banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg
banner-dh-vuot-can-cung-me-01.jpg

29/04/2008

Thuật ngữ về tuổi trong giai đoạn chu sinh

Bs Nguyễn Thị Tú Anh
Khoa Sơ Sinh - BV Từ Dũ
 ( Theo PEDIATRICS Vol. 114 No )

Những định nghĩa thống nhất để mô tả thai kỳ kéo dài trong bao nhiêu lâu và tuổi của trẻ sơ sinh rất cần để so sánh sự phát triển tâm thần vận động, kết quả điều trị và nuôi dưỡng. Thuật ngữ “tuổi thai,” “tuổi sau kinh chót,” “tuổi đúng,” và “tuổi sau thụ thai” thường được định nghĩa rắc rối, 1,2 khó áp dụng 3-5 hay không được định nghĩa 6,7. Sự sử dụng không thống nhất của thuật ngữ làm giới hạn sự diễn giải chính xác những dữ liệu về kết quả điều trị trẻ sơ sinh, đặc biệt cho trẻ non tháng hay trẻ được sử dụng những kỹ thuật sinh sản hỗ trợ. Mục đích của sự thống nhất này là để tổng hợp những định nghĩa về tuổi hiện sử dụng trong thời kỳ chu sinh và khuyến cáo cách sử dụng thuật ngữ chuẩn

“Tuổi thai- gestational age” (hay “tuổi kinh- menstrual age”) là thời gian giữa ngày đầu tiên của kỳ kinh bình thường cuối cùng và ngày sinh (Hình 1). 8-10 Ngày đầu của kỳ kinh cuối xảy ra khoảng 2 tuần trước rụng trứng và khoảng 3 tuần trước khi phôi bào làm tổ. Vì hầu hết phụ nữ biết ngày bắt đầu của kỳ kinh cuối cùng nhưng không biết khi nào rụng trứng nên định nghĩa này thường được sử dụng khi ước tính ngày dự sinh. Nếu ngày kinh được nhớ chính xác thì biện pháp tính ngày dự sinh này đáng tin cậy. 11Sai số nhỏ (4-6 ngày) đối với ngày dự sinh tính bằng kinh chót là do những thay đổi sinh học di truyền về thời gian tương đối của thời điểm khởi đầu kỳ kinh cuối, sự thụ tinh của trứng và sự làm tổ của phôi bào. 12 Sai số lớn hơn (vài tuần) có thể xảy ra nếu người phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều hay bị xuất huyết vào khoảng thời gian thụ thai. Tuổi thai được tính theo tuần. Do đó, một thai 25 tuần 5 ngày được xem là một thai 25 tuần. Nếu làm tròn thành một thai 26 tuần thì không đúng theo quy chuẩn của quốc tế. 2 Thuật ngữ “tuổi thai- gestational age” nên được sử dụng thay cho “tuổi kinh- menstrual age” để mô tả tuổi của thai nhi hay trẻ sơ sinh.

“Tuổi thực tế- Chronological age” (hay “tuổi sau sinh- Postnatal age) là thời gian tính từ sau ngày sinh (hình 1). Nó thường được tính bằng ngày, tuần, tháng và/hay năm. Thuật ngữ này khác với thuật ngữ “tuổi sau kinh chót- Postmenstrual age”. Tuổi sau kinh chót là thời gian tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối đến ngày sinh (tuổi thai) cộng thêm thời gian sau sinh (tuổi thực tế). Tuổi sau kinh chót thường được tính bằng tuần và thường được áp dụng nhất trong thời kỳ chu sinh sau ngày sinh. Do đó, một trẻ sinh non vào tuổi thai 33 tuần và đã được 10 tuần tuổi (tuổi thực tế) sẽ có tuổi theo kinh chót là 43 tuần. Khi tuổi sau kinh chót được tính bằng tuần và ngày để dùng vào việc quản lý sau sinh thì một trẻ 33 tuần 1 ngày tuổi thai và 10 tuần, 5 ngày tuổi đúng sẽ có tuổi sau kinh chót là 43 tuần, 6 ngày.

“Tuổi đúng -Corrected age” hay “tuổi điều chỉnh -Adjusted age” là thuật ngữ thích hợp nhất dùng cho những trẻ sinh non từ khi sinh đến lúc được 3 tuổi (Hình 1). Thuật ngữ này hay được xem là “tuổi thai đúng- corrected gestational age” hay “tuổi thai điều chỉnh-adjusted gestational age” và thể hiện tuổi của một trẻ tính từ ngày dự sinh. 13,14Tuổi đúng được tính bởi lấy số tuổi thực tế trừ bớt đi số tuần được sinh trước 40 tuần tuổi thai. Do đó, một trẻ 24 tháng, sinh non lúc 28 tuần thai sẽ có tuổi đúng là 21 tháng theo công thức sau:

24 tháng – [(40 tuần-28 tuần)x 1 tháng/4 tuần]

Đối với trẻ sinh non, tuổi đúng và tuổi thực tế không bằng nhau. Hơn nữa, thuật ngữ “tuổi đúng” nên được sử dụng thay cho thuật ngữ “tuổi điều chỉnh.”

“Tuổi thụ thai- Conceptional age” là thời gian tính từ ngày thụ thai và ngày sinh. (Thuật ngữ “Conceptual age” không chính xác và không nên sử dụng nữa.) Vì những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản xác định được chính xác ngày thụ tinh hay làm tổ, có thể xác định một tuổi thụ thai chính xác đối với những trường hợp sinh nhờ những kỹ thuật này. Nếu biết được ngày thụ tinh thì tuổi thai được tính bằng tuổi thụ thai cộng thêm 2 tuần. 10Do vậy, tuổi thai và tuổi thụ thai khác nhau. Khi mô tả tuổi của thai nhi hay trẻ sơ sinh, “tuổi thai” là thuật ngữ thường được sử dụng nhất. Điều này rất quan trọng khi diễn giải kết quả của những nghiên cứu về trẻ sinh non.

Ví dụ: một trẻ sinh non được thụ thai nhờ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo có tuổi thụ thai là 25 tuần có tuổi thai là 27 tuần. Kết quả điều trị của trẻ này nên so sánh với những trẻ có tuổi thai 27 tuần chứ không phải những trẻ có tuổi thai 25 tuần. Để tránh rắc rối nên sử dụng thuật ngữ “tuổi thai”. Thuật ngữ “tuổi thụ thai” và ‘tuổi sau thụ thai- Postconceptional age” (phản ánh thời gian sau khi được thụ thai) không nên sử dụng.

Tuổi thai thường được xác định dựa trên sự phối hợp giữa ngày kinh chót, khám lâm sàng bà mẹ, siêu âm chu sinh và bệnh sử thụ tinh nhân tạo. Khám thực thể đứa trẻ sau khi sinh đôi khi cũng được sử dụng để tính tuổi thai nếu tính bằng tiền sử sản khoa có vẻ không chính xác.

Bảng Thuật ngữ về tuổi trong giai đoạn chu sinh

Thuật ngữ

Định nghĩa

Đơn vị thời gian

Tuổi thai

Tính từ ngày kinh chót đến ngày sinh

Tuần (tính tròn)

Tuổi thực tế

Tính từ ngày sinh

Ngày, tuần, tháng, năm

Tuổi sau kinh

Tuổi thai + Tuổi thực tế

Tuần

Tuổi đúng

Tuổi thực tế trừ đi số tuần sinh trước 40 tuần tuổi thai.

Tuần, tháng


Các bài viết khác