thúc Hội nghị khoa học hoặc khóa đào tạo ở nước ngoài: CCVC phải báo cáo kết quả để trình Ban giám đốc.
Điều 7: Quyền lợi
- Được bệnh viện bố trí thời gian thuận lợi cho việc học tập.
- Thời gian đào tạo, bồi dưỡng được tính vào thời gian công tác liên tục.
- Trong thời gian học tập: Lương và mọi chế độ của CCVC được giải quyết đúng chế độ theo quy định tại phụ lục đính kèm Quy chế này.
Điều 8: Khen thưởng
- Khi hoàn thành khóa học đúng hạn định thì được biểu dương, khen thưởng về kết quả học tập, bồi dưỡng theo quy định của “Quy chế chi tiêu nội bộ” và Nghị quyết Hội nghị CCVC bệnh viện hàng năm.
Điều 9: Kỷ luật, trừ thi đua, bồi hoàn chi phí đào tạo
CCVC vi phạm những quy định trong thời gian được cử đi đào tạo như: Không tham gia các buổi học chính trị, chuyên môn theo sự phân công của Khoa/Phòng; Thái độ học tập không nghiêm túc;Không trung thựckhi báo cáo đi học những ngày không học để né tránh công tác,…, sẽ bị kỷ luật, trừ thi đua theo quy định về “Quy chế thi đua, khen thưởng” của bệnh viện
Chương IV
QUẢN LÝ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO
Điều 10: Nhiệm vụ và quyền hạn của Phòng Tổ chức cán bộ
- Phối hợp với Phòng Điều dưỡng, Phòng Kế hoạch tổng hợp, Phòng Chỉ đạo tuyến, Phòng Tài chính kế toán trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CCVC trình Ban giám đốc phê duyệt.
- Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ phối hợp với Trưởng/Phó các Khoa/Phòng triển khai kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng CCVC đã được Ban giám đốc duyệt.
- Quản lý thời khóa biểu của CCVC khi được đi đào tạo và báo cáo Ban Giám đốc khi có yêu cầu.
- Theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện công tác đào tạo; đề nghị khen thưởng đối với CCVC hoàn thành tốt khoá đào tạo; buộc bồi hoàn kinh phí đào tạo khi CCVC vi phạm các điều khoản đã cam kết với bệnh viện khi được cử đi đào tạo.
- Tổng hợp nhu cầu đào tạo của bệnh viện, của các khoa/ phòng và đề xuất kinh phí đào tạo hàng năm.
Điều 11: Nhiệm vụ và quyền hạn của Khoa/Phòng
- Tổ chức thực hiện theo Kế hoạch đào tạo CCVC hàng năm của bệnh viện (trong và ngoài bệnh viện); Các Khoa/Phòng đăng ký nhu cầu cần đào tạo CCVC.
- Trưởng phó Khoa/Phòng phải tạo điều kiện thuận lợi cho CCVC đi đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn khi có quyết định cử đi học của Ban Giám Đốc.
- Trưởng phó Khoa/Phòng chịu trách nhiệm quản lý thời gian biểu của CCVC của khoa/phòng khi đi đào tạo, bồi dưỡng.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12: Thực hiện Quy chế
- Phòng Tổ chức cán bộ có trách nhiệm theo dõi thực hiện quy chế này.
- Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các khoa/ phòng phản ảnh về Phòng Tổ chức cán bộ để trình Ban Giám đốc quyết định sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy chế.
| GIÁM ĐỐC |