banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

08/01/2019

Giành giật sự sống cho hai mẹ con sản phụ nhau cài răng lược vỡ

Rạng sáng 14/12/2018, Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận sản phụ Đ.H.N, 30 tuổi từ Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Trà Vinh chuyển đến trong tình trạng tiền sản giật nặng, nhau tiền đạo đang chảy máu, có máu chảy trong  ổ bụng (xuất huyết nội) nghi nhau cài răng lược vỡ. Do tình trạng mất máu, sản phụ có biểu hiện choáng, mệt lả, thở gấp, tim đập nhanh 150 lần/phút.

Sản phụ Đ.H.N. sống tại Trà Vinh, đi khám thai ở TP Hồ Chí Minh được chẩn đoán nhau cài răng lược. Quá trình khám thai đã được tư vấn các nguy cơ và được chích hỗ trợ phổi cho thai nhi vì tiên lượng sẽ mổ lấy thai sớm để đảm bảo an toàn cho mẹ và con. Đang sắp xếp công việc gia đình để đến khám tại Bệnh viện Từ Dũ và chuẩn bị cho cuộc mổ thì ngày 14/12/2018, chị N. thấy nhức đầu và có cơn gò tử cung.

Tiếp nhận sản phụ, kíp trực của Bệnh viện Từ Dũ nhanh chóng xác định đây là một trường hợp tối khẩn, có thể nhau cài răng lược ăn xuyên qua vùng sẹo mổ lấy thai, gây vỡ tử cung và chảy máu vào ổ bụng. Lập tức ê-kíp trực bao gồm Sản-phụ khoa, Gây mê hồi sức, Ngân hàng máu nhanh chóng thực hiện toàn bộ các quy trình khẩn cấp để can thiệp phẫu thuật cho bệnh nhân. Khi vào tới ổ bụng, đã có 1,5lít máu trong bụng, bánh nhau ăn vỡ tử cung ở mặt trước bên trái, đang chảy máu liên tục. Thai nhi tức thì được đưa ra khỏi tử cung, bé gái cân nặng 2200 gram và trao cho ê-kip Sơ sinh chăm sóc. Lúc này ê-kíp Sản khoa thật sự đắn đo: có thể giữ được tử cung cho người mẹ không?    

Trong sản  khoa, thông thường những trường hợp nhau cài răng lược xuyên thủng cơ tử cung gây choáng sẽ phải cắt tử cung sau mổ lấy thai ra và truyền máu khối lượng lớn.

Đánh giá trường hợp của chi N. hết sức đặc biệt: Bênh nhân đã một lần thai lưu 28 tuần phải mổ lấy thai. Lần này sinh mổ thai 31 tuần, bé quá non tháng, nên việc bảo tồn tử cung cho phụ nữ trong tuổi sinh đẻ đã được kíp phẫu thuật hết sức cân nhắc.

Với sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả của Khoa Gây mê hồi sức, Ngân hàng máu, cùng với kỹ thuật mổ lấy thai trong nhau cài răng lược của Bệnh viện Từ Dũ như: dùng Clamp kẹp ruột kẹp tử cung nhằm hạn chế máu tới tử cung, xén bỏ vùng mô cơ tử cung bị nhau xâm lấn, thắt động mạch tử cung, may mũi B-Lynch ngang giúp kiểm soát chảy máu do nhau cài răng lược; sản phụ đã qua được cơn nguy kịch và được tích cực theo dõi tại đơn vị Hồi sức, đến ngày 19/12/2018 chuyển sang khoa Hậu phẫu. Tổng cộng đã truyền cho bệnh nhân 9 đơn vị hồng cầu lắng, 5 đơn vị huyết tương đông lạnh, 5 đơn vị chế phẩm tủa lạnh.

Các bác sĩ Khoa Hậu phẫu khi theo dõi sau mổ cho chị Đ.H.N. đã rất thận trọng, vì với sản phụ mất máu nhiều, giữ lại tử cung khi có nhau cài răng lược vỡ sẽ có tiến triển rất khó lường, nguy cơ cao của việc chảy máu trở lại, nhiễm trùng, …10 ngày sau mổ, các bác sĩ mới thở phào nhẹ nhõm khi các kiểm tra đều có kết quả khả quan. Bé gái sinh non 31 tuần, do có chích hỗ trợ phổi khi khám thai do tiên lượng nhau cài răng lược, sau khi chào đời được khoa Sơ sinh chăm sóc tích cực, hiện bé đã tăng 600g.

Qua  chia sẻ với chúng tôi, anh N.V.L., không giấu niềm vui được làm bố khi nói về con gái - bé N.H.K.V. bú mẹ tốt, ngủ ngoan. Cả ba mẹ đều rất bận chăm con, nhưng gia đình cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì mẹ và bé đều bình an.

 (LD & MT)