banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

30/07/2012

Sản phụ


DS. Huỳnh Kim Hằng
Khoa Dược - BV Từ Dũ

Phụ nữ sau khi sinh thường rất yếu, các hệ thống tim, phổi, ruột, dạ dày, tiết niệu, cơ quan sinh dục, sự trao đổi chất đều có sự thay đổi. Nếu trong giai đoạn hậu sản có thể được nghỉ dưỡng tốt sẽ tránh được những cơn đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mỏi lưng. 


1. Nguyên tắc dưỡng sinh

Canh là món ăn không thể thiếu khi sản phụ ở cữ, nhưng lưu ý các điểm sau khi nấu canh cho sản phụ: 

  • Hàm lượng muối trong canh không được quá nhiều, vì sẽ ức chế tiết sữa đồng thời nước dễ lưu lại trong người không tốt cho sức khỏe.
  •  
  • Không ăn canh quá béo vì nhu động đường ruột còn yếu, món canh quá béo sẽ là gánh nặng cho đường ruột.
  •  
  • Không ăn canh có tính lạnh như dưa gang, lê, khổ hoa, bí đỏ, măng, bắp cải vì sẽ gây tổn hại tỳ vị, ảnh hưởng đến sự vận hành của thức ăn và máu.
  •  
  • Không ăn canh có chứa đường mạnh nha và có thanh phần liên quan vì sẽ giảm lượng sữa tiết ra. Phụ nữ cho con bú không nên dùng đường mạch nha. 

2. Giới thiệu các món canh dùng cho sản phụ


Canh mộc nhĩ nấu giò heo:

Nguyên liệu: Giò heo 0,5kg, kim châm 15g, nấm mèo (mộc nhĩ) ngâm nước 50g, gừng, hành.

Cách làm
- Giò heo rửa sạch, trụng nước sôi vớt ra để nguội.
- Kim châm bỏ nhụy, ngâm nước 30 phút, xả sạch, trụng nước sôi.
- Nấm mèo rừa sạch cắt sợi. Nước đủ dùng, nấu sôi cho gò heo vào vào hầm lửa nhỏ khi mềm cho kim châm, mộc nhĩ nấu 15 phút, nêm nếm vừa ăn cho hành ngò vài sợi ớt đỏ cho đẹp nhắc xuống.

Công dụng: Sau khi sinh ăn canh giò heo có tác dụng bồi bổ và lợi sữa. 

Canh tôm viên:

Nguyên liệu: Tôm 200g, thịt sò và thịt ốc móng tay mỗi thứ 100g, hẹ 30g, bột mì 150g.

Cách làm:
- Tôm luộc bỏ vỏ, thịt sò, ốc luộc chín bằm nhuyễn, hẹ cắt nhuyễn, pha bột trộn đều vo viên.
- Nước sôi nêm viên bột  nêm gà, cho viên bột tôm vào nấu chín, cho muỗng dầu mè, nêm vừa ăn, rắc ngò, nhắc xuống.

Công dụng: Thành phần protein của tôm gấp 10 lần cá, trứng sữa, nhiều dinh dưỡng và khóang chất như kali, magne, phospho, calcium là những chất cần thiết cho mẹ và bé. 

Canh sơn dược, đương quy nấu hàu:  

Nguyên liệu: Hàu 100g, đương quy 30g, sơn dược tươi 250g, gừng, gia vị.
 

Cách làm:
- Hàu lấy thịt ngâm nước ấm, sơn dược lột vỏ, rửa sạch, cách miếng mỏng, đương quy ngâm nước 1 giờ.
- Cho sơn dược, đương quy, gừng vào nồi sành và chút muối nấu 1 giờ, cho hàu vào nấu 15 phút, sôi nêm vừa nhắc xuống.
 

Công dụng: Hàu có tác dụng tư âm bổ hư, sơn dược kiện tỳ dưỡng vị, đương quy bổ máu, nên món canh này sẽ giúp sản phụ phục hồi sức khỏe nhanh, da dẻ hồng hào sau khi sinh. 

Canh cá diếc nấu đậu hũ:

Nguyên liệu: Cá diếc 4 con, đậu hũ 3  miếng, cải dầu 3 cây, gia vị.

Cách làm: Đậu hũ luộc vớt ra cắt miếng vuông, cải dầu rửa sạch luộc sơ vớt ra để ráo. Cá làm sạch để ráo, chiên vàng vớt ra cho ráo dầu. Nước sôi tả cá vào nấu lửa nhỏ đến khi nước màu trắng đục, thêm đậu hũ, thả cải dầu nêm vừa ăn, nấu sôi nhắc xuống ăn nóng.

Công dụng:  Món canh này có tác dụng thúc sữa, bồi bổ, ích khí, dưỡng khí, kiện tỳ khoan trung. Canh có giá trị dinh dưỡng cao có tác dụng tốt để phục hồi sức khỏe và tiết sữa sau khi sinh. 

Canh đậu hà lan nấu bao tử heo:

Nguyên liệu: Bao tử heo 1 cái, đậu hà lan 300g, hành băm nhuyễn, nước dùng, gia vị.
 

Cách làm

- Đậu hà lan lột vỏ rửa sạch, bao tử làm sạch luộc chín vớt ra, cắt miếng.
- Nước dùng nấu sôi cho bao tử, đậu hà lan nấu sôi 20 phút, nêm vừa ăn, thêm chút tiêu, hành ngò.

Công dụng: Đậu hà lan công dụng bổ thận, kiện tỳ, hòa ngũ tạng, sinh tinh tủy, trừ phiền chỉ khát rất tốt cho sản phụ. Hàm  lượng protein phong phú gồm các acid amine cần thiết cho cơ thể. Canh này bảo vệ sức khỏe và sự phát triển tố cho mẹ và bé. 

Móng heo nấu sung:

Nguyên liệu: Sung tươi 120g rửa sạch, móng heo 500g làm sạch, gia vị.
 

Cách làm:
- Nước sôi cho móng heo, sung vào  nấu sôi vặn lửa nhỏ cho đến khi móng heo mềm, nêm gia vị vừa ăn.
- Chia ăn 3 lần trong ngày.

Công dụng: Bổ khí huyết, hạ nhũ trấp (làm ra sữa) rất tốt cho sản phụ sau khi sanh bị suy nhược, khí huyết bất túc, sữa  không có hoặc rất ít. 

Cháo đậu xanh, mít non giò heo:

Nguyên liệu: Quả sung 50g, mít non 40g, đậu xanh 20g, gạo nếp 50g, gạo tẻ 50g, giò heo 1 cái, gia vị.
 

Cách làm: Tất cả làm sạch cho vào nồi hầm nhừ rồi nêm vừa ăn, ăn trong ngày.
 

Công dụng: Đây là bài thuốc dùng cho sản phụ không có sữa hoặc bị ít sữa .    

 

 

 

Gân chân heo nấu nấm hương:

 

Nguyên liệu: Gân chân heo 30 sợi, nõn rau cải xanh non 8 cây, nấm hương ngâm 50g, măng miếng 50g, thịt đùi chín miếng 50g, lượng vừa hành, gừng tươi, rượu, nước dùng, tôm nõn, muối tinh, bột lọc ướt, bột ngọt.

Cách làm:
- Gân giò heo ngâm rửa sạch cắt khúc 5cm, cho vào tô cho gừng, hành, rượu, nước dùng, cho vào nồi hấp 10 phút lấy ra chắt nước.
- Nõn cải bỏ lá rửa sạch, trần nước sôi vớt để ráo cho vào chảo xào.
- Cho vào nồi nước dùng, cho nấm hương, măng, thịt heo, gân giò heo, tôm nõn, nêm vừa ăn nấu sôi cho rau nõn vào đợi sôi cho bột lọc ướt làm sệt nhắc xuống.

Công dụng: Tư nhuận da, điền tủy thông sữa, thích hợp với sản phụ bị thiếu sữa. 

Giò heo nấu mè đen:

Nguyên liệu: Chân trước heo 2 cái, mè đen 50g, lượng vừa đường đỏ.
 

Cách làm:
- Giò heo làm sạch, chặt miếng cho vào nồi đất, thêm lượng vừa nước nấu 2 – 3 giờ, (thêm nước nếu cần).
- Lấy nước hầm giò heo, cho mè đen rang chín, giã nhuyễn như bột vào dùng lửa nhỏ nấu và thêm đường đỏ thành bột mè.
 

Công dụng: Tư âm, dưỡng huyết, bổ hư tăng sữa, đen tóc, dưỡng nhan. Thích hợp cho sản phụ bị thiếu sữa. 

Canh hoa hiên thịt nạc:  

Nguyên liệu: Thịt nạc heo 250g, hoa hiên 30g, đậu phụ 1 miếng, muối, bột ngọt.
 

Cách làm:
Cho hoa hiên nước ngâm mềm rửa  sạch, thịt nặc sạch, cắt miếng cho cả 2 vào nồi, thêm nước nấu sôi vặn lửa nhỏ hầm trong 1 giờ, nêm vừa ăn.
 

Công dụng: Thanh nhiệt tư âm, thông sữa, thích hợp với sau sanh thiếu sữa. 

Canh bổ tủy:

Nguyên liệu: Tủy xương heo 200g, baba 1 con, hành, gừng, bột ngọt, muối.
 

Cách làm:
- Ngâm baba vào nước sôi cho chết, gỡ bỏ mai và nội tạng, đầu, móng, rửa sạch.
- Tủy xương rửa sạch cho vào chén.
- Thịt baba, hành, gừng cho vào nồi nấu sôi, cho lửa nhỏ hầm đến khi chín mềm, cho tủy xương nấu chín, nêm gia vị.
 

Công dụng: Tư âm bổ thận, điều tinh ích tủy. Bồi bổ và tăng sữa cho sản phụ sau sanh.

 


3. Những vị thuốc làm thông tuyến sữa

Tắc tuyến sữa khiến người mẹ bứt rứt khó chịu, đôi khi gây sốt, sưng đau 2 bầu vú, ảnh hưởng tới nhu cầu bú mẹ của bé. Đông y có rất nhiều vị thuốc để chữa bệnh này như: xơ mướp, gai bồ kết, đu đủ rừng, quả mua…Xin giới thiệu với các sản phụ một số bài thuốc làm thông tuyến sữa như sau:

  •  
    • Tạo giác thích: 

Là gai ở thân và cành đã được chế biến khô của cây bồ kết (còn gọi chùm kết hay tạo giác). Gai bồ kết to, dài 10 – 12cm, mọc thành cụm ở thân, cành. Người ta thu hái về phơi sấy khô. 

Công dụng: Tạo giác thích có vị cay, tính ấm vào hai kinh phế và đại tràng, có tác dụng hoạt huyết, tiêu viêm trừ đờm,  thông sữa, giải độc, làm tan ung nhọt độc, sưng vú, tắc tia sữa. Liều dùng 4 –  8g, sắc uống hay tán bột làm viên. Có thể phối hợp với một số vị khác.

 

2. Ty qua lạc:
Là xơ quả mướp chín già, khô, đập bỏ vỏ ngoài, lắc cho rơi hết hạt phơi nắng cho khô, cắt từng khúc, dùng khoảng 5 – 10g sắc uống hàng ngày.
Công dụng: Xơ mướp vị ngọt tính bình, vào 3 kinh phế, vị, can, có tác dụng thông kinh hoạt lạc, thanh nhiệt giải độc, lương  huyết chỉ thống, chữa đau nhức mình mẩy, gân xương vùng ngực và sườn, làm thông tuyến sữa.

3. Mộc thông: 

Còn gọi là Tam diệp mộc thông, là thân cây Mộc thông đã chế biến khô. Liều dùng: 5 – 10g sắc uống trong ngày.
Công dụng: Mộc thông vị đắng, tính hàn, vào 4 kinh: tâm, phế, tiểu tràng, bàng quang. Có tác dụng lợi niệu lưu thông  khí huyết, làm hạ sốt nên được dùng để trị các chứng tiểu tiện khó khăn, tiểu gắt do thấp nhiệt, mạch máu tắc nghẽn, tắc tia sữa, bế kinh.

4. Thông thảo:

Là lõi thân khô (phần bấc) của cây thông thảo, còn gọi là cây Thông thoát, mọc ở vùng Cao  Bằng, Lào Cai, Đăklăk …thân cứng dòn bên trong có lõi xốp trắng. Cây càng già  lõi càng đặc và chắc. Liều dùng: 2,5 – 5g sắc uống.
Công dụng: Thông thảo vị ngọt, tính lạnh, vào 2 kinh phế, vị, có tác dụng lợi tiểu, thanh thấp nhiệt, làm xuống sữa nên  dùng chữa các bệnh tiểu tiện khó khăn (ngũ lâm), thủy thủng, tắc tia sữa.

5. Đu đủ rừng (Trevesia palmata, roxb vis họ Araliaceae)
Cây nhỏ, cành  nhiều gai, ruột bấc mọc hoang nhiều ở các vùng núi. Dùng như thông thảo để chữa tắc tia sữa.

6. Đông quỳ tử:
Là hạt già đã chế biến khô của cây Thương ma (cây cối xay). Liều dùng: 10 – 15g sắc uống.
Công dụng: Đông quỳ tử tính hàn vị ngọt, vào 2 kinh đại tràng, tiểu tràng, có tác dụng lợi niệu, thông sữa, nhuận tràng.  Dùng chữa các bệnh về đường niệu, phụ nữ tắc sữa, thiếu sữa, ung nhọt. 

Vương bất lưu  hành:

Là hạt chín khô của cây lương bất lưu hành, họ cẩm chướng. Liều dùng 10 – 15g, sắc uống.
Công dụng: Vương bất lưu hành vị đắng tính bình, vào 2 kinh can, vị có tác dụng hành huyết, thông kinh làm thông sữa và đẻ mau, tiêu sưng tấy làm liền miệng các vết thương. Được dùng để làm thuốc điều trị các bệnh kinh nguyệt bế tắc, sữa không thông.
Có thể dùng quả cây mua thay thế. Liều lượng giống Vương bất lưu hành. 

Xuyên sơn giáp:

Là vảy con tê tê, một động vật có vú sống hoang dã ở vùng núi Quảng Ninh, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An. Liều 5 – 10g sắc uống.
Công dụng: Xuyên sơn giáp mùi tanh vị mặn, tính hơi lạnh vào 2 kinh can và vị. Nó có tác dụng phá huyết, thông kinh lạc, tiêu thủng, bài nùng, lợi sữa. Dùng chữa các chứng bệnh phong hàn, tê thấp, đau nhức khớp xương, tắc tia sữa, mụn nhọt sưng tấy, đậu sởi không mọc được.

Tài liệu tham khảo 

1. 1000 món canh dưỡng sinh trị bệnh – NXB Mỹ Thuật, 2010
2. 500 Bài thuốc Đông y gia truyền trị bách bệnh - NXB Từ Điển Bách Khoa, 2010

Hình ảnh: nguồn Internet