banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

22/12/2009

Một số vấn đề thường gặp ở thời kỳ cho con bú

  BS. Nguyễn Châu Trí
K. Phụ - BV Từ Dũ

Giải phẫu học tuyến sữa :

Vú người phụ nữ có hình nửa khối cầu, tròn và lồi hơn ở phía dưới tạo thành rãnh dưới vú, ngăn cách vú với da ngực. Vú trải từ xương sườn thứ 2 đến xương sườn 6,7; từ 2 bên ức đến nếp gấp nách trước. Vú nằm phần lớn ở mặt trước cơ ngực lớn. Lớp mỡ của vú rất dày ngay trên mạc nông của ngực (hay bị áp-xe vú tại vị trí này)


 

Pectoralis major muscle: Cơ ngực lớn
Ligament of Cooper: Dây chằng cooper
Mammary lobule: Tuyến sữa
Lactiferous duct: Ống tiết sữa
Lactiferous sinus:Xoang sữa.

 

Các tuyến sữa (Mammary gland) là loại tuyến chùm tạo thành các tiểu thùy (Lobule)  Nhiều tiểu thùy hợp thành các thùy. Mỗi thùy đổ ra đầu vú bởi 1 ống tiết sữa (Lactiferous duct). Trước khi đổ ra đầu vú, ống tiết sữa phình ra thành xoang sữa (Lactiferous sinus).

Núm vú (Nipple) và quầng vú (Areola):

- Quầng vú là một vùng da sẫm màu có đường kính từ 2-6 cm ở đầu vú. Quầng vú có màu thay đổi từ hồng nhạt đến nâu sẫm tùy theo độ tuổi, số lần sanh và màu da. Da của quầng vú có nhiều nốt nhỏ, phía dưới là các tuyến nhờn Montgomery. Các tuyến này có vai trò tiết ra chất nhờn, giúp ngăn ngừa núm vú và quần vú bị nứt nẻ, hiện tượng này rất thường gặp ở giai đoạn cho con bú. Ở tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ, tuyến Montgomery phình to.

- Núm vú được một dải cơ trơn phủ quanh, đồng thời bao quanh các ống tuyến sữa nằm phía dưới.

Mạch máu, hạch bạch huyết và dây thần kinh:

- Tuyến vú rất giàu mạch máu. Động mạch là các nhánh tách ra từ động mạch ngực trong, các nhánh này xuyên qua các khoảng gian sườn 2,3 và 4 cung cấp máu cho vú, cơ ngực lớn và cơ ngực bé. Ngoài ra, vú còn được cung cấp máu bởi động mạch ngực ngoài.

- Hạch bạch huyết đổ về ba chuỗi hạch là hạch nách, chuỗi hạch ngực trong và hạch trên đòn.

- Thần kinh do các nhánh trên đòn của đám rối cổ nông và các nhánh xiên của dây thần kinh gian  sườn 2,3,4,5 và 6 

 

 

 

Sinh lý tiết sữa   :

- Sự tiết sữa được điều khiển và duy trì bởi 2 nội tiết tố chính là prolactin và oxytocin.

- Khi bé mút vú, thùy trước tuyến yên sẽ tiết ra Prolactin kích thích các tế bào tiết ra sữa. Thùy sau tuyến yên tiết ra oxytocin làm co thắt các cơ trơn bao quanh các ống tuyến sữa dẫn sữa đến các xoang sữa. Như vậy, trẻ bú càng nhiều, prolactin tạo ra càng nhiều và sữa tạo ra càng nhiều.

- Khi các xoang sữa ứ đầy sữa, các tế bào sữa sẽ tiết ít sữa lại..

Một số vấn đề thường gặp ở thời kỳ cho con bú :

Đau khi cho bé bú :
- Bé bú sẽ không làm đau, nếu đau phải xem lại  :

  •   Tư thế của bé
  •   Cách bé ngậm vú
  •   Cách bú mút và nuốt,
  •   Kích thước, hình dạng và tình trạng của núm vú (tổn thuơng da, nứt đầu núm vú)

- Tránh quan niệm sai lầm: cho bé bú bình dễ dàng hơn bú vú  mẹ.

- Không được cho bé ăn dặm, bé bú mẹ hoàn toàn từ mới sanh đến 4 tháng tuổi. 

Liệu có đủ sữa mẹ cho bé bú không ?       

Hầu hết phụ nữ đều có dư lượng sữa cho bé bú. Trong trường hợp tiết sữa ít, cho bé bú thường xuyên sẽ giúp kích thích tao ra sữa. Trẻ bú càng nhiều sẽ tạo ra càng nhiều sữa.

Để biết bé có được cung cấp đủ sữa hay không, ta quan sát lượng sữa cung cấp và thải ra mỗi ngày :

  •   Số lượng tã ướt của bé (trung bình từ 6 đến 8 miếng)
  •   Số lần đi tiêu mỗi ngày (rất thường xuyên, đôi khi ngay sau khi cho bé bú)
  •   Trọng lượng của bé: bé mất khoảng 8 % trọng lượng trong tuần đầu, bé bú đủ sẽ lấy lại trọng lượng sau 1 tuần

Căng sữa :

- Sau sanh, sữa tiết nhiều ở vú dẫn đến hiện tượng căng sữa. Sờ nắn vú thấy căng cứng, cảm giác như nổi cục nhưng sữa vẫn chảy tốt.

- Xử trí: Cho bé bú thường xuyên hơn, nặn bỏ sữa nếu bé bú không hết.

Cương tức tuyến vú :

- Vú quá căng, cương to, căng bóng phù nề, có thể kèm theo sốt. Nặn sữa thấy sữa chảy ra ít. Xảy ra khi sữa ứ lại và các mô phù nề cản lưu thông sữa.

- Xử trí: dùng gạc ấm đắp lên 2 vú, xoa nắn nhẹ nhàng, vắt sữa bằng tay hoặc bằng bơm hút giúp thoát sữa.

Viêm vú, áp-xe (nung mủ)vú :

- Kết quả của tình trạng cương tức tuyến vú hoặc tắc sữa mà không xử trí hiệu quả. Vú bị phù nề cứng một vùng, với đủ triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau. Viêm vú dễ nhầm với cương tức tuyến vú nhưng cương vú thường toàn bộ vú và không có dấu hiệu sưng đỏ còn viêm vú thường khu trú ở 1 phần vú.

- Xử trí: Viêm vú sẽ tiến triển thành áp-xe trong vòng 48 – 72 giờ.

Nguyên tắc :

     
  1. Kháng sinh 1-2 tuần: thường dùng là Cephalosporine.
  2.  
  3. Đắp mát lên vú bị viêm.
  4.  
  5. Thuốc giảm đau Paracetamol.

Lưu ý:
Kháng sinh: Cephalosporine qua sữa rất ít nên vẫn cho con bú được ở vú lành.

Metronidazol không nên dùng trong thời gian cho con bú. Trường hợp tiến triển thành áp-xe, phải rạch thoát mủ, có thể dùng kết hợp với Cephalosporine.

Tetracycline là thuốc cùng họ gây vàng da, chậm phát triển xương răng.

Chloramphenicol gây suy tủy, Sulfonamide gây vàng da.

Vắt và hút bỏ sữa ở vú bị viêm ít nhất 3 ngày trước khi cho bú trở lại

- Khi tiến triển thành áp-xe vú thì phải rạch thoát mủ, đặt dẫn lưu. Ở thời điểm này nên ngừng cho con bú (Current Obstetrics & Gynecology ). Có thể sử dụng thêm các loại thuốc có chứa estrogen như Benzogynoestryl, Premarin… để làm giảm bớt lượng sữa mẹ.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bài giảng giải phẩu học, Trường  ĐHYD TPHCM
  2. Sinh lý học
  3. Sản phụ khoa, Trường ĐHYD TPHCM
  4. The 5-Minute Consult Clinical Companion  to Women’s Health 2006
  5. Williams' Gynecology
  6. Current Diagnosis & Treatment  Obstetrics & Gynecology, Tenth Ed(2007)