banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

01/11/2011

Ứng dụng phẫu thuật điều trị sa tạng chậu

CN. Nguyễn Thị Minh Tâm
Thư ký Giám đốc - BV Từ Dũ

Ngày 28/10/2011, Bệnh  viện Từ Dũ phối hợp với Công ty Blue Light tổ chức Hội thảo chuyên đề Phẫu thuật phục hồi sàn chậu - sử dụng mảnh ghép tổng hợp. Tại hội thảo này, các bác sĩ BS GUY Devoldère, phẫu thuật viên chuyên khoa Tiết niệu (BVĐK Sainte Isabelle, thành viên Hội Tiết niệu), BS GUILLIBERT François, Trưởng khoa Lâm sàng (Bệnh viện Saint Etienne), BS DUGAST Jacques, chuyên khoa Phụ - Sản, là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực  niệu – phụ khoa đến từ Cộng hóa Pháp sẽ cùng các bác sĩ của Đơn vị Niệu phụ khoa - Bệnh viện Từ Dũ thực hành phẫu thuật thị phạm trên các bệnh nhân đến điều trị sa tạng chậu tại bệnh viện bằng phương pháp đa phẫu thuật (giải quyết cùng lúc các tạng bị sa) kết  hợp sử dụng mảnh ghép tổng hợp ghép phục hồi sàn chậu như phục hồi thành trước và sau âm đạo, đặt TOT, nội soi cố định sàn chậu, phẫu thuật điều trị túi sa trực tàng, sa bàng quang….

Sa tạng chậu nữ là bệnh có nguyên nhân từ tình trạng khiếm khuyết sa bản nâng và các cấu trúc nâng đỡ khác của vùng chậu (bẩm sinh, tổn thương kéo dài trong quá trình lao động hoặc sinh đẻ nhiều qua đường âm đạo, tiền sử có trải qua các phẫu thuật vùng chậu, quá trình lão hóa …), gây ra các triệu  chứng rối loạn tiểu, đại tiện.

Hiện nay, có gần 50% phụ nữ từ 15 - 50 tuổi bị sa tạng vùng chậu. Tùy mức độ nặng nhẹ, sa tạng chậu có thể được điều trị bảo tồn bằng phương pháp vật lý trị liệu (tập cơ sàn chậu, kích thích điện  cơ…) hoặc phẫu thuật.

Trong mục tiêu phát triển các chuyên khoa kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng đa dạng của người dân, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cải thiện chất lượng sống tốt hơn cho phụ nữ, từ tháng 7/2009 đến tháng 11/2010, Bệnh viện Từ Dũ  đã điều trị cho gần 130 bệnh nhân sa  tạng chậu bằng phương pháp phẫu thuật có sử dụng mảnh ghép tổng hợp không tan chất liệu polypropylene để phục hồi sàn chậu với tỷ lệ thành công 97,7%.