banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

04/06/2010

Về nguồn

NHS. Võ Thị Tra
    Chi đoàn Khối Phòng Khám - BV Từ Dũ

Không hiểu vì sao cứ mỗi lần nghĩ đến đất nước và con người Việt Nam tôi lại nghe vang vọng trong tâm trí mình những câu thơ của nhà thơ Huy Cận:

“ Sông vẫn chảy bốn nghìn năm sừng sững
    Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa
    Trong và thực, sáng hai bờ suy tưởng
    Sống hiên ngang và nhân ái chan hòa…”

Trong tâm trí bỗng cuồn cuộn đổ về dòng lịch sử bốn nghìn năm của dân tộc. Bừng sáng trong tâm hồn bốn nghìn  năm của cha ông với những chiến công dựng nước và giữ nước, với trời biển ân tình, thủy chung duy nhất, yêu thương đùm bọc nhau của những con người quen đứng nơi đầu sóng ngọn gió, chống lại mọi thế lực thù địch để dành lấy quyền sống, quyền làm người. Và hôm nay tôi trở về nguồn, đến di tích chiến tranh xưa  – Đền Bến Dược Củ Chi – một nơi như thân quen tự bao giờ. Có lẽ vì nơi đây có rất nhiều người đã hy sinh, trong đất thấm biết bao nhiêu máu của người chiến sĩ cách mạng. Một nhánh sông Sài Gòn chảy qua nước trong xanh, hàng cây xanh  mát…tất cả đều bình dị và thầm lặng ru giấc ngủ ngàn đời cho các anh hùng liệt sĩ Việt Nam.

Men theo con đường mòn, chiếc hầm bỗng tối hơn, cái lỗ hang nhỏ đủ để một người chui qua bỗng ấm áp hơn, tôi nghe như trong vách có tiếng người, cả tiếng chân của bộ đội hành quân. Những cái bàn, cái ghế, ngăn nắp, gọn gàng, cũ kỹ nhưng vẫn sống mãi với thời gian. Đi trong hầm tối mà tôi như thấy rõ những kỳ công của những người bộ đội, sáng hành quân tối đào hầm, những bàn tay những nhát cuốc tỉ mỉ thành những con đường nối hậu phương ra tuyền tuyến. Và hơn thế nữa những hố ngụy trang, trên là lá cây rừng, dưới đáy là những chong tre nhọn được bố trí sẵn sàng, đã chôn vùi biết bao thây xác kẻ thù. Càng đi sâu vào khu di tích càng thấy rõ những kỳ công và mưu kế của chiến sĩ và bộ đội ta bấy giờ, những cây tre ngọn tầm vông cũng trở thành vũ khí giết giặc độc đáo. Tôi không khỏi chạnh lòng khi dừng chân trước bệnh xá – nơi chăm sóc và điều trị bệnh cho những thương binh. Dù trang thiết bị y tế còn thiếu thốn, phòng mổ chỉ có đèn dầu nhưng họ vẫn chịu đựng và tận tình cứu chữa cho các anh du kích, các anh chị bộ đội để tiếp tục trên đường chiến đấu với ý tưởng vì độc lập dân tộc.

Con đường mòn ấy dẫn tôi tới ngôi đền chính, trên bốn bức tường khắc tên của những chiến sĩ đã hy sinh. Khói hương bay nghi ngút, hồn chiến sĩ như đang hiên ngang, những tấm bia sừng sững giữa gió mưa, càng làm tôi thấy thương tiếc và kính trọng họ.

Trên đường tôi trở về nhà, tôi không tránh khỏi những bâng khuâng và lưu luyến. Đến Bến dược như  khắc đậm vào trái tim tôi, tôi bỗng thấy những người chiến sĩ đó anh hùng quá, can đảm quá, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng ra đi vì nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc:

“Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
    Như mẹ cha ta như vợ như chồng
    Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết
    Cho từng ngôi nhà ngọn núi con sông”.

Mảnh đất Củ Chi như đã thấm vào hồn của đất nước của con người Việt Nam, một huyện ngoại ô nằm xa trung tâm thành phố, mang vẻ yên tỉnh của hàng cây xanh của phía rừng âm u, nhưng vẫn rộn ràng nhộn nhịp của bước chân người lính:

“Tôi về thăm mảnh đất tình người
    Sao thấy lòng vương vấn khôn nguôi”.

Chiến tranh đi qua, nay đất nước thanh bình độc lập nhưng khoảnh khắc ấy vẫn còn vang mãi trong mỗi chúng ta.  Với sự hy sinh mất mát của cha anh, thì hôm nay ai trong mỗi chúng ta phải ra sức làm việc, phấn đấu góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. Hơn nữa là người đứng trong hàng ngũ của ngành y tế phải vì sức khỏe cộng đồng quên mình phục vụ để hoàn thành tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho mọi người.