banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

19/01/2010

Mang thai giả

     TS. BS. Lê Thị Thu Hà
      K. Khám Bệnh - BV Từ Dũ

Mang thai giả là tình trạng xảy ra ở những phụ nữ mong muốn, khao khát có con và tin rằng mình có thai. Các triệu chứng và dấu hiệu ở những phụ nữ này xảy ra giống như những phụ nữ mang thai thật.

Lịch sử

Hippocrates đã mô tả tình trạng mang thai giả từ khoảng 300 năm trước công nguyên, ông đã ghi nhận12 trường hợp phụ nữ mang thai giả. Nữ hoàng Anh Mary I (1516 – 1558) có lẽ là trường hợp mang thai giả nổi tiếng nhất ở lịch sử phương tây.

Triệu chứng

Những triệu chứng và dấu hiệu của mang thai giả tương tự như mang thai thật và thường thì khó phân biệt giữa hai nhóm này. Những triệu chứng như mất kinh, nghén, ngực lớn và tăng cân đều có thể xảy ra. Ngay cả những chuyên gia y tế cũng có thể chẩn đoán nhầm nếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng kể trên. Theo các nghiên cứu trước đây thấy rằng khoảng 18% phụ nữ mang thai giả đã có1 lần được chẩn đoán là có thai bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Dấu hiệu chẩn đoán mang thai giả là tất cả bệnh nhân tin rằng họ đang mang thai. Triệu chứng thường gặp nhất của mang thai giả là bụng to lên (60 – 90%). Bụng to lên kiểu giống như mang thai. Bụng của những người này sẽ nhỏ lại như bình thường sau khi gây mê. 

Triệu chứng thường gặp thứ hai là rối loạn kinh nguyệt (50 – 90%).

Cảm giác thai máy cũng gặp khá nhiều (50 – 75%). Những triệu chứng khác như rối loạn tiêu hóa, vú căng hoặc thậm chí có tiết dịch ở vú, đau bụng.

1% trường hợp có dấu hiệu chuyển dạ giả: đau bụng từng cơn như chuyển dạ thật. Chuyển dạ giả xảy ra vào thời điểm được cho là thai đủ tháng.

Nguyên nhân

Có nhiều cách giải thích khác nhau về hiện tượng mang thai giả. Tuy nhiên, chưa có giả thuyết nào được chấp nhận hoàn toàn bởi vì mối liên quan phức tạp giữa vỏ não, vùng dưới đồi, nội tiết và cả yếu tố tâm lý.

Giả thuyết tâm lý cho rằng hiện tượng này xảy ra do có mâu thuẫn về cảm xúc. Một sự mong muốn khao khát có con quá mức hoặc quá lo sợ mang thai có thể tạo ra mâu thuẫn nội tâm và làm thay đổi hệ thống nội tiết, điều này có thể giải thích những triệu chứng của mang thai giả. Giả thuyết cơ chế sinh học cho rằng hậu quả của sự lo lắng hoặc căng thẳng quá mức lên trục hạ đồi- tuyến yên- thượng thận làm tiết ra nội tiết tố như khi mang thai, gây ra táo bón, bụng to, tăng trọng và tăng nhu động ruột giống cảm giác thai máy. Có giả thuyết cho rằng bụng to khu trú do các cơ thành bụng có thắt và đẩy về phía trước tạo cảm giác như đang mang thai.

Tỉ lệ mang thai giả tại Hoa Kỳ khoảng 1- 6 trường hợp / 22.000 trường hợp sinh. Tuổi trung bình phụ nữ mang thai giả là 33 tuổi. 2/3 phụ nữ có chứng mang thai giả đã có gia đình và 1/3 trong số họ đã có ít nhất 1 lần mang thai.

Điều trị

Vì mang thai giả liên quan đến vấn đề tâm lý nên cần thiết phải xác định về tình trạng không mang thai bằng siêu âm hoặc những phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác. Điều quan trọng là cần giải thích để bệnh nhân hiểu mà không quá thất vọng.

Tài liệu tham khảo:

  1.   http://psychology.wikia.com/wiki/Pseudocyesis
  2.   http://en.wikipedia.org/wiki/False_pregnancy
  3.   http://www.womens-health.co.uk/false_pregnancy.html