banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

10/05/2021

Các thay đổi về da thường gặp trong thai kỳ

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

Phòng Công tác xã hội

Khi mang thai, nhiều mẹ bầu nhận thấy một số thay đổi trên cơ thể, đặc biệt là các biểu hiện của da. Nó không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà có khi còn gây ra một số phiền toái và khó chịu

Hình minh họa - nguồn internet

cho sản phụ. Vậy những thay đổi sinh lý đó là gì và cách khắc phục như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.

Các thay đổi về da thường gặp khi mang thai bao gồm:

  • Các đốm đen hoặc mảng da sậm màu trên mặt, ngực, núm vú hoặc ở nếp bẹn và mặt trong đùi.
  • Đường sậm màu chạy dọc từ trên rốn đến khớp mu.
  • Những vết rạn da.
  • Gân xanh và dãn tĩnh mạch.
  • Mụn trứng cá.

Các vết thâm nám

Nguyên nhân gây ra những biểu hiện này là do sự thay đổi nồng độ các hormone trong thai kỳ. Các đốm đen và mảng da sậm màu là do sự gia tăng sắc tố melanin của cơ thể. Các vết thâm nám này thường sẽ tự mờ đi vài tháng sau sinh. Một số trường hợp có thể kéo dài trong nhiều năm. Để ngăn ngừa tình trạng nám da trở nên nặng nề hơn, bạn nên thoa kem chống nắng và đội mũ rộng vành khi đi ra ngoài.

Rạn da là gì?

Hình minh họa - nguồn internet

Khi bụng to dần lên khi mang thai, làn da có thể xuất hiện những đường màu đỏ, sậm màu được gọi là vết rạn da. Rạn da thường xuất hiện ở 3 tháng cuối của thai kỳ, ở vùng da bụng, mông, ngực hoặc đùi. Sử dụng kem dưỡng ẩm giúp giữ cho làn da của bạn mềm mại nhưng không có tác dụng loại bỏ vết rạn da. Hầu hết các vết rạn da sẽ mờ dần trong vài tháng sau sinh.

Suy giãn tĩnh mạch trong thai kỳ

Khi tử cung lớn dần lên, trọng lượng và áp lực nó đè ép lên khoang bụng có thể làm giảm lưu lượng máu về tim từ phần dưới cơ thể và khiến các tĩnh mạch ở chân bị ứ máu. Mẹ bầu có thể thấy hai chân nổi gân xanh, sưng phù hoặc đau. Giãn tĩnh mạch cũng có thể xuất hiện ở âm hộ, âm đạo và trực tràng (thường biểu hiện tình trạng trĩ). Trong hầu hết các trường hợp, giãn tĩnh mạch sẽ hết sau sinh.

Mặc dù bạn không thể ngăn ngừa hoàn toàn chứng giãn tĩnh mạch, tuy nhiên, bạn có thể làm giảm sưng, giảm đau và ngăn ngừa dãn tĩnh mạch trầm trọng thêm bằng một số biện pháp sau đây:

  • Thỉnh thoảng vận động, di chuyển nếu bạn phải ngồi hoặc đứng trong thời gian dài.
  • Không ngồi khoanh chân hoặc chéo chân trong thời gian dài.
  • Kê chân lên ghế.
  • Thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội hoặc đạp xe.
  • Mang vớ áp lực.
  • Tránh táo bón bằng cách ăn thực phẩm nhiều chất xơ và uống nhiều nước.

Mụn trứng cá

Nhiều phụ nữ khi mang thai sẽ bắt đầu bị mụn trứng cá hoặc tình trạng mụn đang có sẵn bị nặng lên. Điều trị mụn trứng cá trong thai kỳ thường sẽ khó khăn hơn do sự thay đổi nội tiết của cơ thể và phải hạn chế sử dụng một số thuốc có ảnh hưởng lên thai. Lời khuyên dành cho bạn là:

  • Rửa mặt 2 lần mỗi ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ và nước ấm.
  • Nếu bạn có dạng tóc bết dầu, hãy gội đầu mỗi ngày và không nên để tóc dính vào mặt.
  • Tránh gắp hoặc nặn mụn.
  • Chọn mỹ phẩm không chứa dầu.

Một số loại thuốc điều trị mụn trứng cá không cần kê đơn có thể dùng trong thai kỳ bao gồm:

  • Benzoyl peroxide bôi tại chỗ
  • Acid azelaic bôi tại chỗ
  • Acid salicylic bôi tại chỗ
  • Acid glycolic bôi tại chỗ

Nếu bạn muốn dùng các sản phẩm không có trong danh sách này, hãy thảo luận với bác sĩ của bạn.

Ngoài ra, một số loại thuốc sau đây không nên sử dụng trong thai kỳ do các tác dụng phụ bất lợi cho thai nhi:

  • Liệu pháp nội tiết: một số hormone dùng để điều trị mụn trứng cá không được khuyến cáo sử dụng trong thai kỳ do nguy cơ gây dị tật bẩm sinh.
  • Isotretinoin: Là một dạng của vitamin A. Chất này có thể gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng cho thai bao gốm khuyết tật về trí tuệ, dị tật tim, não và các cơ quan khác.
  • Kháng sinh Tetracyclines: Có thể gây ra các thay đổi về màu răng của thai nhi nếu mẹ bầu sử dụng sau tháng thứ 4 của thai kỳ. Ngoài ra, thuốc có thể ảnh hưởng đến sự phát triển xương của thai nhi.
  • Retinoids bôi tại chỗ: Đây cũng là một dạng vitamin A và thuộc cùng nhóm thuốc với isotretinoin. Mặc dù chỉ một lượng thấp được hấp thụ qua da, các chuyên gia vẫn khuyến cáo rằng nên tránh sử dụng thuốc này trong thời kỳ mang thai. Một số hoạt chất retinoid có thể được tìm thấy ở các sản phẩm thuốc hoặc mỹ phẩm không kê đơn. Do đó, bạn cần đọc nhãn cẩn thận trước khi sử dụng để đảm bảo rằng sản phẩm không chứa các retinoid.

Khi đi khám chuyên khoa da liễu, hãy thông báo tình trạng mang thai với bác sĩ của bạn để được kê đơn phù hợp và an toàn. Nếu bạn đang sử dụng thuốc và có thai, hãy thông báo với bác sĩ sản khoa ngay lần khám thai đầu tiên.

 

Tham khảo: https://www.acog.org/womens-health/faqs/skin-conditions-during-pregnancy