banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

18/10/2016

Thông tin thuốc tháng 9/2016: Kháng sinh Ticarcilin + Acid clavulanic và Cefuroxim

1. Kháng sinh Ticarcilin 3 g kết hợp với Acid clavulanic 0,2 g (biệt dược Viticalat)

Ticarcilin là một kháng sinh có phổ rộng, hiệu lực diệt khuẩn trên nhiều loại vi khuẩn Gram dương, Gram âm hiếu khí và vi khuẩn kỵ khí. Thuốc dễ bị mất tác dụng bởi các enzym b-lactamase do đó phổ hoạt động không bao gồm các chủng vi khuẩn tiết các enzym này.

Ticarcilin kết hợp với Acid clavulanic giúp mở rộng phổ diệt khuẩn của thuốc này đối với các chủng vi khuẩn tiết beta-lactamase như Staphylococci, nhiều loài Enterobacteriaceae, Haemophilus influenzae, Bacteroides spp. nhưng không tăng hoạt tính diệt khuẩn với Pseudomonas aeruginosa.

  • Chỉ định

Chỉ định trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, nhiễm khuẩn da, mô mềm và cấu trúc da, nhiễm khuẩn xương – tủy, viêm phổi, viêm màng não do Heamophilus influenzae, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm trùng đường tiết niệu, sinh dục, ổ bụng, tử cung và vùng chậu.

  • Liều dùng ở người lớn

Liều dùng được tính trên dạng phối hợp Ticarcilin + Acid clavulanic (tỷ lệ 15:1). Liều dùng nên được xác định bởi mức độ nhiễm khuẩn, tình trạng của bệnh nhân và độ nhạy cảm của vi khuẩn gây bệnh.

Liều thường dùng là 3,2 g mỗi 6-8 giờ, đối với nhiễm khuẩn nặng có thể truyền TM mỗi 4 giờ.

  • Cách dùng

Hòa tan 1 lọ thuốc bột với 13 ml nước cất pha tiêm. Lắc đều. Pha loãng tiếp với 100ml dung dịch Natri clorid 0,9% truyền tĩnh mạch chậm hơn 30 phút.

  • Một số lưu ý khi sử dụng

- Ticarcilin dùng chung với các aminoglycosid cho tác dụng hiệp đồng trên Pseudomonas aeruginosa và Enterobacteriaceae. Nếu dùng đồng thời những thuốc này, phải tiêm vào những chỗ khác nhau và cách nhau ít nhất 1 giờ.

- Với người suy tim sung huyết, tăng huyết áp, suy thận cần hạn chế muối phải lưu ý đến lượng natri chứa trong liều cao Ticarcilin.

- Cân nhắc về khả năng có biến chứng chảy máu, đặc biệt khi dùng thuốc cho người suy thận hoặc có tiền sử rối loạn chảy máu.

- Cần hiệu chỉnh liều trong trường hợp bệnh nhân bị suy gan thận.

2.  Kháng sinh Cefuroxim 750 mg

Cefuroxim là một kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 2. Thuốc có hoạt tính kháng khuẩn với nhiều tác nhân gây bệnh thông thường, kể cả các chủng tiết b-lactamase/ cephalosporinase của các vi khuẩn Gram dương và Gram âm. Thuốc có hoạt tính in vitro trên vi khuẩn Gram âm tốt hơn các kháng sinh cephalosporin thế hệ 1 nhưng kém hơn so với các kháng sinh cephalosporin thế hệ 3.

  • Chỉ định

Chỉ định trong điều trị các nhiễm khuẩn thể nặng đường hô hấp dưới (kể cả viêm phổi), nhiễm khuẩn da và mô mềm, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn thể nặng tiết niệu – sinh dục, nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não do các vi khuẩn nhạy cảm gây ra. Dự phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật.

  • Liều dùng ở người lớn

 Liều dùng phụ thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn. Liều thường dùng là 750 mg  - 1,5 g mỗi 8 giờ trong 5-10 ngày. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng đe dọa đến tính mạng có thể dùng liều 1,5 g mỗi 6 giờ.

  • Cách dùng

- Tiêm bắp: Hòa tan 750 mg thuốc bột pha tiêm với 3 ml nước cất pha tiêm. Lắc đều hỗn dịch trước khi tiêm. Tiêm bắp sâu vào vùng cơ lớn như mông hoặc mặt trong của đùi. 

- Tiêm tĩnh mạch: Hòa tan 750 mg thuốc bột pha tiêm với 8 ml nước cất pha tiêm. Dung dịch này có thể tiêm chậm trực tiếp vào tĩnh mạch hoặc vào dây truyền dịch có chứa dịch truyền tương hợp trong thời gian ít nhất là 5 phút.

- Truyền tĩnh mạch ngắt quãng và truyền tĩnh mạch liên tục: Hòa tan 750 mg thuốc bột pha tiêm với 50 ml nước cất pha tiêm hoặc dung dịch Dextrose 5% hoặc dung dịch Natri clorid 0,9%. Truyền tĩnh mạch ngắt quãng 30 phút.

  • Một số lưu ý khi sử dụng

- Cân nhắc chuyển sử dụng từ Cefuroxim đường tiêm sang Cefuroxim đường uống nếu tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh nhân đã ổn định (48-72 giờ sau khi sử dụng kháng sinh tiêm).

- Không truyền chung Cefuroxim với các kháng sinh aminoglycosid trên cùng 1 dây truyền dịch hoặc 2 dây truyền dịch khác nhau qua vị trí chữ Y.

- Cần hiệu chỉnh liều trong trường hợp bệnh nhân bị suy thận.

Tài liệu tham khảo

  1. Dược thư quốc gia Việt Nam (2015).
  2. Thông tin kê toa sản phẩm.
  3. Betty L. Gahart, Adrienne R. Nazareno. Intravenous medications. 2010.
  4. https://www.drugs.com.